Lịch sử rùng rợn phía sau lời hứa ngoắc ngón tay Yubikiri Genman
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Phương Anh
Yubikiri Genman là gì?
Yubikiri Genman (指切拳万) được ghép bởi hai từ là 指切 (Yubikiri – cắt ngón tay) và 拳万 (Genman - ngoắc tay để xác nhận lời hứa). Đây là một phong tục lâu đời, hai người sẽ ngoắc tay với nhau và thề thốt, nếu ai vi phạm lời hứa sẽ bị trừng phạt. Lời bài hát này cụ thể như sau:
"指切りげんまん、
yubi kiri genman
Yubi kiri genman
うそ ついたら
uso tsuitara
Nếu (ai) nói dối
針 千本 飲ます
hari sen bon nomasu
Sẽ nuốt 1000 cái kim
指切った。
yubi kitta
Và chặt ngón tay."
Lịch sử của Yubikiri Genman
Yubikiri Genman được cho là có nguồn gốc từ thời Edo (1603 - 1868). Vào thời đó, tồn tại một tục lệ trao móng tay hoặc tóc cho người mình yêu như một hình thức thề nguyền rằng tình cảm nam nữ sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, một cô gái điếm của phố đèn đỏ Yoshiwara ở Edo đã lập một lời thề mạnh hơn bằng cách cắt đốt trên của ngón tay út (yubikiri) và trao cho một người đàn ông như là "minh chứng của tình yêu".
Vào thời đó, nhiều gia đình buộc phải bán con gái mình cho phố đèn đỏ để giảm bớt miệng ăn hoặc để trả nợ. Những cô gái điếm này luôn hy vọng có ngày được rời khỏi chốn lầu xanh, và luôn tìm kiếm một vị khách sẽ chuộc mình ra. Khi một cô gái điếm thề thốt về tình yêu chung thủy của mình, nếu móng tay và tóc còn chưa đủ thì họ sẽ chọn chặt ngón tay. Tuy nhiên, mặc dù đã hứa hẹn, có nhiều trường hợp vẫn không thực hiện lời hứa đó. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt như "genman" (còn có nghĩa là 10.000 cú đấm) và "nuốt một ngàn cây kim" đã được thêm vào. Dần dần, nó trở nên phổ biến rộng rãi với thời đại.
Thời bấy giờ, rất nhiều trường hợp các ngón tay út của những cô gái điếm gửi đi chỉ là đồ giả nhằm giữ chân các khách hàng hào phóng, như một lời thầm thì rằng cô ta chỉ có mình họ. Bên cạnh những ngón tay giả được làm bởi các nghệ nhân, cũng có khi chúng được lấy từ những xác chết. Tương truyền thời đó còn có một nghề gọi là yubikiri-ya (指きり屋), nghĩa là người cắt và bán những ngón tay của xác chết.
Vì sao Yubikiri Genman trở thành bài hát của trẻ em?
Có nhiều giả thuyết về việc này. Trong đó, có ý kiến cho rằng, vào thời phố đèn đỏ Yoshiwara rất thịnh vượng, những đứa trẻ ở đây đã nghe được câu chuyện thịnh hành chặt ngón tay gửi cho người mình yêu rồi bắt chước diễn kịch theo. Dần dà, nó trở thành một bài hát thiếu nhi.
Một giả thuyết khác là vào thời này, câu chuyện tình yêu cực đoan giữa một gái điếm và người khách của nàng ta đã được tái hiện qua các vở kịch rối Bunraku, từ đó xâm nhập vào đời sống của người dân rồi trở thành một bài hát trẻ em.
kilala.vn