Trong văn hóa Nhật Bản, những gì đặc sắc nhất luôn nhỏ bé tinh tế. Nghệ thuật cây cảnh Bonsai là hình thức thu nhỏ thiên nhiên vào trong nhà, hoa đạo thu nhỏ không gian vũ trụ mênh mông, nghệ thuật khô sơn thủy thu nhỏ cả đại đương vào trong vườn cát, truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata có sức nén chặt của một tiểu thuyết, tư thế của kịch Noh là mỹ học thu nhỏ của vận động. Ngay cả ngôn ngữ Nhật cũng thể hiện ý thức thu nhỏ đặc trưng khi trợ từ “no” の (của, thuộc về) liên tục được sử dụng trong thơ ca khiến bài thơ dần thu nhỏ lại khung cảnh thiên nhiên như kiểu hộp lồng, lắp xếp vào nhau.
Trong quyển sách “Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ”, tác giả Lee O Young đã chỉ ra rằng: “Tìm hiểu về nguồn gốc của từ đẹp (Utsukushii) trong tiếng Nhật, người ta thấy rằng người Nhật quan niệm những đồ vật nhỏ, tinh xảo là đẹp và tất cả những từ “đẹp” xuất hiện trong quyển Cổ sự ký đều có nghĩa như vậy”. Chẳng hạn bài thơ Tanka nổi tiếng của Ishikawa Takuboku với sự lặp lại kỳ lạ của ba trợ từ “no” khiến tác giả Lee O Young nhận xét là “biển cả đã thu nhỏ vào trong giọt nước mắt”:
海の小島の磯の白砂に
われ泣きぬれて
蟹とたわむる
Trên bờ cát nơi hòn đảo nhỏ
Giữa biển khơi
Chỉ lũ cua làm bạn
Với lòng tôi nức nở mà thôi
Chúng ta có thể thấy rõ nhất mỹ học của sự thu nhỏ này qua thơ Haiku, một thể thơ đặc sắc nhất thế giới. Chỉ 17 âm tiết nhưng Haiku có thể phản chiếu cả đất trời, vũ trụ và đời sống con người. Theo Lee O Yong thì “thơ Haiku là bài giảng về văn hóa Nhật thể hiện chí hướng thu nhỏ. Điểm đặc sắc của Haiku không chỉ là loại thơ ngắn đơn thuần mà mà nó là loại thơ có tính thẩm mỹ độc đáo ở chỗ đã thu nhỏ thế giới bao la mơ hồ”.
Thơ Haiku du nhập vào Việt Nam, thu hút một lớp người sáng tác đông đảo nhưng thơ Haiku được người Việt làm theo cảm quan của người Việt. Chính vì vậy, cho đến bây giờ Haiku Việt phần lớn bắt chước được cái hình chứ không phải là thần thái. Điều này cũng là dễ hiểu. Đây không chỉ là sự khác biệt về đặc thù văn hóa mà còn thể hiện công phu hàm dưỡng về nghệ thuật cao độ và lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Nếu chúng ta không nỗ lực học hỏi để có thể cảm được và hiểu thấu tinh thần Haiku thì người Việt sẽ không bao giờ biết được Haiku thực sự là gì. Tinh thần Haiku nằm trong sự quan sát và cảm nhận được những điều nhỏ bé và tuyệt đỉnh tinh tế chứ không phải ở ngôn từ.
Trong quá trình học hỏi và dịch thuật văn học Nhật Bản, chúng tôi không ngừng ngạc nhiên và thán phục sự tinh tế tuyệt đỉnh của tâm hồn người Nhật thể hiện qua thơ Haiku. Dịch thuật văn chương chính là dịch văn hóa. Văn hóa được chuyên chở qua ngôn từ, mở ra cho chúng ta thấy được cảm thức thẩm mỹ của người Nhật. Trong bài viết này chúng tôi xin được chia sẻ với các bạn những bài thơ gây cho chúng tôi niềm kinh ngạc đó.
Hãy xem một bài Haiku nổi tiếng của Buson:
朝がほや一輪深き淵のいろ
Đóa hoa bìm bìm
Đong đầy sương sớm
Xanh màu nước vực sâu
Trong nguyên tác, bài thơ không nói gì đến sương sớm. Chỉ là màu nước vực sâu trên một cánh hoa bìm bìm. Chúng ta sẽ hiểu bài thơ như thế nào đây? Nếu đã từng nhìn xuống khe nước dưới vực sâu muôn trùng, chúng ta sẽ thấy nước có màu xanh ngọc rất đẹp. Nhưng cảnh hùng vĩ như vậy chúng ta vẫn có thể nhìn thấy được qua bài thơ. Nhìn vào lớp sương đong đầy đáy hoa nhỏ bé, Buson đã thấy được cả quang cảnh phiêu bồng của màu nước nơi đáy vực sâu. Có lẽ không nhiều người Việt hình dung ra điều đó. Trong cái nhìn thoáng qua bông hoa, ai biết mình đã bỏ qua một kiệt tác của đất trời?
Những bài thơ Haiku hiện đại vẫn lấp lánh cái nhìn sắc bén từ những điều nhỏ nhoi. Xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại người Nhật vẫn không ngừng nuôi dưỡng cảm quan thẩm mỹ của sự thu nhỏ đó trong tâm hồn mình.
Như những bài thơ tiêu biểu này:
砂時計割れて机上の天の川
(紆夜曲雪)
Chiếc đồng hồ cát vỡ tan
trên mặt bàn
dải ngân hà lấp lánh
Không cần phải nói nhiều về bài thơ này. Một dải ngân hà bao la có thể nhìn thấy trên mặt bàn từ chiếc đồng hồ cát vỡ. Vũ trụ cũng đong đầy trong lớp cát đầy màu sắc mà thôi. Một bài thơ khác cũng có hình ảnh tương tự:
砂糖壷の中に小さき春の山
(金子敦)
Trong hũ đường
Có ngọn núi nhỏ
Mùa xuân
Nhìn vào hũ đường tác giả thấy lớp đường đông cứng lại nhô lên giống như ngọn núi mùa xuân vẫn còn phủ đầy tuyết trắng. Đọc bài thơ chúng ta có cảm tưởng như cả ngọn núi Phú Sĩ được thu nhỏ lại và cái hũ đường trở thành một món đồ chơi tinh tế biết bao.
Một bài thơ khác, mộc mạc nhưng ý tứ thật thâm sâu:
東京に着き東京の汗流る
(川原麦秋)
Lên Tokyo
Rồi mới biết
Mồ hôi Tokyo
Chúng ta thường khao khát những thứ tiện nghi nhưng ít người hiểu được rằng cái gì cũng có giá của nó. Liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận hay không? Bao nhiêu nỗi vất vả mưu sinh nơi phồn hoa đô hội được thu nhỏ lại trong một giọt mồ hôi mặn chát.
Một bài thơ thu nhỏ nỗi cô đơn:
バス降りて誰にも会わぬ稲田かな
(鈍愚狸)
Xuống xe buýt
Chẳng gặp ai
Ruộng đồng bát ngát
Và một bài thơ thu nhỏ nỗi đau:
夏草やなめて治したかすり傷
(中内火星)
Cỏ mùa hạ
mơn man liếm láp
chữa lành vết thương
Ta hãy thử hình dung quang cảnh mà bài thơ gợi ra. Một chàng trai hay cô gái nằm dài trên bãi cỏ mùa hạ ở đâu đó trong công viên thành phố hay chốn quê nhà. Ta biết người này đang đau khổ. Chữ “kasurikizu” là vết xước trên da nhưng cũng có thể là vết thương trong tâm hồn chăng? Trong cuộc đời này khi ta đau đớn chắc chỉ có cỏ dại an ủi và đến khi chết cỏ vẫn mọc xanh trên người ta thôi.
Cuối cùng là bài thơ thu nhỏ cuộc đời:
生も死も同じ色やわ走馬灯
(光雲)
Chiếc đèn cù
Vòng xoay sinh tử
Cũng một sắc màu phù duVòng xoay sinh tử
Cũng một sắc màu phù du
Bài thơ này của Kouun rất hay. Hình tượng chiếc đèn kéo quân Soumatou(走馬灯)quay như luân hồi sinh tử tiếp nối không dứt. Cuối cùng cuộc đời này chỉ là một vở tuồng mà thôi. Anh hùng mỹ nhân, vô vàn những trận chiến, những giấc mộng rồi cũng trở thành cát bụi muôn năm. Lịch sử là sự lặp lại những cuộc đời với những sắc màu riêng biệt.
Những bài thơ cô đọng thu nhỏ thiên nhiên, thu nhỏ nỗi cô đơn, thu nhỏ vũ trụ, thu nhỏ cả cuộc đời. Quả thật từ chiếc vỏ ốc có thể nghe ra tiếng vọng của cả một đại đương, từ cuộc sống ngắn ngủi chúng ta có thể nhận ra được sự vĩnh hằng. Đó là tinh thần của thơ Haiku vẫn chảy bất tuyệt từ quá khứ đến hiện tại, xuyên qua nhiều lớp ngôn ngữ của nhiều nền văn hóa khác nhau vẫn không ngừng sống động và tươi mới. Hiểu được tinh thần của thơ Haiku và sự đặc sắc của văn hóa Nhật Bản, chúng ta sẽ dần tinh tế hơn trong cách cảm nhận cuộc sống, sẽ biết trân trọng hơn từng khoảnh khắc nhỏ bé mà kỳ tuyệt của thiên nhiên và trên tất cả là tìm được niềm vui sống cho chính mình.
Mùa xuân đang đến. Bạn hãy tìm quanh mình xem mùa xuân thu nhỏ và ẩn giấu nơi đâu để làm được những bài Haiku ý nghĩa nhé.
Hoàng Long/kilala.vn