Có một thế hệ người Nhật ngại tương tác, thích một mình
Lifestyle
•
Jan 11, 2019
Bài: Kim Ngân
Hát karaoke một mình, đi ăn một mình, xem phim một mình, chết cũng… một mình, những hiện tượng trên đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội Nhật Bản. Đến mức xuất hiện một ngành dịch vụ chuyên phục vụ cho những khách hàng có nhu cầu riêng tư.
1. Hát karaoke một mình
Tại Tokyo, có một quán karaoke mà bạn có thể vào đó hát một mình, thoải mái ca múa nhảy nhót mà không sợ bị ai cười chê nếu hát dở, hát sai. Ngoài những căn phòng bình thường dành cho nhóm khách hàng, quán còn có thêm những phòng cho một người với một chiếc ghế, tai nghe, micro và một màn hình nhỏ.
Nguồn ảnh: nicovideo.jp
Điều này đi ngược với bản chất của karaoke – vốn là hoạt động dành cho gia đình, bạn bè cùng nhau thư giãn, vui vẻ mà không phải lo ngại mình hát dở. Nhưng giờ đây, càng có nhiều người chỉ muốn tận hưởng cảm giác hát một mình, không muốn phải chờ đến lượt khi đang “sung” hay bị phá hỏng giai điệu nếu hát chung với người khác.
/banner
2. Bùng nổ ngành dịch vụ “Ohitorisama”
Không chỉ karaoke mà các ngành khác như quán ăn, nhà hàng, trò giải trí công viên, du lịch, rạp chiếu phim cũng bắt đầu xu hướng phục vụ khách hàng cá nhân, làm hình thành nên ngành dịch vụ mới: “Ohitorisama” – nghĩa là “Khách đi một mình”.
Ví dụ ở một quán mỳ ramen, một chiếc bàn dài có nhiều chỗ ngồi, mỗi chỗ được ngăn cách bởi hai tấm gỗ hai bên, che khuất họ khỏi tầm nhìn của người bên cạnh. Mỗi chỗ ngồi đều có sẵn máy gọi món. Cách thiết kế không gian này rất thuận tiện cho những người muốn một mình thưởng thức bữa ăn mà không cần phải tương tác với người khác.
Nguồn ảnh: qbiz
Ngành dịch vụ Ohitorisama cho thấy, thị trường dành cho người độc thân ở Nhật Bản đang ngày càng mở rộng và phát triển, tạo ra một ngành công nghiệp riêng. Và điều này được cho là cần thiết, theo Tomoki Inoue – chuyên gia phân tích hành vi người tiêu dùng tại viện nghiên cứu NLI. Vì số lượng người độc thân đang gia tăng với hơn 1/3 trong số 53 triệu hộ gia đình tại Nhật Bản là hộ đơn thân, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản.
3. Một mình – liệu có xấu?
Hiển nhiên, việc người Nhật ngày càng “ngại tương tác, thích một mình” đem lại ảnh hưởng không mấy tốt đẹp, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã xuống thấp đến mức báo động.
Nhưng nếu nhìn sự việc ở khía cạnh khác thì sẽ thấy được mặt tích cực của nó. Vì nhu cầu “muốn một mình” không chỉ có ở những người độc thân mà ngay cả ở những cặp vợ chồng hoặc cặp đôi đang sống thử. Họ muốn có quãng thời gian riêng, được tách khỏi bạn đời, dù chỉ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, những nhân viên công sở muốn tránh gặp đồng nghiệp trong giờ nghỉ trưa cũng thuộc đối tượng khách hàng này. Việc có không gian riêng cho bản thân vừa giúp họ thỏa mãn nhu cầu, vừa làm cân bằng cuộc sống, giải tỏa những ẩn ức, mệt mỏi, căng thẳng. Có thể nào mà nhờ đó, họ sẽ không còn chọn tự sát là lối thoát duy nhất để kết thúc khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống như không ít người đã lựa chọn hiện nay, và tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản sẽ phần nào giảm xuống?
Nguồn ảnh: macscene
Dù thế nào đi nữa, “một mình” vẫn chỉ nên là giải pháp, sự lựa chọn trong thời gian ngắn. Vì về lâu dài, con người không thể sống tốt nếu không tương tác với cộng đồng. Dù có những anh chàng yêu thích, thậm chí kết hôn với cô gái ảo nhưng điều đó lại càng cho thấy họ khao khát có một ai đó ở bên cạnh sẻ chia buồn vui với mình.
kilala.vn