"Tốt nghiệp hôn nhân" - Tấm rèm ngăn cách trong gia đình
Lifestyle
Bài: Hoàng Thiên
Ảnh: PIXTA
Tại sao gọi là tốt nghiệp hôn nhân?
Hiện tại, có khá nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản sau khi kết hôn được một thời gian, dù không ly hôn hay ly thân nhưng lại sống độc lập, gần như là không cần phải thực hiện nghĩa vụ vợ/chồng với người bạn đời của mình. Trong tiếng Nhật, hiện tượng này gọi là Sotsukon (tạm dịch là “Tốt nghiệp hôn nhân”). Đây là từ được ghép lại bởi 2 từ: "sotsugyou" (tốt nghiệp) và "kekkon" (hôn nhân). Cụm từ này được dùng để mô tả một cặp vợ chồng được ràng buộc với nhau về mặt pháp luật nhưng cuộc sống của họ lại tách biệt (gần hoàn toàn) với người bạn đời của mình.
Vì sao dẫn đến Sotsukon?
Sau những cuộc khảo sát, thống kê cũng như nghiên cứu xã hội, người ta rút ra được hiện tượng này xảy ra do ba nguyên nhân chính:
Đời sống chăn gối không có
Có thể nói Sotsukon xảy ra bắt đầu từ việc vợ chồng trở thành hai cá thể độc lập không liên quan nhau. Thói quen này hình thành do quá trình sinh con và nuôi dạy con. Tức là sau khi người vợ sinh con, vợ và con sẽ ngủ chung giường để thuận tiện chăm sóc. Quá trình này kéo dài đến khi đứa trẻ gần 4 - 5 tuổi. Theo nghiên cứu của một giáo sư thuộc Đại học Chiba (Nhật Bản), có đến 26% các cặp vợ chồng Nhật Bản không ngủ cùng nhau, 53% cặp vợ chồng sau khi con cái trưởng thành và ra riêng thì thích ngủ một mình. Người xưa có câu “Vợ chồng đầu giường giận, cuối giường hòa” ngoài việc muốn nói mâu thuẫn vợ chồng có thể dễ dàng giải quyết thì còn mang hàm ý khác về sự hòa hợp trong quan hệ chăn gối. Thế nhưng hầu hết các cặp vợ chồng Nhật đều trải qua thời gian “không chung chăn gối” đến thành thói quen.
Và một khi điều gì đó thành thói quen rồi thì nó được xem như là một chuyện hiển nhiên. Nếu một ngày, một trong hai người - vợ hoặc chồng - đề cập đến chuyện tình dục thì điều đó sẽ trở nên thật kỳ lạ. Dần dà điều này khiến vợ - chồng chỉ còn là mối quan hệ trên danh nghĩa.
Ngoài ra, còn một lý do khách quan khác khiến các cặp vợ chồng ở Nhật Bản khó giữ được sinh hoạt chăn gối điều độ, đó chính là nhịp sống quá bận rộn. Nhân viên văn phòng ở Nhật thường tan sở lúc 8 giờ tối nên về đến nhà cũng tầm 9 giờ. Những ngày có nomikai (văn hóa cùng nhau đi uống rượu/bia sau giờ làm của giới công sở Nhật) thì các ông chồng sẽ còn về trễ hơn nữa. Tuy nhiên, có những công việc mà tính chất gắn liền với các buổi nomikai này. Do về muộn và còn phải nhậu nhẹt nên sau khi về nhà, việc duy nhất họ có thể làm là tắm rửa và... lên giường ngủ đến sáng hôm sau. Cách sinh hoạt rất phổ biến của dân công sở ở Nhật cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng đời sống chăn gối hôn nhân trở nên lợt lạt hơn.
Theo đuổi sự tự do
Tâm lý sau khi con cái trưởng thành, bản thân cha mẹ cũng có những hoài bão riêng. Đối với một số người, kết hôn - sinh con - nuôi con khôn lớn là một nhiệm vụ mà họ phải thực hiện và dành hơn nửa cuộc đời mình để hoàn thành nó. Đặc biệt những ai mang theo tâm lý “tự do còn chưa đủ thì đã bị trói buộc vào xiềng xích hôn nhân” thì có khi, mỗi ngày đối với cuộc đời họ đều là nghĩa vụ: vì người thân, vì gia đình, vì xã hội. Do đó, khi đã hơn quá nửa đời người, khi mà nghĩa vụ tạm xem như hoàn thành, người ta bắt đầu theo đuổi tự do riêng dù ở độ tuổi khá muộn. Chẳng hạn người chồng thích tự do ra ngoài, đi du lịch riêng, không cần lo gánh nặng vợ con… Còn người vợ muốn thoát khỏi góc bếp, thoát khỏi những ràng buộc vì bổn phận của họ, họ không muốn làm việc nhà, không muốn tảo tần chăm chồng nuôi con… họ muốn được theo đuổi những sở thích riêng của mình.
Có thể quyết định độc lập với nhau nhưng bởi vì vẫn còn yêu thương đối phương nên sẽ không chọn cách ly hôn mà là Sotsukon - cùng chung sống nhưng độc lập với người còn lại.
Sự bất bình đẳng vai trò trong gia đình
Một trong những nguyên nhân khiến người phụ nữ không muốn kết hôn là do sự bất bình đẳng về vai trò trong gia đình. Mà chính sự bất bình đẳng này cũng là yếu tố chính dẫn đến Sotsukon.
Người đàn ông sau khi lấy vợ vẫn là người nắm kinh tế chính trong gia đình, vẫn đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, có khi phải đi xã giao tận khuya rồi đến sáng lại tiếp tục đi làm. Người phụ nữ sau khi kết hôn thường sẽ lùi một bước, chăm chồng, quán xuyến nhà cửa, sinh con. chăm con và hầu như không thể tiếp tục công việc trước đây nữa. Một người đi làm suốt bên ngoài, một người trải qua mỗi ngày trong một khu vực giới hạn, loanh quanh trong bốn bức tường. Cuộc sống cũng vì đấy mà có những thay đổi về tâm lý, thậm chí hình thành trong đầu về một nỗi sợ.
Trong một cuộc khảo sát thực hiện năm 2014 trên 200 phụ nữ Nhật Bản đã kết hôn rằng liệu tương lai họ có Sotsukon không, kết quả có đến 56,8% cho rằng họ sẽ có khả năng bị như vậy. Từ những câu trả lời cho thấy, phụ nữ muốn thực hiện Sotsukon nhất là vào thời điểm chồng sắp nghỉ hưu, họ sợ hãi việc phải cung phụng chồng quá mức, muốn được giải thoát khỏi việc nhà và muốn được sống cho riêng mình.
Một cách nhìn mở về Sotsukon
Nhiều người quan niệm rằng: “Nếu đã mệt mỏi, nếu đã không hợp thì buông tay, ly hôn cũng coi như lối thoát cho cả hai.” Tuy nhiên, cuộc sống không phải đơn giản như một bài toán, không thể cứ áp dụng đúng công thức và cách giải thì có được đáp án. Điều kiện ràng buộc của một người nhiều hơn thế và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Có người thì vì thể diện xã hội, cũng có người vì không muốn ảnh hưởng đến con cái. Có rất nhiều lý do ngăn họ chọn giải pháp ly hôn. Bởi thế, dù còn những bất cập cũng như những biến cố nhỏ có thể xảy ra, nhưng tốt nghiệp hôn nhân - Sotsukon, tính đến thời điểm hiện tại, có thể xem là một biện pháp phù hợp khi vợ chồng xem nhau như khách.
Không giống như ly hôn, với Sotsukon các cặp vợ chồng không cần thực hiện thủ tục pháp lý. Sotsukon không quyết liệt và cứng rắn như ly hôn mà được xem là một biện pháp khá linh hoạt. Khi các cặp đôi vẫn có thể sống cùng một mái nhà, vẫn nấu ăn, dọn dẹp như những người bạn ở cùng. Hoặc họ cũng có thể chọn sống trong nhà riêng nhưng gặp gỡ thường xuyên để chăm sóc cho nhau, chuyện trò chia sẻ giúp đỡ trong công việc nếu cần. Hoặc kỳ diệu hơn, các cặp vợ chồng nếu như tìm lại được cảm giác mới yêu thuở đầu cũng có thể dễ dàng trở lại cuộc sống hôn nhân của họ. Và khi ở tuổi xế chiều, họ cũng có thể xem nhau như người thân mà chăm sóc nhau.
Con người ta ai ít nhất cũng trải qua 2 lần tốt nghiệp trong đời. Đó có thể là tốt nghiệp trung học, có thể là tốt nghiệp đại học,... mỗi một lần tốt nghiệp là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành hơn của mỗi người. Thế nhưng nếu một ngày phải tốt nghiệp hôn nhân, bạn đừng quá lo lắng, đau khổ hoặc ép buộc mình phải “lớn lên”. Cuộc sống này là của bạn, và bạn có quyền lựa chọn những gì tốt đẹp cho bản thân mình.
kilala.vn