Nghi lễ dâng gạo lên thần linh của người Nhật
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Jun /Hình ảnh: Pixta
Người Nhật có truyền thống dâng những hạt gạo thơm ngon lên cho các vị thần. Và những hạt gạo này được những người nông dân chăm sóc rất đặc biệt, là những hạt gạo Nhật thơm nhất, ngon nhất.
Truyền thuyết kể lại rằng Thiên Chiếu Đại Thần (Amaterasu) là vị thần trú ngụ tại đền thờ Thần đạo Ise thuộc tỉnh Mie, một trong những đền thờ Thần đạo linh thiêng nhất ở Nhật. Thiên Chiếu Đại Thần rất thích được dâng lên những hạt gạo thơm ngon nhất và khi được dâng món quà yêu thích này, thần sẽ ban phát cho con người những vụ mùa tốt tươi.
Nghi lễ dâng thức ăn lên cho vị thần được thực hiện hai lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Và nghi thức này được thực hiện từ hơn 1.500 năm qua. Các giáo chủ trong đền thờ Thần đạo này thường là những người chịu trách nhiệm thực hiện bữa cơm để dâng lên cho Thiên Chiếu Đại Thần.
Một bữa cơm dâng lên cho Thiên Chiếu Đại Thần thường có những món như rau củ, trái cây, cá và cơm được đơm một cách rất cẩn thận. Điều đặc biệt là mùa nào họ phải dâng cho vị thần thực phẩm của mùa nấy. Tuy nhiên có hai thứ không bao giờ được thiếu trong mỗi lần dâng thức ăn lên cho vị thần là rượu Sake và cơm.
Gạo Nhật để dâng lên cho vị thần cũng là một loại gạo đặc biệt và chỉ được trồng ở cánh đồng lúa dành cho vị thần (Jingu Shinden). Những người chịu trách nhiệm trồng lúa trên cánh đồng của vị thần thường chỉ mặc đồ trắng tượng trưng cho sự tinh khiết.
Trên cánh đồng lúa này, người ta trồng tổng cộng 13 loại gạo khác nhau để chắc chắn rằng dù năm đó vụ mùa có bị dịch bệnh thì họ vẫn còn nhiều hạt gạo tốt, thơm ngon để dâng lên cho vị thần.