Kinh nghiệm tự rèn nghe, nói bằng phương pháp Shadowing
Ngôn ngữ Nhật Bản
•
Jul 13, 2017
Bài: Ngọc Chân
Người học tiếng Nhật ở Việt Nam, không có môi trường giao tiếp thường xuyên với người bản ngữ, đối tượng chủ yếu chỉ là giáo viên hoặc người Nhật trong công ty. Vì thế, khả năng giao tiếp còn hạn chế. Nghe yếu đã đành, nghe được nhưng lại không phản xạ được hoặc câu đáp của mình không tự nhiên như người bản ngữ. Vậy, có cách nào để cải thiện điều ấy? Với kinh nghiệm của mình, tôi xin giới thiệu các bạn Phương pháp Shadowing, một phương pháp học nghe - nói ngoại ngữ hiệu quả, không chỉ riêng tiếng Nhật.
Phương pháp Shadowing là gì?
Đây là phương pháp chủ yếu dùng trong rèn luyện kỹ năng Dịch cabin – dịch song song người nói. Nhưng nó lại phát huy hiệu quả không ít đối với việc luyện nghe – nói. Ở phương pháp này, các bạn sẽ phải cố gắng nghe và lặp lại đuổi theo người nói như một “cái bóng – shadow” và bắt chước giống hệt cách phát âm, ngữ điệu của người nói.
Phương pháp Shadowing này cũng tương tự như trẻ con bắt chước người lớn; du học sinh tiếp xúc lâu ngày với người bản ngữ, dần thấm phong thái, cử chỉ, cách nói chuyện của người xứ đó. (Ảnh: PIXTA)
Ưu và nhược điểm của Shadowing là gì?
Về ưu điểm, đầu tiên bạn sẽ nhận thấy kỹ năng nghe của mình tăng lên khá rõ rệt. Không những thế, trong quá trình bắt chước câu nói, bạn sẽ học được cách phát âm chuẩn và ngữ điệu của người Nhật một cách tự nhiên nhất có thể. Lâu dần, nó sẽ tự trở thành các phát âm của riêng bạn, nhưng không phải kỳ quặc với người Nhật đâu nhé.
Khi thực hành Shadowing qua các mẫu thoại, các bạn còn có thể hiểu được ngữ cảnh sử dụng từ vựng, giúp bạn hiểu từ đó đúng chất Nhật nhất. Sau đó, khi gặp tình huống tương tự trong giao tiếp thực tế, các bạn sẽ tự bật ra phản xạ một cách nhanh chóng. (Ảnh: PIXTA)
Nhược điểm: Đây chỉ là phương pháp “chữa cháy” trong trường hợp các bạn không có cơ hội giao tiếp thực tế với người Nhật. Vì trong cuộc sống, ngữ cảnh sẽ phong phú hơn và không hề có giới hạn. Thế nên, nếu có cơ hội “túm được” một người Nhật nào đó thì các bạn hãy cố tận dụng nhé.
Ngoài ra, shadowing không thể ứng dụng nhiều tại lớp, vì khá mất thời gian và không thể tập trung thiếu sót của từng cá nhân. Vì vậy, tự học hoặc chỉ rủ thêm một người cùng trình độ sẽ là cách tốt hơn cho bạn.
Cuối cùng, phương pháp này nếu bạn chưa biết cách học hoặc không có sự kiên trì thì sẽ rất mau nản chí, dẫn đến bỏ cuộc khi chưa đạt được kết quả.
/banner
Học như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Chọn nội dung thực hành:
+ Đầu tiên các bạn cần chọn đoạn hội thoại, bài thuyết minh hay đoạn tin tức có phát âm chuẩn, nội dung phù hợp với trình độ của mình và mang tính thực tiễn cao (ví dụ: nếu bạn là nhân viên công ty Nhật, có thể chọn nghe những đoạn liên quan về môi trường công sở).
+ Nếu ở trình độ sơ cấp mình khuyến khích các bạn chọn thực hành với các đoạn hội thoại. Các bạn có thể dùng Minna no nihongo theo từng bài mình đang học, sẽ dễ nhớ bài hơn. Ngoài ra, một giáo trình đang được ưa dùng hiện nay là Shadowing Nihongo wo Hanasou (シャドーイング 日本語話そう, bạn có thể dùng nó từ Sơ, Trung đến Cao cấp và down ứng dụng về điện thoại. Các bạn Trung – Cao cấp có thể mở rộng sự chọn lựa của mình ra tin tức, phim ảnh, các bài hùng biện của TED,…
+ Ban đầu, các bạn cần chọn đoạn audio chậm, phù hợp với tốc độ của bản thân. Hoặc các bạn có thể cài phần mềm giảm tốc độ của bài nói xuống.
+ Trước khi luyện tập, các bạn có thể khởi động bằng shadowing phần từ vựng. Như thế, vừa làm quen với từ, vừa có bước đệm cho phần sau. Phần nhiều, các bạn thuộc từ vựng, đọc hiểu nhưng lại nghe không được từ đó, chính là vì bản thân mình phát âm sai và không quen với âm thanh đúng của từ vựng ấy.
Thực hành:
+ Khi chưa quen, bạn cần ngắt từng câu, từng đoạn ngắn để tránh việc nản chí vì dài và khó.
+ Đầu tiên, bạn nghe qua một lần, có thể lặp lại nếu được. Sau đó, kiểm tra lại với bản lời thoại để xác nhận mình không nghe sai. Không lặp lại âm thanh đã nghe một cách máy móc, mà phải hiểu ý, hiểu từ, hiểu ngữ pháp.
+ Cố gắng đọc đúng phát âm và ngữ điệu như những gì đã nghe rồi dần dần cố đọc trôi chảy và cùng tốc độ với người nói.
+ Sau cùng là không cần nhìn lời thoại mà có thể nói tự nhiên ngay sau khi âm thanh bật lên.
+ Khi thực hành, bạn cũng nên tưởng tượng tình huống thực tế để dễ dàng áp dụng sau này.
Bạn có thể ghi âm giọng của mình trước và sau khi thực hành trơn chu. Như thế, bạn sẽ xác nhận được mình đã nói chuẩn hay chưa, có tiến bộ như thế nào. (Ảnh: PIXTA)
Để nắm vững một ngoại ngữ, người học cần bỏ nhiều thời gian và tâm sức. Thành quả không dễ mà có được. Khi có vốn từ khá, kỹ năng nghe vững bạn sẽ dần cảm thấy thích thú với phương pháp học này. Mong những chia sẻ của mình sẽ hỗ trợ phần nào việc học tiếng Nhật của các bạn.
Ngọc Chân/ kilala.vn