Nhật Bản triển khai con đường nghệ thuật cho người khiếm thị
Tin 60s
Bài: Phương Thảo
Đây là những con đường được trang trí một cách nghệ thuật để phân biệt với phần đường cho người bình thường và sử dụng chữ nổi Braille nhằm cung cấp thông tin cho người khiếm thị. Nơi đầu tiên triển khai dự án này là Quảng trường Scramble Shibuya ở Tokyo.
Công ty Công nghệ và Giải trí HYTEK đã bắt đầu khởi động dự án nghệ thuật đường phố nhằm mang đến những con đường mới dành cho người khiếm thị. Ý tưởng này xuất hiện khi những nhà sáng tạo nhận thấy trên các con phố của Nhật Bản, những lối đi dành cho người khiếm thị đang bị chiếm dụng và hư hại, những khối Braille hay còn được gọi là khối Tenji (chữ nổi dành cho người khiếm thị) đã bị bong ra, một số chỗ bị chắn bởi các biển báo,... Chính vì thế, “Dự án nghệ thuật đường phố” đã được ra đời, bao gồm việc tạo ra con đường với hình vẽ nghệ thuật chỉ dành riêng cho người khiếm thị, tăng độ nhận diện của các khối Braille. Từ đó, người khiếm thị sẽ có thể dễ dàng di chuyển và nhận biết các thông tin, đồng thời gia tăng nhận thức của mọi người về việc tôn trọng lối đi cho người khiếm thị.
Chủ đề đầu tiên của dự án là “Mặt trời và Yatagarasu”: mặt trời với ý nghĩa soi sáng cả thế gian, là biểu tượng của một ngày rạng rỡ và ấm áp; còn quạ Yatagarasu là một sinh vật 3 chân, thường xuất hiện trong văn hóa Đông Á. Tại Nhật, quạ Yatagarasu là biểu tượng của sự dẫn lối. Theo truyền thuyết, loài vật này đã được gửi xuống từ thiên đàng để chỉ đường cho Thiên hoàng Jimmu trên hành trình đến Yamato, nơi ông có một trận giao chiến và giành chiến thắng. Dự án này sẽ do Yusei Sagawa và Holhy – hai trong số những nghệ sĩ graffiti hàng đầu Nhật Bản và cũng đã từng hợp tác với nhiều thương hiệu lớn đảm trách. Nơi đầu tiên triển khai dự án là bên ngoài Quảng trường Scramble Shibuya ở Tokyo, thời gian thực hiện dự kiến là từ 28/04 – 09/05.
Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới kể cả Nhật, trên vỉa hè sẽ có lối đi dành riêng cho người khiếm thị. Trên đó sẽ được in chữ nổi Braille để người khiếm thị cảm nhận trực tiếp qua bàn chân và gậy chống, tạo thành một hệ thống gạch có cấu trúc rõ ràng, chỉ ra được các mối nguy hiểm tiềm ẩn và hướng di chuyển. Đặc biệt, theo quy định quốc tế, các khối này sẽ được sơn màu vàng để những người khiếm thị (có thể nhìn thấy mờ mờ) dễ dàng phát hiện. Đây cũng là một phát minh của người Nhật – ông Seiichi Miyake, với mong muốn giúp đỡ người bạn thân bị khiếm thị của mình. Sau này, hệ thống đã được chuẩn hóa và sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới.
kilala.vn