Quán rượu Samurai: Lập ra để trả thù nhưng bất ngờ nổi tiếng
Khám phá Nhật Bản
Bài: Rin
Vào thời Edo, quán rượu này được một Samurai lập ra để trả thù cho em trai nhưng cuối cùng lại trở nên nổi tiếng và tồn tại đến tận ngày nay.
Giống với nhiều đền Thần đạo tại Nhật Bản, đền Kanda (hay còn gọi là Kanda Myojin) cũng có lối vào là con đường đông đúc các nhà hàng, quán ăn để phục vụ cho những người hành hương. Nằm ở một góc đường cạnh cổng Torii của đền Kanda, cửa hàng Sake cổ kính Amanoya (天野屋) do Samurai Shinsuke Amano mở ra vào năm 1846 vẫn giữ được sức hút đặc biệt cho đến tận ngày nay.
Trong suốt 175 năm qua, Amanoya nổi tiếng là cửa hàng chuyên về Amazake, một loại Sake ngọt không cồn được cả trẻ em và người lớn ưa chuộng với nhiều công dụng như tốt cho hệ tiêu hoá, ngủ ngon, giảm cân, làm đẹp da, giúp mọc tóc nhanh… Ngoài ra, cửa hàng còn phục vụ nhiều món ăn truyền thống khác như Shibasaki Natto, súp Miso Edo, súp Miso Hisakata. Tuy nhiên, lý do Shinsuke mở Amanoya không phải vì muốn mang loại rượu tốt cho sức khoẻ này đến với mọi người, mà vì ông muốn tự tay giết tên hung thủ đã ám sát em trai mình.
Shinsuke Amano sống tại tỉnh Miyazu (nay là thành phố Miyazu, Kyoto) lên đường tới Edo (Tokyo ngày nay) vào giữa những năm 1800 sau khi nghe tin em trai, người mà ông hết mực yêu thương đã bị sát hại. Trước đó, em trai của Shinsuke đăng ký học tại một võ đường ở Edo để nâng cao kỹ năng kiếm đạo của mình, nhưng ước mơ tan biến khi cậu phải bỏ mạng dưới tay một sát thủ.
Mang tâm thế nợ máu phải trả bằng máu, mỗi ngày, Shinsuke cố gắng lùng sục khắp Edo để truy tìm dấu vết của kẻ thù, nhưng cuộc tìm kiếm vẫn đi vào bế tắc vì không có manh mối rõ ràng. Ông đánh cược và cố thủ trên con đường dẫn vào đền Kanda. Vào thời bấy giờ, đền Kanda là ngôi đền lớn nhất và quan trọng nhất tại Edo nên con đường này chắc chắn thu hút một lượng lớn người hành hương tứ xứ đổ về. Tuy nhiên, để có thể trụ lại ở Edo và trả thù cho em trai, Shinsuke phải có đủ tiền chi trả cho việc thuê chỗ ở, ăn uống. Vì vậy, ông đã nảy ra ý tưởng mở một hàng bán Amazake cho những người qua đường. Trong lúc phục vụ, ông vẫn tiếp tục quan sát và điều tra những kẻ tình nghi. Nhưng rồi việc kinh doanh tưởng chừng mang tính chất tạm thời tính theo ngày lại chuyển thành tuần, rồi thành tháng, thành năm.
Đến cuối cùng, Shinsuke vẫn không thể tìm ra kẻ đã sát hại em trai mình, nhưng quán Amanoya lại làm ăn phát đạt, trở thành một trong những tiệm rượu nổi tiếng nhất Edo. Câu chuyện báo thù của Shinsuke rẽ sang hướng khác khi ông tìm thấy người phụ nữ mình yêu, kết hôn và lập gia đình tại Edo. Sau đó, ông cùng vợ quản lý Amanoya và sinh sống tại Edo đến cuối đời.
Hiện nay, Amanoya vẫn được tiếp quản bởi thế hệ con cháu của Shinsuke. Hiromitsu Amano – hậu duệ đời thứ sáu đang điều hành cửa hàng cùng mẹ của ông là bà Sumiko và dì Fumiko. Hiromitsu cũng đang truyền dạy các bí quyết cho con trai Tasuke để cậu kế thừa Amanoya trong tương lai.
Năm 2009, tầng hầm sản xuất rượu Amazake nằm sâu dưới lòng đất 6 mét, được gọi là Muro, của Amanoya đã được công nhận là tài sản văn hoá hữu hình thuộc quận Chiyoda, Tokyo. Đây cũng là hầm Muro duy nhất còn tồn tại ở Nhật Bản.
Mặc dù danh tính hung thủ sát hại người em trai của Shinsuke vẫn là ẩn số, nhưng những gì mà ông đã làm cũng như việc Amanoya mang lại niềm vui cho khách qua đường có thể phần nào giúp người em trai an nghỉ.
kilala.vn