Nguồn gốc của chuông gió Fuurin
Chuông gió có nguồn gốc đến từ Ấn Độ. Theo dòng thời gian, chuông gió tiếp tục hành trình du nhập qua Trung Quốc rồi sang Nhật Bản vào khoảng thế kỉ thứ 12.
Chiếc chuông gió chính thức đầu tiên xuất hiện ở Nhật vào thời Edo và được bày bán ngay trước cổng đền Kawasaki-Daishi. Kể từ thời đại này, những chiếc chuông gió được gọi là Edo-Fuurin đã theo chân những người bán rong tới mọi vùng, đánh dấu khởi phát cho phong tục treo Fuurin khắp Nhật Bản.
Thuở ban đầu xuất hiện, Fuurin được làm bằng gốm sứ trang trí cùng họa tiết được vẽ lên thân chuông. Sau khi kĩ thuật đúc thủy tinh của người Hà Lan được truyền bá vào thế kỉ 18, người Nhật đã nhanh chóng tiếp thu và áp dụng vào Fuurin. Kết quả đã sáng tạo ra những chiếc chuông gió bằng thủy tinh mang âm thanh nhẹ nhàng. Không chỉ vậy, Fuurin còn mang nét tinh tế rất Nhật bởi hình vẽ trên chuông được sơn ở mặt trong toàn bộ để hạn chế phai màu.
Cấu tạo và hình dáng
Dễ dàng quan sát thấy, Fuurin có thiết kế chính khá đơn giản. Mỗi chiếc chuông gió có bộ phận tạo và khuếch âm hình như bát úp đặt ở trung tâm. Bên trong có gắn theo một lưỡi treo, khi có gió, lưỡi treo va chạm với bát úp phát ra âm thanh. Bên dưới chuông thường đính một tờ giấy nhỏ nhắn, còn gọi là lá giấy cầu may. Ngoài là bộ phận giúp lưỡi treo đung đưa, lá gió còn góp phần để chuông thêm phần ý nghĩa.
Ở Nhật, chuông gió Fuurin chủ yếu được làm từ gốm sứ, thủy tinh và kim loại. Sở dĩ những chất liệu này được dùng nhiều vì chúng mang đến thanh âm trong trẻo. Theo thời gian, những chiếc Fuurin trở nên đa dạng với nhiều loại khác nhau và hình dáng cũng vô cùng đa dạng.
Chuông gió được chế tác tựa như những trái lựu to, kích thước rơi vào khoảng cỡ vừa 4x5cm hoặc lớn hơn 8x7cm. Mẫu thiết kế của Fuurin trải dài từ đơn giản đến phức tạp như đèn lồng, ngôi đền, chùa, chiếc ví, con cá… Fuurin được trang trí khéo léo, lồng ghép các họa tiết liên quan đến cây cối, động vật và thần linh theo tâm niệm của người Nhật ví dụ: hoa anh đào, cá vàng, chim hạc,… đi cùng sắc màu phong phú đỏ, xanh lam, vàng, trắng...
Tiếng chuông của niềm tin và hi vọng
Trong tiếng Nhật, “Fuu” - 風 là gió và “Rin” - 鈴 là chuông. Gió gặp chuông tạo nên thanh điệu của đất trời vạn vật, tượng trưng cho sự hài hòa và gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Đó cũng là biểu tượng của an lành yên ổn.
Người Nhật tin rằng chuông gió xua đuổi tà ma bệnh tật, tránh được tai ương. Bởi lẽ họ quan niệm sóng to gió lớn, nếu treo chuông gió trước nhà thì chỉ cần trong phạm vi tiếng chuông lan tỏa, gia chủ sẽ được bình an. Thậm chí dưới thời Kamakura, dòng dõi quý tộc Nhật treo Fuurin lên cửa để ngăn chặn Yakubyougami – con quỷ mang ốm đau đột nhập vào phòng.
Dần dần, hình ảnh Fuurin treo dưới hiên nhà trở thành dấu hiệu của may mắn và hiện hữu trong phong thủy như một lá bùa cầu chúc cho thuận buồm xuôi gió. Theo phong thủy, có Fuurin sẽ tiêu tan hung khí, biến xấu thành lành. Đặc biệt trong văn hóa đất nước mặt trời mọc, nên treo chuông gió giữa nhà hoặc ngay cửa ra vào, những hướng xấu của phòng sẽ giúp mọi sự hanh thông.
Chính vì đại diện cho điều tốt lành như vậy, chuông gió Fuurin cũng là một món quà trao tặng đầy ý nghĩa. Khi chọn Fuurin để gửi gắm đến người quan trọng, người Nhật thường viết lên mảnh giấy những lời nguyện cầu súc tích và cô đọng. Hi vọng chiếc chuông gió sẽ trở thành bạn đồng hành của người nhận, vang vọng những âm thanh đẹp đẽ.
Fuurin ngỡ xa lạ hóa ra quen thuộc đến không ngờ. Thuở ấu thơ ai từng tò mò dõi theo chiếc chuông gió của Nobita qua từng trang truyện Doraemon. Lúc trưởng thành có muốn đặt chân đến Nhật Bản, rồi tình cờ lạc bước hòa mình vào dòng người đi lễ hội Fuurin, lắng nghe âm thanh mềm mại du dương ấy? Nhân ngày thảnh thơi, thử treo Fuurin lên trước hiên nhà, và để giai điệu đưa bạn về giấc mơ trong sáng tựa tiếng chuông ngân vang kia.
kilala.vn