Theo thông tin công bố ngày 04/08, có khoảng 7.600 tài khoản Facebook của người dùng Nhật Bản bị đánh cắp. Những tài khoản này bị những kẻ lừa đảo đánh cắp và lưu trữ trên một máy chủ đặt tại Nga.
Theo Cơ quan Xúc tiến Công nghệ Thông tin có liên kết với Chính phủ, từ khoảng cuối tháng 6, nhiều người dùng Facebook ở Nhật bắt đầu nhận được các video gửi từ tài khoản nặc danh của bạn bè trên mạng xã hội. Khi truy cập vào các liên kết video, liên kết sẽ dẫn người dùng đến một trang web tương tự Facebook và yêu cầu đăng nhập. Và nếu người dùng gõ đăng nhập, các thông tin và tài khoản sẽ bị đánh cắp ngay lập tức.
Hiện tại, mặc dù Facebook chưa xác nhận quy mô của vụ lừa đảo đáng ngờ này, nhưng phía công ty an ninh mạng SoIa.com có trụ sở tại Sendai cho biết, họ đã theo dõi dữ liệu của hơn 10.000 tài khoản Facebook vào cuối tháng 7 thông qua trang web giả mạo kia. Khi các bản sao thông tin bị xóa, máy chủ chứa thông tin đã lưu trữ dữ liệu của 7.630 tài khoản Facebook. SoIa.com cho biết thêm, số lượng tài khoản bị đánh cắp tăng đột biết trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8. Ít nhất có đến 8 nhóm lừa đảo liên quan đến vụ trộm cắp thông tin này.
Nhiều địa chỉ email đăng nhập Facebook bị đánh cắp có email đến từ các nhà mạng như NTT Docomo và Softbank, những email kinh doanh từ Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, thậm chí là cả email của Đại học Tohoku và Chính phủ trung ương cũng không ngoại lệ.
Ông Hiroto Takahashi - Chủ tịch của SoIa.com cho biết: "Có khả năng những tài khoản bị đánh cắp này được sử dụng để thao túng dư luận, tương tự như chuyện xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016."
Người dùng có thể tránh thiệt hại bằng cách đổi mật khẩu, thực hiện xác thực hai yếu tố bảo mật để ngăn chặn mất tài khoản. Tuy nhiên, trường hợp người dùng có thói quen dùng một mật khẩu chung cho tất cả thì khả năng cao là các tài khoản khác cũng có thể bị xâm nhập.
Facebook cho biết họ sẽ tiếp tục tập trung vào các biện pháp chống lại các hành động bất hợp pháp như này.
kilala.vn