Hoa Rum: bí quyết cho sắc đỏ quyến rũ trên đôi môi phụ nữ Nhật xưa
Văn hóa Nhật Bản
Bài: SAM
Ảnh: PIXTA
Đặc điểm của hoa Rum
Hoa Rum là loài thực vật thuộc họ hoa cúc, một trong những cây trồng lâu đời nhất ở Nhật Bản. Cây cao từ 30cm đến 150cm. Cụm hoa đầu có dạng hình cầu, thường có màu vàng tươi, màu da cam hoặc đỏ. Những bông hoa sẽ được người dân Nhật Bản thu hoạch và chế biến thành thuốc nhuộm vải, tạo màu cho son môi hoặc làm nguyên liệu để pha trà thảo mộc.
Đi về phía bắc khu vực Tohoku, chạy dài theo tỉnh Yamagata, bạn sẽ đến với vùng đất của những cánh đồng hoa Rum. Việc trồng cấy, thu hoạch và chế biến hoa Rum của tỉnh Yamagata đã được trao chứng nhận "Di sản Nông nghiệp Nhật Bản" từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản. Trên thế giới có lẽ còn rất ít nơi có thể lưu giữ lại văn hóa nông nghiệp truyền thống gần 450 năm như nơi đây.
Chế biến thuốc nhuộm từ hoa Rum
Hàng năm, cứ đến tháng 7, những vùng trồng hoa Rum ở tỉnh Yamagata sẽ được nhuộm vàng bởi sắc hoa. Công đoạn chế biến ra thuốc nhuộm sẽ bắt đầu từ việc thu hoạch hoa trên những cánh đồng. Khi gần đến lễ hội ngắm trăng (お月見 - Otsukimi) thì cũng là lúc phần cuống các cánh hoa chuyển dần sang màu đỏ, báo hiệu cho người nông dân thời điểm thu hoạch đã tới. Những bông hoa nhỏ được người dân cẩn thận dùng tay nhẹ nhàng hái về. Vì lượng sắc tố đỏ trong hoa chỉ chiếm khoảng 0.3% nên hoa sau khi thu hoạch sẽ được vò kỹ để rửa trôi bớt màu vàng, sau vài ngày ủ thì dần chuyển sang màu đỏ. Người ta còn thúc đẩy nhanh quá trình oxy hóa bằng cách giã nhuyễn hoa để sắc đỏ càng lên đậm màu hơn. Những bông hoa sau khi giã nhuyễn được vo thành những viên tròn rồi ấn dẹp và đem phơi khô. Khi nhuộm, người ta sẽ đem những bánh hoa Rum phơi khô hòa vào nước để vải có màu đỏ tuyệt đẹp.
Màu đỏ bí ẩn của những hộp son thời xưa
Trong nghi lễ đám cưới thời xưa có một nghi thức rất đặc biệt gọi là Kotohogi no beni (寿ぎの紅), tạm dịch là nghi thức “tô son đỏ”. Mẹ hoặc một người nào đó có mối quan hệ thân thiết với cô dâu sẽ chấm một nét son đỏ cuối cùng lên môi cô dâu, kết thúc quá trình chuẩn bị trước khi hôn lễ được cử hành. Theo quan niệm của người thời xưa, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự thiêng liêng, và nó đã được coi là một màu sắc bảo vệ cô dâu, đặc biệt là tại đám cưới. Cô dâu có thể dùng cọ để tô son, đánh mắt hoặc tô má hồng.
Những bông hoa Rum là thành phần tạo nên màu sắc độc nhất vô nhị cho lớp trang điểm của người phụ nữ trong nghi thức Kotohogi no beni. Từ thời Edo, các nghệ nhân vẫn truyền tai nhau bí quyết làm ra son môi từ hoa Rum. Chỉ những nghệ nhân có kỹ năng, có tay nghề và sự tinh tế mới có thể làm ra những hộp son chất lượng tốt. Son sau khi để khô tự nhiên sẽ có được màu sáng bóng lấp lánh như bụi phấn của côn trùng, từng rất thịnh thành vào thế kỷ thứ 19. Sự rực rỡ của màu son đó là bí ẩn mà khoa học hiện đại vẫn chưa thể giải mã.
Ngành nông nghiệp trồng hoa Rum là một trong những văn hóa truyền thống lâu đời mà người dân Nhật Bản vẫn bảo tồn và phát triển. Để thế hệ trẻ biết được điều này, hàng năm thành phố Shirataka ở tỉnh Yamagata đều tổ chức lễ hội “Shirataka Benibana Matsuri” (白鷹紅花まつり) nhằm tôn vinh vẻ đẹp của hoa Rum và ngành nông nghiệp trồng hoa Rum truyền thống.
Không những thế, ngôi làng với những cánh đồng hoa Rum cũng đã trở thành phân cảnh đáng nhớ trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Studio Ghibli - “Omohide Poro Poro" (Only Yesterday - 1991), kể về câu chuyện của cô gái Taeko quyết định xin nghỉ phép và rời Tokyo ngột ngạt để về nông thôn giúp người họ hàng thu hoạch hoa Rum. Bạn có thể tìm hiểu thêm về loài hoa Rum qua bộ phim hoạt hình này đấy.
kilala.vn