Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Hey Camel Ceramics: Nơi trú ẩn an yên dành cho dịp cuối tuần

Văn hóa Nhật Bản    • Oct 18, 2021

Phỏng vấn: Susan
Bài viết: Andante

Nép trong một con hẻm xanh mướt yên tĩnh trên đường Lê Văn Sỹ, Quận 3, không bảng hiệu hay trang trí hào nhoáng, xưởng gốm Hey Camel Ceramics của nghệ nhân Leandro toát lên vẻ mộc mạc và tĩnh tại như chính những món đồ gốm của anh.

Vào một ngày cuối tháng 5, Kilala đã có dịp ghé thăm xưởng gốm Hey Camel Ceramics của anh Leandro Marcelino, một người Tây Ban Nha đã có nhiều năm sinh sống tại Sài Gòn để trải nghiệm tự tay làm ra món đồ gốm của riêng mình, lắng nghe câu chuyện của anh về gốm, về cuộc sống. Sau hơn 4 tháng "ngủ yên" vì dịch bệnh, cũng như mọi nơi khác ở Sài Gòn, xưởng gốm của anh Leandro cũng đã dần quay lại nhịp sống thường nhật.

hey-camel-ceramics (2)

Con hẻm 331 Lê Văn Sỹ, phường 3, quận 3 - nơi tọa lạc xưởng gốm của Leandro.

Khi đến Việt Nam cùng chồng - một người Mỹ gốc Việt, vào tám năm trước, Leandro đã theo học lớp gốm từ một người thầy Nhật Bản ở Sài Gòn. Dù cho việc học chỉ đơn thuần xuất phát từ sở thích cá nhân, anh đã nuôi dưỡng và phát triển tình yêu với nghề gốm, và kết quả là sự ra đời của thương hiệu gốm thủ công Hey Camel Ceramics. Được thành lập vào năm 2015, tính đến nay đã là hơn năm năm Leandro gắn bó với thương hiệu này.

Lớp học gốm hoạt động mỗi cuối tuần

Bên cạnh việc chế tác đồ gốm và các dự án thiết kế cho khách hàng, cứ mỗi cuối tuần, vào những khung giờ cố định, Hey Camel sẽ tổ chức workshop để những người yêu thích và muốn tìm hiểu về gốm có thể đến trải nghiệm.

hey-camel-ceramics

Không gian mộc mạc và “tĩnh” bên trong xưởng. Ảnh: Hey Camel Ceramics

Người tham gia sẽ được cung cấp toàn bộ nguyên vật liệu và dụng cụ cần thiết để làm ra món gốm theo sở thích. Dù chưa từng tiếp xúc với quy trình làm gốm, nhưng với sự hướng dẫn và chia sẻ tận tình từ Leandro và các nhân viên của xưởng, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra sản phẩm hoàn thiện mà chẳng gặp mấy khó khăn.

Gốm sẽ được nặn bằng tay (handbuilding) - một kỹ thuật cơ bản của gốm Nhật, bao gồm các thao tác cơ bản như nặn, lăn để tạo ra tách trà hay những món đồ nhỏ. Bàn xoay của Nhật Bản được sử dụng, và theo anh Leandro, loại bàn xoay này có thể duy trì chuyển động trong thời gian dài. Đặc biệt, tại Hey Camel không sử dụng bàn xoay điện.

hey-camel-ceramics-5

Không gian nơi diễn ra workshop. Ảnh: Hey Camel Ceramics

Sau công đoạn tạo hình sẽ đến bước vẽ và tô màu. Màu và cọ vẽ sẽ được cung cấp để học viên thỏa sức sáng tạo nên thiết kế của riêng mình. Đây là bước cuối cùng trước khi sản phẩm được làm khô và đem đi nung, và bạn có thể đến nhận thành phẩm sau khoảng 2-3 tuần.

hey-camel-ceramics (3)

Một số công đoạn làm gốm.
hey-camel-ceramics-4
Thành quả sau hơn hai giờ miệt mài nhào nặn.

Nói về workshop làm gốm, Leandro cho biết dạy học là một công việc anh yêu thích, bởi thông qua đó anh có thể chia sẻ cách làm đồ thủ công với mọi người, và đây là một hoạt động thú vị để gắn kết con người với nhau.

hey-camel-ceramics (5)
Ngoài làm gốm, Hey Camel cũng tổ chức workshop vẽ gốm trên lót ly.
/banner

Thợ thủ công và hành trình cùng “chú lạc đà”

Leandro xem mình là thợ thủ công thay vì một nghệ sĩ, bởi theo anh, có sự khác biệt về mục đích của nghề thủ công - chính là mục đích sử dụng. Các sản phẩm của anh cũng không ngoài tôn chỉ này.

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc về cái tên Hey Camel của thương hiệu. Theo chia sẻ từ Leandro, nó xuất phát từ hình ảnh những chú lạc đà chở gốm cùng các đồ gia dụng đi bán từ thị trấn này đến thị trấn khác tại quê hương của anh. Các vị khách sẽ hô lên “Hey Camel” để dừng lạc đà lại và xem chú ta chở theo những món đồ gì. Với anh, đây là cái tên mà anh có thể đi cùng đến bất kỳ đâu trên chuyến hành trình của mình.

Mang yếu tố đa văn hóa vào trong sản phẩm gốm

Là một người Tây Ban Nha sinh sống tại Việt Nam và học về gốm từ một nghệ nhân người Nhật, lại có niềm yêu thích đối với văn hóa và từng đi du lịch đến nhiều quốc gia, không bất ngờ khi các tác phẩm của Leandro chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Anh tự gọi mình là một công dân toàn cầu và luôn cố gắng kết hợp các nền văn hóa mà anh yêu thích vào trong sản phẩm của mình. Song song với đó, anh cũng cố gắng đơn giản hóa chúng, giữ lại và truyền tải “cái hồn” tinh túy nhất.

hey-camel-ceramics (4)
Một góc trưng bày các sản phẩm của Hey Camel.

Học về gốm từ người thầy Nhật Bản, phong cách của anh cũng chịu ảnh hưởng của quan niệm thẩm mỹ Wabi Sabi. Dành cho những ai chưa biết về khái niệm này, “Wabi Sabi - わびさび” là một trong những trụ cột của mỹ học xứ Phù Tang, xoay quanh việc chấp nhận, từ đó tìm thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, phù du và vô thường của vạn vật. Đây cũng được coi là cốt lõi trong nghệ thuật gốm ở xứ anh đào, phân biệt với đồ gốm phương Tây vốn nhấn mạnh vào sự hoàn mỹ. Đối với Leandro, Wabi Sabi coi trọng tính tự nhiên, nguyên bản, không khuôn mẫu, và nó cũng đại diện cho cách anh tiếp cận cuộc sống này.

hey-camel-ceramics-7
Leandro cũng là người yêu thích nhiếp ảnh film. Ảnh sử dụng trên các kênh truyền thông của xưởng đều được anh chụp từ chiếc máy film. Ảnh: Hey Camel Ceramics

Sống chậm lại, trân trọng từng khoảnh khắc

Đúng như những gì người ta có thể cảm nhận khi bước vào xưởng gốm của Leandro, tại đây, có cảm giác thời gian như ngưng đọng. Trong không gian của đất sét, gốm và cây cối không có sự xuất hiện của máy lạnh - cửa sổ lẫn cửa chính đều được mở ra ngoài trời, bạn cảm thấy như bỏ lại sau lưng những ồn ào và hối hả để tâm trí thoải mái tận hưởng từng giây phút trôi qua.

Đó cũng là điều mà Leandro muốn truyền tải: “slow living” - trân trọng từng khoảnh khắc, những điều chúng ta làm mỗi ngày và trên hết là tận hưởng nó. Anh cảm thấy trong xã hội hiện đại, dường như mọi người luôn quá vội vã, chúng ta cũng sản xuất thừa mứa những thứ mà ta không thực sự cần. Bằng cách khích lệ khách hàng của Hey Camel sống chậm lại, anh tin rằng điều này có thể giúp họ hạnh phúc hơn. Hey Camel cũng là một thương hiệu “xanh” khi nói không với đồ nhựa và tái chế mọi nguyên liệu được sử dụng tại xưởng.

hey-camel-ceramics-6
Một góc ban công đầy nắng và khí trời tại tầng hai, nơi diễn ra workshop. Ảnh: Hey Camel Ceramics

Leandro cũng chia sẻ, việc tham dự các workshop, mua sản phẩm thủ công (không chỉ riêng gốm) không những góp phần phát triển văn hóa của một quốc gia, nó còn giúp thúc đẩy hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân địa phương. Hiện tại, Hey Camel cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp, nghệ sĩ, các nhà thiết kế tại Việt Nam, và với anh Leandro, đó là cơ hội để học hỏi, kết hợp nhiều phương tiện biểu hiện vào trong cùng một tác phẩm.

Nếu là một người yêu gốm và muốn được trải nghiệm tận tay các công đoạn làm gốm, hay đơn giản bạn cần một chút thời gian để thư giãn, “chữa lành” cho tâm hồn, có lẽ Hey Camel là một địa chỉ đáng để chúng ta lưu lại trong cuốn sổ tay của mình.

hey-camel-ceramics-7

Kilala Team chụp ảnh kỷ niệm cùng nghệ nhân Leandro.

Hey Camel Ceramics

Địa chỉ: 331/8A Lê Văn Sỹ, Phường 13, Quận 3, TP.HCM

Website | Facebook | Instagram

kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top