CLB thơ Haiku Việt TP.HCM kỷ niệm sinh nhật lần 9
Sự kiện Nhật Bản
Bài & ảnh: Ban tổ chức
Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa Việt - Nhật nhằm khơi nguồn cho tinh hoa văn hóa xứ sở hoa anh đào khoe sắc trên đất Việt, Câu lạc bộ (CLB) thơ Haiku Việt TP.HCM đã ra đời được 9 năm và có nhiều thành quả đáng ghi nhận. Nhân kỷ niệm ngày thành lập 24/6/2007 - 24/6/2016, CLB đã tổ chức Lễ Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 9 vào sáng ngày 26/6/2016 tại Nhà Hữu nghị số 31 Lê Duẩn, Q.1.
Tại buổi lễ, CLB đã tổ chức lễ kết nạp cho 8 thành viên mới, tặng thưởng cho 4 thành viên có hoạt động xuất sắc tại CLB trong năm 2015 và chủ trì buổi trình diễn thư pháp thơ Haiku do thư pháp gia Dương Minh Hoàng thực hiện. Một trong những nội dung đặc sắc của buổi lễ là toạ đàm “Thơ Haiku trong nhà trường”. Tham dự tọa đàm là những diễn giả, nhà thơ Haiku, chuyên gia đầu ngành về thơ Haiku, giáo viên trực tiếp giảng dạy thơ Haiku với các hoạt động như đánh giá vị trí, ý nghĩa, cách thức tiếp cận, giảng dạy và sáng tác thơ Haiku trong nhà trường.
Đến tham dự buổi lễ có ông Lê Hưng Quốc - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, ông Nguyễn Công Tánh - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật, ông Trần Thiện Tứ - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật, ông Vũ Quang Luân - Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ JVPF Murayama, TS. Vũ Tam Huề - đại diện CLB Haiku Việt Hà Nội, bà Trần Thị Tuyết - nghệ nhân Trà đạo Nhật, bà Trần Bích Thủy - Chủ nhiệm CLB Trà đạo Nhật Sài Gòn, bà Viên Trân - nghệ nhân Trà Việt, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh, họa sỹ Dương Sen, CLB Họa sĩ Nắng Mai, nghệ sỹ nhân dân Đào Bá Sơn, TS. Hoàng Kim Oanh - giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Phương Đông ĐH Huflit, TS. Hà Minh Châu - Phó Chủ nhiệm Khoa Sư phạm KHXH ĐH Sài Gòn, nguyên GV. Nhật Thanh - ĐH Sài Gòn, các sinh viên Khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm TP.HCM, cô Bùi Duy Thanh Mai, nhóm Cánh Buồm, cô Huỳnh Nhị, các bạn yêu thơ Haiku cùng đông đảo thành viên CLB Haiku Việt TP.HCM.
Sau phần văn nghệ là phần lễ kỷ niệm được mở đầu bằng bài phát biểu khai mạc của GS. Lưu Đức Trung, Chủ nhiệm CLB thơ Haiku Việt TP.HCM. GS. Lưu Đức Trung - người khởi xướng thành lập CLB đã xúc động nêu bật sự trưởng thành lớn lao của CLB Haiku Việt TP.HCM sau 9 năm hoạt động với sự hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt - Nhật cùng các chi hội bạn. Tiếp đó, ThS. Đặng Kim Thanh - Phó chủ nhiệm CLB đã tổng kết lại các hoạt động tiêu biểu của CLB trong năm 2015 - 2016.
Phát biểu trong buổi lễ, ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. HCM đã nêu bật vai trò của thơ Haiku trong việc trở thành cầu nối giao lưu văn hoá Việt - Nhật và ngẫu hứng đọc tặng một bài thơ Haiku đầy ý nghĩa. Ông Nguyễn Công Tánh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật đã nhắc lại những kỷ niệm ngày đầu tiếp cận thơ Haiku và quá trình phát triển của CLB Haiku Việt kèm theo những lời chúc tốt đẹp.
Trong buổi toạ đàm với chủ đề “Thơ Haiku trong nhà trường”, sau phần đề dẫn của GS. Lưu Đức Trung, các tác giả đã lần lượt trình bày tham luận của mình:
- Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: "Nhẹ nhàng Haiku".
- Cô Huỳnh Nhị: "Từ việc giảng dạy thơ Haiku trong trường Phổ thông đến tinh thần “khai phóng” trong học tập và trong giáo dục".
- ThS. Đinh Xuân Hảo: "Thơ Haiku với học sinh Việt Nam".
- Cô Bùi Duy Thanh Mai - nhóm Cánh Buồm: "Xuôi một Cánh Buồm: Thơ Haiku đến với trẻ em như thế nào?".
-ThS. Nguyễn Nhã Trúc: "Dạy thơ Haiku ở Đại học".
Buổi tọa đàm trở nên sôi nổi hơn khi có ý kiến phát biểu của NSND. Đào Bá Sơn với đề xuất: Dù nguồn gốc thơ Haiku xuất phát từ Nhật Bản nhưng thơ Haiku Việt phải đảm bảo mang đậm "hồn Việt" và phải thổi "linh hồn hiện đại" trong các thi phẩm đương đại để tránh tinh thần không trung thực trong sáng tác và tiếp nhận học sinh, người đọc.
Nhìn chung, ngoại trừ tham luận của cô Huỳnh Nhị có nêu lên một số khó khăn, trở ngại khi giảng dạy thơ Haiku cho học sinh đã được nhà văn Nhật Chiêu giải đáp, còn lại các tác giả đều cho rằng có thể đưa thơ Haiku vào chương trình giảng dạy cho học sinh từ bậc Tiểu học, Trung học đến Đại học với những cách thức tổ chức và hướng dẫn phù hợp tâm sinh lý, thực tiễn cuộc sống của đối tượng. Mục đích của việc dạy thơ Haiku cho học sinh là dạy tinh thần Haiku để các em thể hiện cảm xúc, suy nghĩ về cuộc sống chứ không nên áp đặt nặng nề, gây khó khăn cho các em.
Buổi lễ kỷ niệm và toạ đàm đã kết thúc vào lúc 12h cùng ngày trong không khí phấn khởi, vui tươi, chan hoà và thân thiện. Hi vọng những hoạt động của CLB trong tương lai sẽ tô thắm hơn cho tình hữu nghị và sự giao thoa gắn kết giữa 2 nền văn hóa và 2 dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.
Thuần Nguyên - Đinh Xuân Hảo