Review Kuroko Tuyển thủ vô hình: Đẳng cấp đỉnh cao
Phim Nhật Bản
Bài: Đỗ Nguyên/ Ảnh: Lotte Cinema
Kuroko Tuyển Thủ Vô Hình của họa sĩ Tadatoshi Fujimaki được đăng trên tạp chí Shounen Jump trong suốt giai đoạn từ tháng 12/2008 đến tháng 9/2014. Bộ truyện đã mang lại tiếng vang lớn và được chuyển thể thành tiểu thuyết cũng như dựng thành phim hoạt hình. Kuroko Tuyển Thủ Vô Hình: Trận Đấu Cuối Cùng là phần phim ngoại truyện được chính tác giả viết kịch bản và giám sát quá trình sản xuất, phần hoạt hình mới nhất, cũng là phần cuối cùng khép lại cả sê-ri phim.
(Ảnh: Lotte Cinema)
Cốt truyện của phần phim này khá đơn giản. Đội bóng rổ đường phố Jabberwock của Hoa Kỳ đến Nhật Bản để đấu giao hữu với đội Strky Nhật Bản. Trận đại bại của đội bóng rổ đại diện Nhật Bản cùng với thái độ khinh thường không hề che giấu từ phía Jabberwock đã khiến huấn luyện viên Aida cùng toàn giới bóng rổ Nhật Bản tức giận. Ông đã quyết tâm tập hợp những thành viên của “Thế hệ Kỳ tích” tạo thành đội Vorpal Swords để rửa mối nhục quốc thể này. Như vậy qua suốt 3/4 bộ phim, chúng ta được chứng kiến cảnh trên sàn thi đấu bóng rổ giữa đội những chàng trai kiêu hãnh gánh trên vai trọng trách rửa “mối nhục quốc thể” và những anh chàng Bad boys nhưng cực kỳ mạnh của bóng rổ đường phố nước bạn.
Khó hiểu nhưng vẫn gay cấn
Phần phim có một hạn chế nhất định đối với những người xem chưa từng đọc qua truyện tranh hay xem qua hoạt hình, đó là bởi trận đấu này là trận đấu cuối cùng chứ không phải trận đấu đầu tiên, thứ hai hay thứ ba nên nội dung phim phần đầu rất “hụt” và nhiều phân đoạn ngoài lề thực sự khó hiểu.
Ngoài 7 nhân vật chính cũng tức là 7 nhân vật của Thế hệ Kỳ tích, phim còn có một hệ thống nhân vật phụ dày đặc đột ngột nhảy ra “chào hỏi” khán giả rồi đột ngột biến mất (Ảnh: Lotte Cinema)
Nhưng không thể phủ nhận ngoài vấn đề nho nhỏ đó ra, bộ phim cực kỳ lôi cuốn người xem với phần khiêu khích ban đầu nhanh, đơn giản và đầy ấn tượng. Trong trận thi đấu, phim cũng phô bày một bữa tiệc hình ảnh đặc sắc đầy các động tác và kỹ thuật biến hóa, thu hút cả sự hứng thú của những người không am hiểu về bóng rổ. Không hổ là một phần hoạt hình của bộ truyện tranh thể thao xếp hàng đỉnh cao.
Mãn nhãn với kỹ thuật đặc tả tinh tế
Cũng chính bởi vì đây là trận đấu cuối cùng chứ không phải trận đấu đầu tiên, chúng ta không được chứng kiến những nhân vật đang từng bước hoàn thiện mình, từng bước rèn luyện bản thân để bước đến đỉnh cao, mà đây là trận chiến đối đầu với địch thủ cực kỳ mạnh mẽ đến từ nước khác, là cơ hội để từng nhân vật vượt qua ranh giới của chính họ với những nguồn thực lực sẵn có.
(Ảnh: Lotte Cinema)
Dẫu bạn là fan của cả đội Thế hệ Kỳ tích hay là fan của từng thành viên trong đội, hẳn bạn cũng sẽ thấy thỏa mãn khi từng nhân vật một được lia máy quay, đối diện với những bức tường cản của riêng họ để rồi bung ra hết 100% thực lực của chính mình, chính bằng phương pháp cấp tiến: đặt ra thách thức – xử lý thách thức. Chưa kể ngoài những kỹ năng cá nhân của từng nhân vật, bộ phim vẫn điểm tô được tinh thần đồng đội, sự kết hợp nhóm nhuần nhuyễn trong quỹ thời gian một trận đấu hạn hẹp.
Ngay cả đội Jabberwocks phản diện cũng sẽ khiến người xem thấy thỏa mãn khi mỗi một thành viên đều có chức năng riêng, trình độ chuyên nghiệp và “trên cơ” hơn hẳn.
Âm thanh ấn tượng và đồ họa nam tính
Nhạc phim “Glorious days” của GRANRODEO không có gì để chê trách. Diễn viên lồng tiếng và dàn nhân viên phụ trách âm thanh vẫn làm tốt công việc của họ để lột tả được sắc nét sự đỉnh cao và dồn dập của nhịp độ câu truyện.
Trừ một số chê trách về sự thay đổi ngoại hình để tạo sự khác biệt của từng nhân vật trong phần phim so với tạo hình truyện tranh ban đầu, 3D của bộ phim được thực hiện khá tốt, cả bối cảnh lẫn từng nhân vật đều được vẽ chi tiết, tạo ấn tượng dữ dội đúng chất của trận đấu cầu trường đỉnh cao. Thêm một thông tin nho nhỏ, nếu chú ý bạn sẽ thấy trong phần credit cuối phim có sự xuất hiện của một số lượng không nhỏ những họa sĩ Việt Nam tham gia vào dự án lần này.
(Ảnh: Lotte Cinema)
Kết cục của trận đấu thế nào thì chắc ai cũng đã đoán biết được từ trước. Tuy nhiên, ngoài kết cuộc của “Trận đấu cuối cùng”, chúng ta còn một phần mở đầu nho nhỏ tưởng chừng như lạc lõng ráp với kết thúc ở phần cuối cùng của bộ phim. Bóng rổ không chỉ là trận đấu và “Kuroko no basket” chưa kết thúc trong “Trận đấu cuối cùng” này. Những nhân vật của chúng ta giờ đã trưởng thành hơn. “Trận đấu cuối cùng” cũng chỉ là một cầu nối khác để họ bước đến sân chơi chuyên nghiệp của đấu trường quốc tế, nuôi dưỡng ước mơ của chính mình và những đồng đội.
Lưu ý:
Móc khóa các nhân vật trong truyện vô cùng dễ thương, số lượng còn vô cùng hạn chế nên các bạn fan hâm mộ nào còn chưa kịp đi xem thì hãy nhanh chóng ra rạp để vừa được mãn nhãn với trận đấu trên màn ảnh rộng vừa kịp mua về cho mình móc khóa của những nhân vật yêu thích nhé.
Kilala đánh giá:
Nội dung: 3.75/5
Đồ họa: 4/5
Âm thanh: 4.5/5
Đỗ Nguyên/ kilala.vn