Trước khi đi Nhật du học, tôi đã lập ra danh sách những nơi nhất định phải đến. Trong đó không thể thiếu Izakaya – quán rượu "có một không hai" của Nhật. Nếu đến đây mà chưa một lần ghé Izakaya thì xem như bạn chẳng hiểu đất nước này nhiều như bạn nghĩ.
Một lần lạc bước vào Izakaya
Một ngày đẹp trời tôi cùng cô bạn đến Nagoya chơi. Hai người quyết tâm ghé vào quán Izakaya có món cánh gà chiên tẩm xì dầu Tebasaki trứ danh. Sau khi hỏi cụ Google lần mò tìm đường, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy. Trước quán, một bên là bảng menu thức ăn, một bên là tủ kính trưng các món ăn mẫu.
Đẩy cánh cửa kéo loạch xoạch, một khung cảnh ồn ào hiện ra trước mắt. Những người đàn ông mặc trang phục công sở cụng ly bia vàng rượm, mùi khói thuốc lá ảm vào không gian rộn tiếng nói cười, những cô cậu phục vụ miệng hỏi tay ghi, thoăn thoắt đưa thức ăn đến. Một không khí khác hẳn nhịp sống ngoài kia. Có ai đó đã nói, Izakaya đặc biệt vì nó giống một ốc đảo thu nhỏ, nơi luôn giang tay chào đón bất cứ ai, đặc biệt là những người muốn cởi bỏ lớp vỏ nghiêm túc có phần khô khan thường ngày.
Izakaya – Quán rượu chỉ có ở Nhật Bản
Izakaya hiểu theo nghĩa đơn giản là một nơi phục vụ bia rượu và thức ăn đi kèm. Nơi đây có mọi loại đồ uống như sake, bia, shochu, rượu sour, cocktail, rượu trái cây, rượu vang, whisky…
Điểm khác biệt duy nhất giữa Izakaya và quán bar, pubs ở nước ngoài hay quán nhậu ở Việt Nam là số lượng món ăn đi kèm. Thông thường thức ăn kèm theo chỉ là những món ăn nhẹ như khoai tây chiên, bánh snacks, chân gà, hàu sò và số lượng món thì khá hạn chế. Nhưng ở Izakaya, bạn có thể ăn mọi món của Nhật, từ đồ nướng, đồ chiên, lẩu, ramen, soba, sashimi đến các loại cơm, salad… Không chỉ vậy, một số Izakaya còn phục vụ cả món Tây như hamburger, pizza… Một số khác còn có cả món ăn đặc sản địa phương.
Liệu có quán rượu nào mà bạn có thể vào đó ăn gần như hết các món của một nước không? Chắc là chỉ riêng Izakaya của Nhật mới làm điều đó.
Chỗ ngồi, khăn ướt và đồ nhắm
Khi bước vào, người phục vụ hỏi chúng tôi đi bao nhiêu người. Sau đó anh ấy dẫn chúng tôi đến ngồi ghế cao ở quầy bar. Izakaya có nhiều loại chỗ ngồi cho khách chọn lựa như ngồi bàn bình thường, bàn lớn dành cho nhóm đông người, ngồi bàn ở quầy bar… Đa phần các Izakaya cho phép hút thuốc nên nếu bạn không chịu được mùi thuốc, hãy yêu cầu người phục vụ sắp xếp cho bạn một nơi thoáng đãng hoặc phòng riêng. Nếu không có, bạn cứ thoải mái đi tìm Izakaya khác nhé.
Khi chúng tôi đã yên vị chỗ ngồi, người phục vụ liền đem đến hai khăn ướt dùng để lau tay (tiếng Nhật là “Oshibori”) và món nhắm (gọi là “Otoshi”). Dù bạn không yêu cầu thì người phục vụ vẫn mang lên và được tự động tính vào phần thanh toán. Đây chính là “luật bất thành văn” ở bất kỳ Izakaya nào. Nguyên nhân hình thành luật lệ này vẫn chưa được xác thực rõ. Có nơi xem đồ nhắm là trả phí chỗ ngồi, có nơi dùng đồ nhắm để khách giết thời gian trong khi chờ đợi món mới v.v..
Người Nhật thường có thói quen gọi bia trước để uống với đồ nhắm, sau đó mới gọi món chính. Nên bạn sẽ hay nghe câu “Toriaezu biru!” (Đem bia cho tôi trước nhé!). Còn chúng tôi vẫn theo thói quen của người Việt, chọn món ăn trước rồi mới đến món uống.
Con ong chăm chỉ cũng cần nghỉ ngơi
Người Nhật thường được bè bạn quốc tế đánh giá là “những con ong chăm chỉ”. Họ làm việc cật lực để trang trải cuộc sống, lo cho gia đình. Nhưng con người cũng cần một nơi để nghỉ ngơi. Và Izakaya là chốn thích hợp nhất để người Nhật cởi bỏ lớp áo công sở nặng nề ngày thường.
Thật vậy, khi bước vào Izakaya ở Nagoya, chúng tôi thấy những người đàn ông thoải mái nói cười trong chiếc sơ mi đã xắn cao tay áo với áo khoác vắt trên ghê và nói chuyện suồng sả.
Không chỉ cánh mày râu mà còn có cả phụ nữ, vợ chồng trẻ. Rất nhiều khi việc uống bia chỉ là “thứ dầu bôi trơn” để thoải mái chuyện trò với nhau. Họ ngồi xuống ghế, gọi món uống và thức ăn yêu thích, vừa nói “Otsukaresama” (Anh đã vất vả rồi) vừa cụng ly rồi cùng nhau nói những câu chuyện tầm phào, vụn vặt một cách vui vẻ, chẳng cần bận tâm điều gì.
Đó là lý do mà khi bước vào Izakaya, bạn có thể cảm nhận một không khí thật khác, một không gian nồng đượm tiếng cười và sự ấm áp, khác hẳn với sự vội vã lạnh lùng ở bên ngoài cánh cửa. “Quán rượu không chỉ bán rượu, nó còn “bán” không khí của một gia đình”. Văn hóa Izakaya có thể lan rộng khắp Nhật Bản chính vì nó chạm được đến khát khao sâu thẳm của mỗi người Nhật – nơi họ được là chính mình.
kilala.vn