Chiune Sugihara - vị anh hùng cứu sống hàng ngàn người Do Thái
Văn hóa Nhật Bản
Bài: Phương Anh
Tham khảo: Wikipedia, mofa.go.jp
Sugihara Chiune sinh ngày 1 tháng 1 năm 1900 trong một gia đình trung lưu tại thị trấn Yaotsu thuộc tỉnh Gifu, Nhật Bản. Cha của ông muốn ông theo học ngành y để sau này trở thành bác sĩ, nhưng Sugihara cố tình trượt kỳ thi đầu vào bằng cách chỉ viết mỗi tên của mình vào bài kiểm tra. Thay vào đó, ông ghi danh vào chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Waseda vào năm 1918 để thực hiện ước mơ trở thành một giáo viên tiếng Anh. Tuy vậy, những khó khăn về tài chính khiến việc học của ông phải tạm dừng. Sau đó, ông đã chuyển hướng, đặt mục tiêu vượt qua kỳ thi dành cho sinh viên trao đổi để trở thành một nhà ngoại giao với chi phí học được chính phủ chi trả. Ông đã vượt qua kỳ thi và được nhận vào làm thực tập sinh tiếng Nga, sau trở thành một nhà Xô Viết học và là một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao.
Mùa thu năm 1939, ông được cử đến Kaunas, Litva để mở Lãnh sự quán Nhật Bản tại đây. Ông đảm nhiệm chức Phó lãnh sự với nhiệm vụ chính là thu thập thông tin tình báo về hoạt động của quân đội Xô Viết và Đức. Gần như ngay sau đó, vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, khiến hàng nghìn người Do Thái ở Ba Lan chạy sang Litva. Khi chủ quyền Litva bị chiếm đóng bởi Liên Xô vào năm 1940, nhiều người Do Thái tị nạn từ Ba Lan cũng như người Do Thái Litva đã cố gắng để có được thị thực xuất cảnh. Nếu không có thị thực, việc di chuyển sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng đã không có bất kì quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận cấp thị thực. Vào thời điểm đó, chính phủ Nhật Bản yêu cầu rằng thị thực chỉ được cấp cho những người đã trải qua thủ tục nhập cảnh thích hợp và có đủ ngân quỹ. Hầu hết những người tị nạn đã không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Ông Sugihara đã đánh điện đến Bộ Ngoại giao Nhật Bản 3 lần để xin được cấp thị thực cho những người Do Thái này. Đổi lại, ông nhận được câu trả lời rất đáng thất vọng: "Không cấp thị thực cho bất kỳ ai không làm theo đúng thủ tục." Sugihara đã bị giằng xé giữa lựa chọn cấp thị thực và cứu sống người Do Thái với việc tuân theo mệnh lệnh để bảo vệ sự nghiệp của mình. Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến của vợ, ông quyết định sẽ bắt đầu phân phát visa quá cảnh Nhật Bản cho những người Do Thái đang tụ tập tuyệt vọng bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản.
Trong khoảng 6 tuần, mỗi ngày ông làm việc trên 16 tiếng để phát hành khoảng 300 visa một ngày. Phần lớn người tị nạn trốn qua Litva bằng đường bộ nên không có passport để đóng dấu. Ông phải tự viết tay một bản và đóng dấu lên đó. Vào ngày cuối cùng khi Sugihara rời Litvia, ông vẫn tiếp tục viết thị thực cho những người tị nạn Do Thái theo ông đến ga xe lửa. Những tấm visa cuối cùng được đưa qua cửa sổ toa ngay trước khi tàu rời ga. Ước tính ông đã viết ít nhất 2.139 thị thực, mỗi thị thực có thể phục vụ cả một gia đình. Tổng cộng từ 6.000 đến 10.000 người đã được cứu bởi hành động cao cả của ông. Những người này được gọi là “Sugihara Survivors”.
Khi trở lại Nhật Bản vào năm 1947, Sugihara đã bị Bộ Ngoại giao sa thải vì cấp thị thực trái lệnh. Trong 39 năm tiếp theo của cuộc đời, có thời gian ông phải sống bằng nghề bán bóng đèn tận nhà. Sau đó, ông chuyển đến làm cho một công ty thương mại ở Moscow.
Năm 1968, Joshua Nishri, một tùy viên kinh tế của Israel tại Tokyo, người đã được cứu bằng thị thực Sugihara, đã lần ra dấu vết của ông và đăng ký tên ông lên Yad Vashem (một bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust tại Israel). Năm 1985, ông là người Á Châu duy nhất được trao tặng giải thưởng “The Righteous Among Nations” (tạm dịch: Người dân ngoại công chính) từ Bảo Tàng Viện Holocaust ở Israel. Sugihara và con cháu của ông đã được trao quốc tịch Israel vĩnh viễn.
Khi được hỏi tại sao lại chấp nhận đánh đổi sự nghiệp của mình như vậy, ông trả lời: "Họ là con người, và họ cần được giúp đỡ. Tôi vui mừng khi thấy mình có sức mạnh để giúp đỡ họ". "Tôi có thể đã bất tuân chính phủ, nhưng nếu không làm thế, tôi sẽ bất tuân Chúa."
Sugihara qua đời vào năm sau đó tại một bệnh viện ở Kamakura, vào ngày 31 tháng 7 năm 1986. Bất chấp việc được biết đến công khai ở Israel và các quốc gia khác, vào thời điểm đó, ông vẫn hầu như chưa được biết đến ở quê nhà. Chỉ khi một phái đoàn Do Thái lớn từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các đại sứ Israel tại Nhật Bản, đã có mặt tại đám tang của ông, hàng xóm của ông mới biết được những việc ông đã làm.
Vào ngày 10 tháng 10 năm 2000, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã lập tấm bia kỷ niệm tại Phòng Kỷ yếu Bộ Ngoại giao, và một buổi lễ đã diễn ra với sự chứng kiến của phu nhân ông Sugihara, bà Yukiko Sugihara, và những người khác.
kilala.vn