Người đàn ông bị cả nước Nhật tẩy chay vì sống sót trong thảm kịch Titanic
Văn hóa Nhật Bản
Bài: .Ngưn.
Đêm kinh hoàng và sự sống sót của Masabumi Hosono
“Cái đêm hôm ấy là đêm gì…”
Vào ngày 10 tháng 4 năm 1912, Masabumi Hosono lên tàu Titanic với tư cách là hành khách hạng hai để trở về nhà. Những ngày đầu trên tàu là khoảng thời gian đầy háo hức và phấn khởi của toàn bộ hành khách. Vì Titanic lúc bấy giờ là con tàu lớn nhất thế giới, niềm tự hào của công ty vận tải “White Star Line”, vì vậy con tàu mang đến sự thoải mái về chất lượng dịch vụ chưa từng có đến hành khách. Tuy nhiên, chẳng ai ngờ được rằng bi kịch sẽ đến vào 4 ngày sau đó.
Vào khoảng 11:40 đêm ngày 14 tháng 4 năm 1912, Titanic va chạm với một tảng băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương và có dấu hiệu chìm dần. Hosono khi ấy đang ngủ và bị đánh thức bởi các thủy thủ đoàn. Ông nhanh chóng nhận ra tình huống khẩn cấp. Tàu cứu sinh chỉ đủ chỗ cho gần một nửa số hành khách trên tàu và ưu tiên phụ nữ và trẻ em. Như vậy, những người đàn ông như Hosono có rất ít cơ hội sống sót.
Trải nghiệm của Hosono về vụ chìm tàu thảm khốc được viết trong bức thư mà ông gửi cho vợ mình là “anh không thể xua đi cảm giác kinh hoàng và nỗi cô độc khủng khiếp”.
Hosono cũng viết trong bức thư là ông đã chuẩn bị tâm lý đón nhận cái chết, “đừng làm bất cứ chuyện gì đáng hổ thẹn với tư cách là một người Nhật Bản”. Nhưng sâu bên trong con người vẫn tồn tại bản năng sinh tồn, hơn nữa ông còn một gia đình đang đợi ông ở quê nhà.
Vì vậy, Hosono cố gắng tìm một lối thoát để cứu mình khỏi dòng nước lạnh chết chóc. Ngay lúc đó, một sĩ quan đã hét lên rằng vẫn còn hai chỗ trống cho thuyền cứu sinh số 10. Hosono chần chừ và khi thấy một người đàn ông vội vã nhảy xuống thuyền đã giành lấy đường sống, Hosono biết mình không thể bỏ lỡ khoảnh khắc này. Ông nhảy xuống tiếp theo và nhờ đó tránh được cái chết.
Thoát chết trên tàu Titanic nhưng lại chịu nỗi ô nhục cả đời
Hosono chưa bao giờ nghĩ cuộc sống của mình sẽ không còn bình yên sau lần thoát khỏi lưỡi hái của tử thần này. Câu chuyện về hành khách người Nhật duy nhất còn sống sót đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Tại Hoa Kỳ, ông nhận nhiều lời buộc tội từ vài hành khách có mặt trên tàu Titanic như ông đã trốn lên thuyền cứu hộ dù đã đủ người, thậm chí còn đẩy phụ nữ, trẻ em xuống biển. Người thì bảo ông đã giả dạng phụ nữ để có thể lên được tàu cứu sinh.
Về đến Nhật Bản, ông bị cả quê nhà chỉ trích là kẻ hèn nhát vì đã sống sót trong khi rất nhiều người bỏ mạng dưới đáy đại dương. Hosono bị sa thải khỏi chỗ làm. Sách giáo khoa đề cập đến trường hợp của ông như một hành động đáng khinh. Các giáo sự đạo đức học thì công khai tuyên bố hành động của ông là phi đạo đức. Hosono sau đó sống ẩn dật và tìm được công việc cho đến khi qua đời vào năm 1939. Tuy nhiên, sự ô nhục vẫn tiếp tục phủ bóng lên gia đình và con cháu ông.
Liệu Masabumi Hosono có đáng bị lên án là kẻ hèn nhát?
Nếu cái chết của ông trùm ngân hàng nức tiếng một thời là Guggenheim được vinh danh – “ta phải chết sao cho đáng mặt một quý ông” – thì sự sống sót của Masabumi Hosono lại đem đến nỗi xấu hổ cho Nhật Bản. Lý do chính là vì ông đã vi phạm quy tắc tinh thần võ sĩ đạo – vốn xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng” và dùng hình thức mổ bụng tự sát (Harakiri) để bảo toàn danh dự.
Nhưng xét cho cùng, ông có đáng bị lên án là kẻ hèn nhát đến mức đó không?
Những lời cáo buộc về hành vi sai trái để được sống sót của Hosono đã được chứng minh là vô căn cứ. Các hành khách đã nhầm ông với một người đàn ông châu Á khác. Thực tế, bản thân Hosono đã giúp cứu mạng những người sống sót trên thuyền cứu sinh bằng cách chèo thuyền để tránh lực hút của con tàu Titanic.
Nhưng điều đáng buồn là phải mất gần 85 năm, người ta mới làm rõ những điều đó. Hosono và gia đình ông mới phần nào khôi phục lại danh dự.
Và lá thư ông viết gửi vợ trong đêm kinh hoàng ấy được đánh giá là đã tái hiện một cách chi tiết và rõ ràng nhất về sự kinh hoàng trên con tàu xấu số. Ông viết về sự hoảng loạn trong câm lặng khi phụ nữ và trẻ em được lặng lẽ đưa lên thuyền cứu sinh. Ông mô tả tiếng la hét và hỗn loạn khi con thuyền chìm xuống dưới đáy đại dương lạnh lẽo.
Giữa lúc ấy, ông vẫn bị giằng xé giữa bản năng sinh tồn và danh dự Samurai. Tôi nghĩ, nếu ông đúng là con người hèn nhát thì hẳn đã không chần chừ khi nghe thông báo còn hai chỗ trống trên thuyền. Lý do khiến ông bất chấp tất cả chẳng phải vì ham được sống mà là do gương mặt của những người thân yêu đang hiện ra trong đầu ông.
“Nỗi buồn lớn nhất của anh là không thể gặp lại em và các con…”
Ông không làm điều gì sai trái để phải “harakiri” – bảo toàn danh dự. Thật kỳ lạ khi thuyền trưởng và những người chịu trách nhiệm về sự cố chìm tàu được tưởng nhớ như vị anh hùng, còn hành khách may mắn lên thuyền cứu sinh lại bị chỉ trích vì còn sống?
Không thể phủ nhận tinh thần võ sĩ đạo là một nét đẹp truyền thống đáng quý trong văn hóa Nhật Bản. Nhưng đôi khi, chúng ta cần có cái nhìn bao dung hơn và đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc. Cái hành động bất chấp tất cả nhảy khỏi con tàu để níu lấy sự sống, dù biết sẽ chịu tủi nhục, mà sự sống ấy chẳng phải cho bản thân mà vì người thân. Vậy ông có đáng chịu cái tiếng “hèn nhát” nặng nề ấy không?
kilala.vn