Lễ nghi và những điều cấm tại Nhật
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Aki Kanou
Nguồn tham khảo: Sohu
Nghi thức lúc gặp mặt
Truyền thống chào hỏi của người Nhật là ngả mũ cúi đầu, thường là cúi đầu 30 độ hoặc 45 độ. Lần đầu gặp mặt người Nhật sẽ cúi đầu 90 độ với đối phương. Mức độ cúi đầu sẽ được quyết định bởi mức độ thân thiết giữa người với người. Cúi đầu càng thấp càng chứng tỏ sự tôn trong đối với người khác.
Ngoài ra, khi lần đầu gặp mặt người Nhật thường hay trao đổi danh thiếp cho nhau. Họ cho rằng danh thiếp chính là thứ đại diện cho một người nên cư xử với danh thiếp cũng giống như cứ xử với người vậy. Do đó khi nhận danh thiếp của người khác nhất định phải xem qua. Nếu vừa nhận đã cho vào túi ngay được xem là không lễ phép.
Lễ nghi làm khách
Khi làm khách tại một nhà nào đó nên hẹn rõ thời gian với chủ nhà và đến đúng giờ hẹn hoặc sớm hơn. Trước khi vào cửa cần ấn chuông cửa, sau khi chủ nhà đáp lời thì chủ động thông báo danh tính. Nếu chẳng may ngôi nhà bạn đến không có chuông cửa, bạn không được gõ cửa ầm ĩ mà phải gọi với vào hỏi: "Trong nhà có người không?". Sau khi được cho phép vào, bạn cần thay dép lê mà chủ nhà chuẩn bị sẵn rồi mới vào nhà. Khi vào trong rồi không tùy tiện vào phòng ngủ của chủ nhà. Ngoài ra, khi đến làm khách cần mang theo quà lễ, không cần phải quá quý giá, chỉ cần bày tỏ thành ý là được.
Tuy nhiên cần lưu ý khi tặng quà lễ phải chú ý gói quà bởi vì khâu gói quà còn quan trọng hơn bản chất của món quà nữa. Màu sắc giấy gói cần được lưu ý: màu trắng và đen đại diện cho tang sự, màu xanh lục là điềm xấu, cũng đừng dùng giấy gói đỏ, tốt nhất là nên dùng giấy màu có hoa văn để gói quà. Đặc sản địa phương, mặt hàng thủ công, vật phẩm có giá trị thực dụng đều là những lựa chọn không tồi. Tuy nhiên vẫn có những món đồ không nên tặng. Chẳng hạn như không nên tặng lược vì "lược" và "đau khổ chết chóc" trong tiếng Nhật phát âm giống nhau. Ngoài ra các loại hoa trắng như hoa bách hợp, hoa sơn trà hay hoa sen cũng không nên đem tặng vì những loài hoa này thường liên quan đến tang lễ. Khi tặng quà, số lượng nên là số lẻ nhưng không nên nhất là số 4 và số 9.
Nghi thức dùng cơm
Trước khi dùng cơm người Nhật đều nói "Itadakimasu", sau khi ăn xong phải nói "Gochisosama deshita". Trong khi ăn người Nhật không đem đũa cắm vào cơm trong chén. Người Nhật khi sử dụng đũa sẽ không đặt đũa trên mặt chén dĩa. Khi ăn canh không dùng muỗng mà chọn chén canh vừa phải đem đến bên miệng húp. Ăn sushi là gắp bỏ ngay vào miệng chứ không phân ra phần nhỏ. Khi ăn cơm không nên ngậm cơm trong miệng hoặc liếm đũa hay vừa nhai vừa nói chuyện, cũng không được ăn chưa xong món này đã ăn tiếp món khác. Sau khi dùng cơm xong, dụng cụ như chén đũa phải trả lại vị trí ban đầu, như đậy chén cơm lại, đũa bỏ vào hộp đũa hoặc bao giấy.
Nghi lễ trong chùa chiền
Chùa chiền ở Nhật là những địa điểm du lịch tham quan nổi tiếng, dù vậy đây vẫn là một nơi thuộc về tôn giáo nên du khách cần chú trọng lễ nghi. Trước khi bước vào chùa cần cởi giày, nón hoặc khăn quàng. Có một vài chùa sẽ phát túi plastic để mang theo giày vào. Khi vào chùa, mặt hướng tượng Phật lạy. Nếu có thùng công quả, sau khi bỏ tiền vào cần lạy lần nữa. Trong khuôn viên chùa không cho phép chụp ảnh.
Một vài điều kiêng kỵ
Người Nhật kiêng kị ba người cùng nhau chụp ảnh vì họ cho rằng người đứng giữa sẽ bị hai người trái phải thao túng, đây được xem là điềm gở. Người Nhật không muốn nhận hoa cúc hoặc những món đồ có in hình hoa cúc bởi vì hoa cúc là dấu hiệu của hoàng thất.
Vậy nên với một số quy tắc trên các bạn hãy lưu ý để tránh cho những hiểu lầm không nên có khi đến du lịch hoặc sống và làm việc tại Nhật Bản nhé!
kilala.vn