Matryomin: Nhạc cụ Nhật Bản dành cho người khiếm thị
Kinh doanh Nhật Bản
Bài: Rin
Nguồn: asahi.com
Giờ đây, người khiếm thị tại Nhật Bản đã có thể chơi nhạc bằng nhạc cụ Matryomin mang hình dạng của một con búp bê Nga matryoshka.
Với bác sĩ châm cứu Kazuo Yasumatsu, người bị khiếm thị từ năm 15 tuổi, búp bê Nga với chiếc mũ màu vàng tươi và phần thân màu đỏ không đơn giản chỉ là món đồ chơi mà đã trở thành “người bạn” giúp ông có thể chơi nhạc cụ và làm cho cuộc sống của một người khiếm thị như ông trở nên nhiều màu sắc hơn.
Cuộc gặp gỡ giữa bác sĩ khiếm thị và nhạc cụ Matryomin
Từ khi sinh ra, ông Kazuo Yasumatsu (69 tuổi) đã mắc chứng thị lực kém và bị mù hoàn toàn vào năm 15 tuổi. Vào thời điểm khá nhiều ban nhạc rock Nhật Bản lấy cảm hứng sáng tác từ band nhạc người Anh The Beatles, Kazuo cũng bắt đầu chơi guitar. Vì là người khiếm thị nên ông không thể đọc được nhạc lý và chỉ còn cách duy nhất là chú ý lắng nghe để ghi nhớ từng tiết tấu của bản nhạc.
Nhưng ngay lúc đó, ông Kazuo cũng bắt đầu học châm cứu nên đã sớm dừng chơi guitar vì nếu tập đàn thì các ngón tay sẽ trở nên thô ráp, rất dễ gặp khó khăn trong công việc châm cứu sau này. Ngoài ra, bản thân ông Kazuo cũng không có đủ thời gian tập luyện. Nhưng với niềm đam mê dành cho âm nhạc, ông Kazuo cũng từng nghĩ đến việc chơi violin. Tuy vậy, giá thấp nhất của một cây đàn violin chất lượng lên đến 100.000 yên. Do vậy, sau cùng, ông đã từ bỏ niềm đam mê nhạc cụ mà tập trung vào học châm cứu.
Hiện tại, ông Kazuo đã trở thành quản lý và điều hành phòng khám Yasumatsu Hariin ở Naka, thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, nằm cách ga JR Hamamatsu 10 phút đi bộ. Đến nay, ông Kazuo vẫn cảm thấy tiếc nuối vì đã từ bỏ việc tập guitar, cũng như rất do dự trong việc bỏ nó đi khi không biết bao giờ mới tập luyện trở lại. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm nay, tạimột buổi họp mặt được tổ chức bởi Hiệp hội Phúc lợi người khiếm thị do ông Kazuo đứng đầu, ông đã được xem phần trình diễn của nhạc sĩ khuyết tật Masami Takeuchi với nhạc cụ búp bê Matryomin. Giai điệu mượt mà như violin từ loại nhạc cụ đặc biệt này đã khơi dậy ước mơ ấp ủ từ lâu của ông Kazuo là được chơi và biểu diễn một loại nhạc cụ nào đó. Ông Kazuo bước vào con đường học chơi nhạc cụ Matryomin.
Matryomin, nhạc cụ dành cho người khuyết tật
Sau buổi biểu diễn, nhạc sĩ khuyết tật Masami Takeuchi, 54 tuổi, đã cho ông Kazuo xem kỹ hơn về nhạc cụ Matryomin. Với hình dạng một búp bê kiểu Nga với chiều dài khoảng 20cm, Matryomin không có bàn phím hay dây để bấm như các dụng cụ chơi nhạc thông thường. Thực chất nó là đàn Theremin mang hình dáng của búp bê matryoshka, tạo ra âm nhạc bằng cách di chuyển bàn tay và các ngón tay trong không khí.
Theremin là một trong những loại nhạc cụ điện tử lâu đời nhất thế giới, được phát triển vào năm 1920 bởi nhà vật lý Liên Xô Lev Theremin (1896-1993). Nó trở nên độc nhất vì là nhạc cụ đầu tiên được thiết kế để chơi nhạc mà không hề có sự tiếp xúc trực tiếp như các nhạc cụ khác. Nó bao gồm 2 máy dao động tần số radio và 2 antenna kim loại. Tín hiệu điện từ Theremin được khuếch đại và được chuyển ra loa ngoài. (Theo Wikipedia)
Với mức giá chỉ khoảng từ 40.000 yên (khoảng 8.000.000 VND), Matryomin rất phù hợp với ngân sách cho phép của ông Kazuo. Với cách chơi đặc biệt chỉ cần di chuyển bàn tay trong không trung, Matryomin dễ chơi hơn nhiều so với các nhạc cụ khác và vô cùng phù hợp với những người khiếm thị.
Ban đầu, khi tham gia lớp học Matryomin của nhạc sĩ Masami, ông Kazuo chỉ có thể tạo ra những âm thanh không mấy mượt mà, như được phát ra một nhạc cụ bị hỏng. Nhưng với việc tham gia các lớp học đều đặn mỗi tuần một lần, ông đã có thể chơi được những bản nhạc đơn giản. Trong đại dịch COVID-19, ông Kazuo buộc lòng phải hủy bỏ các buổi hợp xướng được tổ chức thường xuyên và các buổi hát karaoke hàng tháng với bạn bè. Do vậy, nhạc cụ Matryomin trở thành “cứu cánh” cho ông Kazuo. Bây giờ, vào mỗi ngày, trước khi đi làm và sau khi hoàn thành công việc, ông Kazuo đều chơi Matryomin, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Kazuo hào hứng chia sẻ: “Trong tương lai, tôi muốn chơi matryomin cùng những người mắt sáng”.
Nhạc sĩ Masami Takeuchi, người đã phát triển nhạc cụ Matryomin, chia sẻ rằng vào năm 2016, trong một lần biểu diễn, ông đã bị xuất huyết não. Sau khi nhập viện, ông Masami đã nhận về kết quả đau lòng rằng mình bị liệt nửa người bên phải. Mang niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc, ông Masami đã phát triển nên Matryomin khi bản thân gặp nhiều khó khăn trong việc chơi các loại nhạc cụ thông thường khác. Ông Masami nhận ra rằng đứa con tinh thần của mình rất phù hợp với những người không thể cử động một phần tay cũng như những người có vấn đề thị lực. Ông Masami bộc bạch: “Tôi hy vọng nó sẽ mang đến cơ hội để chơi nhạc dành cho những ai nghĩ rằng không thể chơi nhạc vì các khiếm khuyết của bản thân”.
kilala.vn