Trong những quyển sách tiếng Nhật dạy về giao tiếp, khi ai đó dành cho bạn lời khen, câu nói chuẩn mực để đáp lại là "Sonna koto arimasen" (そんなことありません), nghĩa là "không phải vậy đâu". Bởi trong văn hóa Nhật Bản, khiêm tốn là một đức tính tốt và cần được thể hiện mọi lúc mọi nơi. Do đó, khi được khen ngợi, bạn phải đáp lại bằng một câu phủ nhận để thể hiện sự khiêm tốn của bản thân chứ không phải là tự hào vì lời khen đó. Ngược lại, nếu đáp trả bằng một câu cảm ơn, bạn sẽ nhận được phản ứng vô cùng ngạc nhiên từ đối phương.
Thực ra, một số người cho rằng việc đáp lại lời khen bằng một câu cảm ơn không phải vì bản thân cảm thấy tự hào mà vì họ muốn thể hiện sự biết ơn đến người đối diện khi đã dành những lời có cánh cho mình, cảm ơn đối phương đã khiến họ vui vẻ. Vậy nên, nói như thế nào để không gây hiểu lầm chính là vấn đề mấu chốt. Cư dân mạng đã đưa ra một số cách nói thay thế mà họ thường sử dụng. Những câu đáp này kết hợp giữa sự khiêm tốn lẫn niềm vui và lòng biết ơn khi nhận được lời khen ngợi chân thành, chẳng hạn như:
- Osoreirimasu (恐れ入ります): Câu này mang ý nghĩa cả "cảm ơn" lẫn "xin lỗi". Về cơ bản, đây là một câu nói trung tính, có thể dùng để cảm ơn và cả xin lỗi ai đó. Do đó, khi dùng câu này để đáp lại, bạn sẽ không bị xem là tự mãn.
- Anata mo (あなたも): nghĩa là "bạn cũng vậy". Mặc dù câu này không thể áp dụng cho mọi tình huống, nhưng sử dụng nó để đáp lại lời khen là một cách khá an toàn. Cách này vừa mang ý nghĩa khen ngợi ngược lại đối phương, vừa ngụ ý chấp nhận lời khen một cách tế nhị.
- Sonna koto nai kedo ureshii desu. Arigatou! (そんな事ないけどうれしいです。ありがとう!): Câu này nghĩa là "Không phải vậy đâu nhưng (khi nghe bạn nói vậy) tôi rất vui. Cảm ơn nhé!" Đây là một câu khá dài, bao hàm đầy đủ cả sự khiêm tốn, thân thiện và cả lời cảm ơn.
Tùy vào hoàn cảnh, mục đích của cuộc đối thoại cũng như đối tượng giao tiếp, bạn hãy linh hoạt ứng dụng những cách đáp trả trên để có một cuộc hội thoại vui vẻ và ghi thật nhiều điểm cộng trong mắt người Nhật nhé.
kilala.vn