Visa kỹ năng đặc định: Cơ hội dành cho lao động có kỹ năng
Sự kiện Nhật Bản
Bài: Tori / Ảnh: Internet
Bạn đã biết về visa kỹ năng đặc định chưa?
Visa kỹ năng đặc định đã được chính phủ Nhật thông qua vào ngày 08/12/2018 và bắt đầu có hiệu lực từ 04/2019, nhằm mục đích giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trầm trọng đang diễn ra tại Nhật Bản, cho phép tiếp nhận những lao động nước ngoài đến Nhật Bản làm việc.
Visa kỹ năng đặc định được chia ra làm 2 loại là: Visa kỹ năng đặc định loại 1 và Visa kỹ năng đặt định loại 2. Hai loại visa này khác nhau về điều kiện tiếp nhận, quyền lợi và những ngành nghề được phép tiếp nhận.
+ Visa kỹ năng đặc định loại 1
Ngành nghề: 14 ngành nghề (Điều dưỡng; Dịch vụ nhà hàng; Dịch vụ khách sạn; Xây dựng; Vệ sinh tòa nhà; Nông nghiệp; Chế biến thực phẩm; Chế tạo vật liệu; Chế tạo và đóng tàu; Ngư nghiệp; Sửa chữa ô tô; Chế tạo máy móc; Điện khí, điện tử thông tin; Nghiệp vụ trong sân bay
Thời hạn visa: 5 năm
Bảo lãnh người thân: Không được
+ Visa kỹ năng đặc định loại 2
Ngành nghề: 2 ngành nghề (Xây dựng; Chế tạo và đóng tàu)
Thời hạn visa: Không thời hạn
Bảo lãnh người thân: Có thể bảo lãnh vợ/chồng và con. Không thể bảo lãnh cha mẹ, anh chị em.
Theo quy định của MOC, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người Việt Nam sau khi người lao động đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật và có tên trong “Danh sách xác nhận” được cấp bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, bao gồm:
- Những lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản.
- Những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp, bao gồm các đối tượng sau:
+ Những người được miễn các kỳ kiểm tra và thi, bao gồm Thực tập sinh (TTS) đã hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc số 3.
+ Du học sinh đã tốt nghiệp ít nhất khóa học 2 năm của các trường tại Nhật Bản và thi đỗ các kỳ kiểm tra kỹ năng nghề và tiếng Nhật.
Visa kỹ năng đặc định khác gì với Visa thực tập sinh?
Mục đích: Đối với visa thực tập sinh, vì mục tiêu là “Cống hiến cho đất nước”, nên bắt buộc thực tập sinh phải quay về nước sau khi hoàn thành quá trình rèn luyện và làm việc tại Nhật Bản, cống hiến và nâng cao kĩ thuật cho đất nước của mình. Còn đối với visa kỹ năng đặc biệt, mục tiêu là giải quyết vấn đề thiếu lao động của Nhật Bản nên những gì người lao động làm là cho nước Nhật và vì nước Nhật.
Đối tượng tiếp nhận:
Thực tập sinh đến từ 15 nước: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Mông Cổ, Peru, Myanmar, Philippine, Bangladesh, Srilanka, Uzebekistan. hực tập sinh chỉ cần tiếng Nhật cơ bản, không yêu cầu về kỹ năng hoặc kiến thức về công việc.
Còn với visa kỹ năng đặc định thì không có yêu cầu về quốc tịch. Tuy nhiên, để có thể lấy được visa kỹ năng đặc định loại 1, thì lao động cần vượt qua kỳ kiểm tra kỹ năng nghề và trình độ tiếng Nhật do chính phủ Nhật Bản qui định. Hiện nay, kì thi này chỉ được lên kế hoạch tổ chức tại 8 quốc gia là: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Philippine và 1 nước nữa đang trong quá trình xem xét.
Các bên liên quan:
Đối với visa thực tập sinh vì bao gồm 5 bên nên quá trình thực hiện rất phức tạp. Các bên gồm: Người lao động, Công ty trung gian tại Việt Nam, Nghiệp đoàn tại Nhật, Cơ quan tiếp nhận thực tập sinh tại Nhật, Cơ quan hỗ trợ thực tập kỹ năng.
Còn Visa kỹ năng đặc định thì chỉ cần 2 bên là Người lao động và Cơ quan tiếp nhận tại Nhật, hai bên sẽ thỏa thuận hợp đồng làm việc dựa trên những quy định của Chính phủ.
Nếu từng đi Nhật với Visa thực tập sinh thì bạn vẫn có cơ hội trở lại Nhật với Visa kỹ năng đặc định, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện mà chính phủ Nhật đề ra dành cho đối tượng muốn lấy visa kỹ năng đặc định.
Hiện nay, Bản ghi nhớ MOC đã được thỏa thuận, đây sẽ là cơ hội tốt dành cho những lao động có kỹ năng của Việt Nam, đồng thời cũng góp phần giải quyết vấn nạn thiếu lao động trong một số ngành công nghiệp của Nhật Bản. Bên cạnh đó, cũng thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác của cả hai quốc gia.
Sắp tới Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện những kế hoạch tuyên truyền để người lao động hiểu thêm thông tin về visa kỹ năng đặc định; tìm kiếm và đánh giá những cơ quan, doanh nghiệp phù hợp điều kiện về kỹ năng đặc định ở Việt Nam; lên kế hoạch tổ chức những kỳ thi kiểm tra kỹ năng nghề và ngoại ngữ để người lao động có nguyện vọng và trình độ có thể tham gia thi đánh giá trình độ theo quy định của Nhật Bản.