Review Người đón tàu: Tập truyện ngắn đầy những nỗi đau
Sách Nhật Bản
Bài: An Thuỷ/ Cover: Phim Poppoya/NSX Jun'ichi Shindo & Tan Takaiwa
Bắt đầu sự nghiệp văn chương khá muộn, đến 40 tuổi mới có tác phẩm đầu tiên được chú ý trên văn đàn Nhật Bản (tiểu thuyết Torarete tamaruka!), thế nhưng Jiro Asada được mệnh danh là người tiếp nối xuất sắc dòng văn chương truyền thống Nhật Bản và nhận được nhiều giải thường văn học uy tín (giải Naoki, giải văn Shibata Renzaburo…). Từ sau khi chạm ngõ văn chương, ông đã cho ra đời 70 tác phẩm trong 14 năm sáng tác, trải dài trên hầu khắp thể loại nội dung từ triết lí, đời thường đến lịch sử.
“Tiểu thuyết về những kẻ bất lương lưu lạc”
Người đón tàu là tập hơp 8 truyện ngắn, trong đó chỉ một truyện không chứa đựng yếu tố giả tưởng, số còn lại đều phủ trong không khí tâm linh, thậm chí quỷ dị. Nếu hỏi điểm chung của các câu chuyện là gì, chính là luôn có những linh hồn, những bóng ma lẩn quất, chính là những mảnh đời không hạnh phúc trọn vẹn.
Người đón tàu là câu chuyện về một trưởng ga mẫn cán, đơn độc, suốt đời chỉ trung thành với nghề, đến nỗi không kịp nhìn mặt vợ và con gái lần cuối vì bận đón những chuyến tàu vào ga. Trầm hương là lời cảnh tỉnh về hận tình của người đàn bà, đặt ra câu hỏi lớn về lừa dối và chân thành; trong khi Thư tình là những bức thư đong đầy yêu thương từ người đàn bà phận khổ gửi đến người chồng chưa từng biết mặt. Thiệp mời từ rạp Oricon là hành trình hoài niệm và hàn gắn những đoạn tình đã qua, trong khi Lễ Vu Lan là dứt bỏ tình cảm đã không cách nào cứu vãn và câu chuyện về tình ông cháu thiêng liêng. Tsunohazu là tình cảm vợ chồng nắm tay nhau qua năm tháng và tình phụ tử bền bỉ dẫu đã cách biệt âm dương. Ác quỷ là linh hồn bị tha hóa của một trí thức bất lực. Và Ông già tuyết nghiệp dư là sự giác ngộ của một tên trộm và ánh sáng tình người trong đêm Giáng Sinh tuyết trắng.
Tác giả đã xoa dịu những nỗi đau bằng cách thức hết sức... lạ lùng
Thực không phải tự nhiên mà Jiro Asada được mệnh danh là “Heisei no nakase ya” (平成の泣かせ屋) tức người có tài khiến độc giả rơi nước mắt. Văn chương của ông khởi nguồn từ nỗi đau và viết về nỗi đau. Ông hướng ngòi bút vào những phận người long đong trong xã hội: một người gác tàu cô đơn, không tiền tài,không gia đình, những nhân viên kinh doanh quèn oằn mình dưới gánh nặng cơm áo gạo tiền và nguy cơ tha hóa nhân cách, những phụ nữ tha phương, bị ruồng rẫy, bị phản bội, những kẻ học thức thấp bị đẩy vào bước đường trộm cắp… Họ khác xuất thân, nhưng đều thuộc cùng một tầng lớp bị vây khốn giữa muôn hình nỗi khổ ở đời, mà nỗi khổ của họ, trong cái không khí ảm đạm đến nhất quán mà Jiro Asada tạo ra, càng nổi bật và thấm thía.
Chỉ người hiểu nỗi đau mới có thể xoa dịu nỗi đau. Jiro Asada xoa dịu nỗi đau bằng những cách thực lạ lùng, như để cô con gái trở về đón cha mình đến cõi vĩnh hằng, như để người ông đã mất hiện về trong đêm Vu Lan bảo vệ đứa cháu gái chống lại nanh vuốt cả gia đình chồng bạc bẽo, như để người cha hiện về an ủi đứa con trai trong lúc thất bại nhất. Yếu tố tâm linh chiếm một vị trí nhất định trong tư tưởng của Jiro Asada, ông thừa nhận sự tồn tại của thế giới ấy, nơi những người thân của chúng ta đi đến khi rời nhân thế. Ông thừa nhận thế giới ấy, để chứng tỏ tình người có thể bất chấp ranh giới âm dương. Ông muốn cho ta thấy con người “chỉ cần một điểm tựa, có thể nâng cả thế giới”, dẫu điểm tựa ấy hữu hình hay trừu tượng, dẫu điểm tựa ấy chỉ là những mảnh vụn kí ức đã xa hay dư âm tình yêu lảng vảng.
Dẫu là đau khổ, dẫu là bé mọn, dẫu kết cục có là cái chết, mỗi câu chuyện của Jiro Asada đều hàm chứa cái nhìn nhân văn và thấu cảm sâu sắc, đều lấp lánh vẻ đẹp man mác buồn. Họ có thể khổ, nhưng họ biết không chỉ mình khổ, họ biết đôi lúc đặt cái khổ của mình sang bên để nghĩ cho cái khổ của người khác. Đó, là hạt mầm thiên lương trong mỗi bản thể.
An Thuỷ/ kilala.vn