Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Review Giáo sư và công thức toán: Tĩnh lặng đến ngọt ngào!

Sách Nhật Bản    • Dec 6, 2017

Bài: Đỗ Nguyên/ Bìa: Nhã Nam thư quán

Đối với tôi, “Giáo sư và công thức toán” là một cuốn sách dịu dàng, dịu dàng đến phát khóc. 

Tên bộ truyện gốc vốn là “博士の愛した数式” (Giáo sư và những công thức toán ông yêu). Toán học là khó hiểu, giáo sư Toán là khô khan ư? Kỳ lạ, dưới ngòi bút của Yoko Ogawa, Toán học và ông giáo sư Toán lại hiện lên vô cùng nên thơ, dung dị và không thiếu sự tinh tế. Các nhân vật trong bộ truyện đều không có tên nhưng điều đó không ngăn chúng ta rung cảm trước cái tình người của họ. Đó là ông giáo sư Toán với trí nhớ ngắn hạn, là cô giúp việc và cậu con trai cô với mái đầu chóp nhọn như hình dấu căn. Họ ở bên nhau, giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ của Toán học.

Giáo sư và công thức toán
(Ảnh: Nhã Nam thư quán)

1/ Nhân vật giáo sư: Mỗi 80 phút chiến đấu với giới hạn phi thường

Giáo sư trong câu truyện là một nhân vật tưởng như gàn dở. Ông vốn dĩ đã rất khó giao tiếp với người khác một khi đề tài không phải là Toán học. Vụ tai nạn thời trẻ lại cướp đi của ông tất cả, chỉ còn lại một trí nhớ như cuộn băng đứt mạch, nối lại chập chờn mỗi khoảng 80 phút mà thôi.

Ông nổi cáu khi có bất kỳ ai làm phiền trong lúc ông suy nghĩ, ông xuề xòa trong cách ăn mặc, cẩu thả với bữa ăn của chính mình, thậm chí căn phòng làm việc của ông cũng bừa bãi như chính con người ông vậy. Nhưng giáo sư là một người yêu toán học nhiệt thành, ông dành bao tâm sức cho chúng, luôn cố gắng giải mọi thứ trước khi kết thúc 80 phút nghiệt ngã kia. 

Giáo sư cũng là một người mạnh mẽ khi biết rõ căn bệnh của mình nhưng không hề buông trôi bản thân. Những tờ giấy nhớ dán chi chít khắp quần áo ông đã phản ánh nội tâm của ông. Giáo sư không ngừng chiến đấu với cái giới hạn của bộ não, lưu giữ những thông tin không được ký ức trữ lại bằng những mẩu giấy nhớ đó, gắng sức dựa vào chúng để nhắc nhở mình những điều quan trọng.

Giáo sư cũng là người có tấm lòng trân trọng đặc biệt kỳ lạ đối với trẻ con. Mọi hành xử của ông khi có mặt cậu bé Căn – con trai cô giúp việc đều chuẩn mực. Ông dịu dàng hỏi han đứa bé, nghiêm khắc khi nó làm sai. Ông còn nảy ra hành động quyết liệt khác thường khi đứa trẻ phải chịu tổn thương.

2/ Nhân vật cô giúp việc: Vẻ đẹp của sự nhẫn nại và nhiệt thành lạ kì

Chăm sóc một đứa trẻ cần sự kiên nhẫn và bền bỉ. Chăm sóc một người già, lại là người già mang tính cách gàn dở và ký ức giới hạn trong vòng 80 phút lại cần sự kiên nhẫn và bền bỉ gấp chục, gấp trăm lần. Cô giúp việc trong vai trò người kể truyện là một người phụ nữ đã ngoài 30, một bà mẹ đơn thân với tinh thần nghiêm túc trong công việc. Cô có sự kiên nhẫn khi sẵn sàng mỗi ngày làm việc với quy trình làm quen lại từ đầu, bằng những câu hỏi về ngày sinh và cỡ giày. Cô cũng có sự bền bỉ khi chấp nhận ở bên, chấp nhận làm theo thói quen và cung cách sống tưởng như gàn dở của ông giáo sư. Hơn cả, cô có sự bền bỉ và nhẫn nại phi thường bước vào trái tim người khác khi nghiêm túc suy nghĩ về những câu hỏi vu vơ, đầy bất ngờ về Toán cũng như nhiệt thành đào sâu vào những công thức hay con số hóc hiểm. 

3/ Cậu bé Căn: Trưởng thành qua từng công thức toán 

Cậu bé là nhân vật duy nhất có vẻ như ‘có tên’ trong câu truyện. Thực ra, cái biệt danh sặc mùi toán học “Căn” này của cậu cũng là do giáo sư đặt cho. Đấy là một cái biệt danh thô cộc đầy dịu dàng, bởi “Căn là một ký hiệu toán học rất khoan dung, nó sẵn sàng thu nạp mọi con số vào lòng mình không chút đắn đo”. Căn là một cậu bé ngoan, chấp nhận ngày ngày quẩn quanh đợi mẹ đến tận tối mịt. Khi lần đầu tiên được đưa đến nhà giáo sư, cậu bé mới thực sự nếm trải cảm giác hạnh phúc gia đình. Giáo sư đã dạy dỗ cậu bé, gieo vào lòng cậu một tình yêu với toán học.

Giáo sư và công thức toán
(Ảnh: Nhã Nam)

Họ như những mảnh ghép, mang lại hạnh phúc cho nhau và bù đắp đi những thiếu hụt của từng người. Vị giáo sư đã làm sáng lên cuộc đời của hai mẹ con nọ, dạy cho người mẹ những điểm bản thân còn thiếu sót và dạy cho đứa trẻ cách trưởng thành qua những con số và những công thức toán. Còn đối với giáo sư, sau bao nhiêu năm đơn độc với căn bệnh quỷ quyệt kia, hai mẹ con họ là những người bạn thực sự, lắng nghe ông bằng tấm lòng bao dung chân thật. 

Văn Yoko Ogawa nhẹ nhàng, từ tốn và sâu lắng đến quặn thắt lòng người. Bộ truyện như một mặt hồ phẳng lặng, đôi lúc gợn chút sóng lăn tăn chứ không hề có những thắt mở kịch tính hay cao trào. Nhưng tôi vẫn có cảm giác khi đọc tác phẩm này, người đọc dường như phải nín hơi thở, khẽ rón rén bước vào thế giới của ba con người nọ. Chỉ sợ một chút sơ suất, một tiếng động nho nhỏ thôi sẽ phá hỏng cả cái thế giới nhỏ bé mà tĩnh lặng, trong suốt như mặt hồ ẩn sâu nơi rừng thẳm đó. 

Mỗi lần đọc “Giáo sư và công thức toán” là một lần chìm đắm vào cơn mơ tĩnh lặng đến ngọt ngào. Câu chuyện chẳng kết lại bằng những mệnh đề lớn lao nhưng mà cứ thế thấm đẫm vào hồn người. “Đó là một con số cực kỳ ý nhị. Nó không xuất hiện ở những nơi dễ nhận thấy, nhưng lại thực sự tồn tại trong trái tim của mỗi chúng ta và nâng đỡ thế giới bằng đôi bàn tay nhỏ bé của mình.” 

Đỗ Nguyên/ kilalal.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top