Tác phẩm văn học Nhật Bản được chuyển thể thành phim P2
Sách Nhật Bản
Bài: Hoàng Long / Ảnh: PIXTA
Tác phẩm của Dazai Osamu
Dazai Osamu (1909 - 1948) là một nhà văn nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại. Kiệt tác “Thất lạc cõi người” của ông đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản với hơn mười triệu bản in. Tuy cuộc đời 39 năm của ông trải qua nhiều nỗi bi kịch với năm lần tự sát, nghiện thuốc giảm đau, ly dị vợ… nhưng tác phẩm của ông luôn chan chứa cái nhìn ấm áp trân trọng về những người phụ nữ.
Những tác phẩm xuất sắc của ông như “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Người vợ Villon” đều được dựng thành phim. Trong đó “Nhân gian thất cách” (Thất lạc cõi người) – tiểu thuyết tự thuật về cuộc đời Dazai – đã được nhiều lần chuyển thể điện ảnh. Mới đây nhất bộ phim “Nhân gian thất cách và 3 người đàn bà trong cuộc đời Dazai” (人間失格 太宰治と3人の女たち) do nam diễn viên Oguri Shun đóng vai chính mới được công chiếu vào tháng 9 năm 2019 vừa qua đã gây một làn sóng đồng cảm với Dazai trên toàn Châu Á.
Tác phẩm của Abe Kobo
Abe Kobo (1924 - 1993) là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Nhật Bản hiện đại. Những sáng tác của ông đi sâu vào việc phân tích tâm lý nhân vật, đặt con người trước những hoàn cảnh biên cương, bắt buộc phải lựa chọn và tranh đấu để tìm lại chính mình hay ý nghĩa của cuộc đời.
Hai tác phẩm tiêu biểu nhất là “Người đàn bà trong cồn cát” (砂の女) và “Khuôn mặt tha nhân” (他人の顔) xác lập vị trí nhà văn của Abe Kobo đều đã được dịch sang Việt ngữ. Nếu như “Người đàn bà trong cồn cát” thể nghiệm hình ảnh con người bị quăng ném một cách phi lý vào một làng cát, nơi mà cát chiếm hữu mọi thứ một cách dần dần kiên nhẫn và ca ngợi sự gắng sức đấu tranh tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình qua việc phát minh cái bẫy nước thì “Khuôn mặt tha nhân” lại đặt ta vào một thể nghiệm khác khi con người không còn có khuôn mặt của mình, phải đi tìm lại nối kết với xã hội và con người bằng lớp mặt nạ vô danh. Cả hai tác phẩm này đều được chính Abe Kobo chuyển thể kịch bản và đạo diễn Hiroshi Teshigahara quay phim năm 1964 và 1966, giúp cho tên tuổi Abe Kobo càng thêm lừng lẫy.
Cây đàn Miến Điện - Takeyama Michio
Một tác phẩm văn học hiện đại mang tinh thần phản chiến của Nhật Bản đã được dịch ra Việt ngữ và được dựng thành phim điện ảnh nhưng độc giả Việt Nam ít người biết đến đó chính là “Cây đàn Miến Điện” (ビルマの竪琴) của tác giả Takeyama Michio. Tác phẩm này đã được dịch giả Đỗ Khánh Hoan dịch ra Việt ngữ, nhà xuất Bản Sáng tạo Sài Gòn in năm 1972. “Cây đàn Miến Điện” được đạo diễn Kon Ichikawa chuyển thể thành phim đen trắng vào năm 1956 và được rất nhiều người yêu thích.
Rừng Na Uy - Murakami Haruki
Cuối cùng phải nói đến tác phẩm “Rừng Na Uy” của Murakami đã được đạo diễn Trần Anh Hùng chuyển thể. Bộ phim về tình yêu và tuổi trẻ đầy cay đắng cô đơn này đã tạo một cơn sốt không nhỏ với khán giả Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung.
kilala.vn