7 chỗ khó của tiếng Nhật mà người nước ngoài hay gặp
Ngôn ngữ Nhật Bản
Nguồn: Madame Riri
Tiếng Nhật với các công việc có mức lương hấp dẫn đang thu hút nhiều bạn trẻ theo học ngôn ngữ này. Nhưng để chinh phục nó thì hoàn toàn không dễ. Dưới đây là 7 chỗ khó trong tiếng Nhật mà nhiều người nước ngoài hay gặp phải.
1. Khó nhớ Kanji
Kanji đối với người nước ngoài, đặc biệt với những nước dùng hệ chữ alphabet, là bức tường thành đồ sộ. Hệ thống chữ tượng hình từ đơn giản đến phức tạp như những con giun bò loằng ngoằng đủ để làm chùn bước các “sĩ tử”. Khi học kanji, họ phải nhớ từng bộ chữ Hán, chú ý thứ tự viết, học 2 cách phát âm on và kun, cuối cùng là thuộc nằm lòng ý nghĩa. Thật sự là bộ chữ nan giải!
2. Quá nhiều cách diễn đạt vòng vo
Trong tiếng Nhật có nhiều cách diễn đạt mà khó có thể dịch sang tiếng khác. Chẳng hạn như 「よろしくお願いします」、「恐れ入ります」、「お邪魔します」、「お疲れ様です」. Nếu dịch trực tiếp theo nghĩa từng từ của những câu trên thì không đúng mà phải dựa vào cách dùng đã được quy ước sẵn của người Nhật để sử dụng cho đúng.
Ngôn ngữ phản ánh văn hóa và phong tục tập quán của nước Nhật nên dù bạn có học kỹ cuốn giáo trình tiếng Nhật đến đâu thì, nếu bạn không có kinh nghiệm sử dụng tiếng Nhật trong tình huống thực tế thì cũng sẽ gặp tình huống khó lý giải chính xác cách sử dụng một từ tiếng Nhật nào đó.
3. Khó sử dụng kính ngữ
Một chỗ khó nhằn khác của tiếng Nhật là kính ngữ. Dù những ngôn ngữ khác như tiếng Anh cũng có cách nói lịch sự, hơi cứng nhắc nhưng không tồn tại khái niệm “kính ngữ” kiểu Nhật Bản. Thậm chí dù là người Nhật thì vẫn có người khó phân biệt chính xác giữa kính ngữ, khiêm nhường ngữ và ngôn ngữ lịch sự để giao tiếp một cách tự nhiên.
4. Không hiểu rõ sắc thái của các vĩ tố kết thúc câu
Tiếng Nhật có nhiều vĩ tố kết thúc câu như ね, よ, わ, かな, かしら, な, じゃん… Mỗi vĩ tố mang một sắc thái khác nhau, tùy vào giới tính, cảm xúc, cá tính của người nói. Và việc lĩnh hội các sắc thái đế sử dụng vĩ tố cho đúng là điều không dễ.
Ví dụ cùng là “わかってる” nhưng nếu thêm vĩ tố vào như「わかってるよ」、「わかってるけど」、「わかってるもん」thì mỗi cái mang một sắc thái khác nhau như “tôi biết rồi”, “tôi hiểu nhưng mà”, “vì tôi đã hiểu rồi mà”. Để phân biệt chính xác các sắc thái thì cần mất nhiều thời gian lẫn kinh nghiệm thực tế.
5. Đau đầu với tiếng nước ngoài bị Nhật hóa
Khi học tiếng Nhật, hẳn bạn sẽ thấy có nhiều tiếng nước ngoài bị Nhật hóa.Ví dụ từ part-time (bán thời gian) bị Nhật hóa thành アルバイト, từ salary (lương) và man (đàn ông) kết hợp lại thành từ サラリーマン (nhân viên làm việc văn phòng), từ cardboard bị Nhật hóa thành ダンボール . Đối với người nước ngoài thì điều này rất đau đầu. Lý do vì họ phải nhớ cả hai nghĩa đúng của từ gốc và nghĩa của nó trong tiếng Nhật. Vấn đề là không phải từ bị Nhật hóa nào cũng sai, có từ đúng từ không. Điều này khiến người nước ngoài, đặc biệt có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh bị lúng túng.
6. Cách đếm “biến hóa khôn lường”
Một ví dụ nổi tiếng minh chứng cho việc cách đếm trong tiếng Nhật biến hóa “khôn lường” là đếm cá ngừ. Khi đang bơi là “ippiki”, bị câu lên là “ippon”, khi bị cắt ra ở chợ là “icchou”, nếu cắt miếng nhỏ hơn nữa là “hitokoro”, lúc đóng gói trong siêu thị là “hitosaku” và khi cho vào miệng gọi là “hitokire”!
Tùy vào kích thước, hình dạng, tính chất của sự vật mà tiếng Nhật sẽ có cách đếm khác nhau. Điều đó gây không ít “khó dễ” cho người học.
7. Nhầm lẫn cách dùng trợ từ
Với những người mới bắt đầu học tiếng Nhật thì việc học cách phân biệt và sử dụng trợ từ đúng là chuyện không dễ dàng. Dễ thấy nhất là hai cặp trợ từ “が” và “は”, “に” và “で”. Lời khuyên được người Nhật đưa ra là, để sử dụng trợ từ tự nhiên nhất thì trong giao tiếp thường ngày với người Nhật, hãy nhớ cách họ dùng trợ từ với một danh từ/động từ rồi bắt chước theo. Đừng ngại sai vì có sai thì mới nhớ lâu.
Còn bạn? Bạn gặp khó khăn gì khi học tiếng Nhật? Chia sẻ cho Kilala biết nhé!
kilala.vn