Review 7 phim Liên hoan phim Nhật Bản
Phim Nhật Bản
Bài: Phượng Vũ, Phương Thảo, Tú Anh, Inako, Phương Anh
7 bộ phim được công chiếu trong tuần đầu tiên thu hút một lượng lớn khán giả tại rạp Cinestar, TP.HCM.
Mary và đoá hoa phù thuỷ
Lỡ hẹn với khán giả Việt Nam một lần (từng xuất hiện trong lịch phim sắp chiếu ở một cụm rạp nổi tiếng nhưng lại không được trình chiếu), Mary and the witch's flower là anime mới duy nhất trong Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam năm nay. Đây cũng là phim có mặt trong danh sách 26 bộ phim hoạt hình tranh giải Oscar 2018.
Bạn sẽ cảm thấy quen thuộc khi gặp lại hình ảnh của phim hoạt hình Ghibli vì Mary and the witch's flower là bộ phim đầu tay của Studio Ponoc - xưởng phim tập hợp rất nhiều nhân viên đã nghỉ việc của Ghibli kể từ khi nhà đồng sáng lập Hayao Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu. Về mặt hình ảnh kỹ xảo, hình ảnh trong phim được chăm chút rất tỉ mỉ: từ hình ảnh bông hoa kì lạ: "hoa bay trong đêm" xanh lóng lánh, ngôi làng Trang Viên Đỏ đậm nét kiến trúc Anh Quốc (phim được chuyển thể từ tiểu thuyết The Little Broomstick của nữ nhà văn người Anh Mary Stewart) cho đến từng ngóc ngách của ngôi trường phù thủy Endor.
Về nhạc phim, từ trước khi phim được trình chiếu, bài hát cuối phim Rain của nhóm Sekai no owari đã được lan truyền trên mạng xã hội, từ phiên bản ngắn trích từ phim hay phiên bản cover ascoustic của nhóm đều được cư dân mạng ủng hộ nhiệt liệt. Bạn nhất định phải nán lại đến phần credit phim để nghe!
Nhưng điểm trừ của bộ phim này (và tôi cũng tin chắc là lý do lớn nhất khiến phim không được giải Oscar như Spirited Away đã từng) chính là phần kết phim. Khi Mary trong cuộc chiến cứu Peter, mức độ cao trào của phim đáng lẽ phải được tăng mạnh thì lại giảm đột ngột, thử thách dành cho Mary quá dễ dàng khiến người xem hụt hẫng vì họ đang trông đợi một điều gì đó mang tính vỡ oà cảm xúc sẽ diễn ra.
Điểm của Kilala: 8.5/10
Quay trối chết
Bộ phim điện ảnh bom tấn tại Nhật bám trụ top 10 bộ phim ăn khách nhất suốt 17 tuần liên tiếp, vượt mốc 2 triệu lượt xem với doanh thu 2,8 tỷ yên. Dù có kinh phí sản xuất siêu "khiêm tốn" chỉ 3 triệu yên (khoảng hơn 625 triệu VNĐ) và không hề có bất kỳ ngôi sao hay thần tượng nào góp mặt nhưng nhờ nội dung vô cùng đặc sắc và thú vị, bộ phim đã thành công vượt ngoài mong đợi. Khi dự kiến chỉ chiếu tại 2 rạp phim ở Tokyo, nay con số rạp phim đã tăng lên đến 340 rạp toàn Nhật Bản và được giới phê bình hết lòng khen ngợi. Phim mở đầu theo phong cách kinh dị và kéo dài bằng một đoạn phim one shot 37 phút với những góc quay khá “kì cục” và cốt truyện khó hiểu, diễn viên nói chuyện không “ăn nhập” với nhau. Thế nhưng, sau 37 phút ấy, câu chuyện mới thật sự bắt đầu và mang đến cho khán giả rất nhiều tiếng cười và cảm xúc. Bộ phim giúp cho những người còn e dè với điện ảnh hiểu được công sức để làm ra một bộ phim, đặc biệt là phim kinh dị, hiểu được sự “yêu nghề” của đạo diễn và cả ekip làm phim.Điểm của Kilala 9.5/10
Xóm lưu vong
Xem Yakiniku Dragon sẽ có cảm giác lộm cộm vì thoại nhân vật đan xen tiếng Nhật và tiếng Hàn. Một người bạn của tôi còn nhận xét rằng phim pha chất Hàn khá nhiều. Điều này là tất nhiên vì đạo diễn của phim là Wui Shin Chong - một người Nhật gốc Hàn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng bộ phim lộm cộm không phải vì sướt mướt kiểu Hàn mà vì khai thác tinh tế vấn đề Zainichi khá nhạy cảm trong xã hội Nhật bằng một lát cắt mối quan hệ gia đình người Triều Tiên lưu vong dần dần từ bỏ mong ước trở về quê hương, cố bám trụ nơi đất khách, quê người.
Xuyên suốt bộ phim qua lời kể của chính ông chồng, bạn sẽ nghe về những sự kiện lịch sử của chiến tranh tàn khốc: Nhật chiếm đóng Triều Tiên, Nội chiến Nam - Bắc Triều Tiên, cuộc tàn sát đảo Jeju - thứ gián tiếp đã khiến họ kẹt trong bi kịch của chính mình, trong thân phận lưu vong.
Bạn cần một chút kiên nhẫn để coi đến hết bộ phim vì ⅔ phân cảnh đầu khá rối rắm. Phim không có tuyến nhân vật chính rõ ràng, để hiểu toàn bộ bộ phim người xem phải ghép tất cả các mảnh ghép của mỗi thành viên trong gia đình lại với nhau.
Khi kiên nhẫn đủ, cảm xúc rơi đúng độ chín, cái chết của Tokio sau một tiếng hét bị át đi bởi tiếng ồn của một chiếc máy bay vừa cất cánh, bạn sẽ bắt được dòng chảy cảm xúc của bộ phim thông qua lời kể của người cha. Ông mất một cánh tay trong chiến tranh, sống tha hương nhưng sự ra đời của các con, việc có một gia đình đã cho ông sức mạnh để vượt qua nỗi buồn của đời mình. Ông tâm niệm: “Cho dù hôm qua là bất cứ gì đi nữa, ngày mai vẫn là một ngày.”
Tất cả những hình ảnh, âm thanh tương phản với cuộc sống bế tắc của họ ấy tưởng chừng không liên quan, nhưng với mỗi người lại là một điều gì đó tốt đẹp hơn cuộc đời mà họ đang sống. Bộ phim kết lại với hình ảnh ngôi nhà tự động sụp đổ và người chồng dùng hết sức kéo chiếc xe chất đầy đồ đạc và người vợ về phía trước, về phía ngày tươi sáng hơn.
Có một điều tôi không thích ở bộ phim là tên tiếng Việt của nó. Dù cái tên "Xóm lưu vong" có thể phổ quát được phim nhưng khá khiên cưỡng và làm loãng tên gốc Yakiniku Dragon vốn biểu đạt cho tính riêng tư và cá nhân sâu sắc.
Đừng lo, bạn sẽ không sụt sùi suốt bộ phim đâu, có lúc bạn sẽ rúc rích cười vì những câu nói đùa, những hành động hài hước của các tuyến nhân vật phụ. Đây có lẽ là điều khiến bạn tôi phải thốt lên rằng phim đậm chất Hàn.
Điểm của Kilala 9/10
Truyền thuyết đảo cây cừu
Là một trong hai bộ phim được gắn mác 18+ trong LHP lần này, Truyền thuyết cây cừu (Hitsuji no Ki) còn gây thêm ấn tượng với thể loại kinh dị, trinh thám. Nếu bạn là fan Conan, hay yêu thích những bộ phim truy tìm thủ phạm, sát nhân của Mỹ thì đây có lẽ là sự lựa chọn thú vị. Bên cạnh câu chuyện về sự tái hòa nhập cộng đồng của 6 tù nhân được tha tù trước thời hạn, phim còn đề cập đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp và truyền tải những thông điệp nhân văn.Truyền thuyết cây cừu thuộc dòng phim Live Action với kịch bản mô phỏng theo bộ Manga cùng tên được xuất bản lần đầu trên tạp chí Seinen Manga Evening cách đây 7 năm. Mạch phim xoay những khó khăn khi thực hiện chính sách tái hòa nhập cộng đồng cho tù nhân của các nhóm xã hội. Đó là những người tù đối mặt với sai lầm của chính mình, cộng đồng địa phương khi phải thích nghi với những con người có hoàn cảnh đặc biệt và các tổ chức xã hội trong quá trình gắn kết hai nhóm đối tượng trên. Đây cũng là thực trạng chung, bắt nguồn từ văn hóa và định kiến xã hội mà nhiều quốc gia châu Á gặp phải. Từ mạch chính, nội dung phim đã trở nên nhẹ nhàng hơn khi lồng ghép những thông điệp nhân văn. Điển hình là tính hai mặt của mỗi con người, người từng phạm sai lầm nặng nề không phải luôn làm sai và người sống nghiêm túc thì cũng có lúc vì đố kỵ mà nói xấu người khác. Đặt trong bối cảnh phim thì tính hai mặt đã giúp cho hai nhóm xã hội khác biệt hoàn toàn xích lại gần nhau và cuối cùng, đích đến của họ đều là chữ thiện.
Cái hay của Hitsuji no Ki còn được thể hiện qua sự phối hợp khéo léo của các yếu tố nghệ thuật. Nếu chất nhạc Rock, bối cảnh vùng biển Uobuka tăm tối tạo sự kịch tính thì những yếu tố trào phúng được gia giảm đã cân bằng nhịp phim. Chẳng hạn như lời giới thiệu về Uobuka được lặp lại nguyên văn 6 lần của anh chàng Tsukisue hay những chi tiết gây hài trong giao tiếp hằng ngày của 6 phạm nhân với người dân. Dàn diễn viên gạo cội với những tên tuổi quen thuộc cũng được xem là yếu tố thu hút khán giả. Bạn có nhận thấy anh chàng Tsukisue quen không, gợi ý là chàng nhân viên công tác xã hội này từng xuất hiện trong bộ phim đình đám Một lít nước mắt đấy.
Điểm của Kilala 9/10
Chihayafuru Phần 3
Là phần cuối của series ăn khách “Chihayafuru” từng được giới thiệu trong “LHP Nhật Bản 2016”, phần 3 mở đầu khi Chihaya cùng những người bạn lên lớp 12 và tìm kiếm thành viên kế thừa câu lạc bộ bài Karuta. Chuyện tình cảm của bộ ba người bạn Chihaya – Taichi – Shin cuối cùng cũng đi đến hồi kết.
Không phụ lòng mong đợi của người hâm mộ, tác phẩm của đạo diễn Koizumi Norihiro tiếp tục mang đến những thước phim đẹp mắt, sống động với sự cộng hưởng nhuần nhuyễn của các yếu tố âm thanh, ánh sáng, gió, mưa, các góc quay lột tả biểu cảm của nhân vật… Đặc biệt, sự đan cài khéo léo của âm thanh lớn, âm thanh nhỏ và các cảnh quay “tĩnh” đã tạo ra hiệu ứng rất tốt cho các cuộc đấu bài. Tiếng đọc thơ, tiếng những bàn tay vỗ mạnh lên bề mặt chiếu, tiếng cổ vũ giữa những người bạn vang lên trên phông nền tĩnh lặng của buổi đấu bài đã tạo ra một “cái đẹp” tuyệt diệu về mặt âm thanh. Đạo diễn Koizumi đã kiểm soát rất tốt những gì được đưa lên màn hình. Tất cả đều tạo sự áp đảo và dẫn dắt cảm xúc của khán giả. Chỉ gói gọn trong vỏn vẹn 128 phút nhưng bộ phim thể hiện khá trọn vẹn linh hồn của mình, có thể đánh giá bằng một từ “xuất sắc”.
Về nội dung, như nhiều bộ phim truyền cảm hứng khác, series Chihayafu đã hoàn thành rất tốt vai trò quảng bá môn đấu bài Karuta truyền thống trên màn ảnh rộng. Bạn sẽ hiểu thêm về những bài thơ được sáng tác từ 1000 năm trước trên những tấm lá bài, về luật thi đấu Karuta, cũng như cảm nhận bầu nhiệt huyết của những người trẻ tuổi đang sống hết mình cho thanh xuân của mình. Xem Chihayafuru để thấy được tiếp thêm động lực, để tự hào khi được theo đuổi đam mê. Thông điệp mà tác phẩm truyền tải cho chúng ta chính là: Thắng hay bại đều không quan trọng, những kỉ niệm trải qua đều là quà tặng quý giá của quá khứ cho mỗi người khi bước vào đời.
Kilala đánh giá: 9/10
Câu lạc bộ Bóng bàn
Bên cạnh Chihayafuru, đây là bộ phim dành cho fan girl fan boy nền điện ảnh Nhật Bản khi phim quy tụ những nàng thơ điện ảnh Nhật như Yui Aragaki, Yu Aoi, Ryoko Hirosue; hoàng tử Eita từng xuất hiện trong hàng loạt bộ phim đình đám và rất nhiều "người quen cũ" như Fumiyo Kohinata - diễn viên đóng vai người bố trong phim Nếu một ngày thế giới không có điện của Liên hoan phim năm ngoái, Fuku Suzuki - một trong hai thần đồng diễn xuất của điện ảnh Nhật. Với hàng loạt tên tuổi hot, đây là lý do đầu tiên để khán giả phải đến rạp xem phim.Nếu Chihayafuru giới thiệu về nét văn hoá Nhật là bài Karuta thì Câu lạc bộ bóng bàn nói về bộ môn thể thao được rất nhiều người yêu thích: bóng bàn. Màu sắc phim tươi tắn nổi bật đúng tinh thần giới trẻ, nhạc phim hấp dẫn.
Nếu chỉ dừng lại ở đó thì điểm dành cho phim sẽ rất cao, nhưng cuối cùng, đánh giá khách quan so với các bộ phim khác trong Liên hoan phim Nhật thì phim có cốt truyện khá lỏng lẻo, motip quá đỗi quen thuộc nếu bạn là mọt phim Nhật. Phim chỉ tập trung vào hai nhân vật chính, phần đất dành cho câu chuyện 4 người còn lại trong đội lại nhạt nhoà quá mức thế nên rất nhiều chi tiết trong phim về các nhân vật tuyến phụ không được giải đáp dù rằng phim có nêu ra. Lại nói về hai nhân vật chính, dù rằng "chiếm sóng" khá nhiều nhưng tôi vẫn chưa cảm được tình cảm họ dành cho nhau cũng như dành cho bộ môn bóng bàn vì chưa có cao trào nào đủ mạnh để thể hiện điều đó. Thêm nữa, phim Nhật vốn rất mạnh giới thiệu cái hay cái đẹp của một nét văn hoá hay bộ môn thể thao nào đó thì trong phim này, yếu tố "bóng bàn" chưa lột tả đủ những ngón đòn lắt léo, những pha ra bàn gay cấn để khiến khán giả phải say mê bộ môn này.
Điểm gỡ gạc lại trong số các nhân vật có lẽ là bà chủ quán ăn người Hoa do Yu Aoi thủ vai. Vì đã quen rất nhiều vai diễn hiền dịu của Yu trong Osen hay trong Gia đình là tất cả (Liên hoan phim Nhật 2016) nên tôi thực sự bất ngờ trước hình ảnh tưng tửng của bà chủ Yo.
Điểm của Kilala: 7/10
Đan khít
Không thể bỏ qua bộ phim đầu tiên mở màn mùa Liên hoan phim Nhật hàng năm, vì phim phải có nét đặc biệt lắm mới được ra mắt đầu tiên. Nếu như năm ngoái phim An gây thổn thức cho người xem về những bệnh nhân mắc bệnh phong, thì năm nay Đan khít giúp chúng ta có cái nhìn cởi mở hơn với người chuyển giới.
Nhật Bản là quốc gia châu Á có tư tưởng bảo thủ cao nên cộng đồng người chuyển giới trước đây (và thậm chí cho tới bây giờ) vẫn phải chịu sự kì thị nặng nề của xã hội. Cậu bé Rintaro (Rinko hồi nhỏ) đã khổ sở thế nào trước sự thay đổi trong cơ thể mình nhưng cậu lại chẳng thể nói ai ngoài mẹ. Và ngay cả cậu bạn của Tomo đã phải uống thuốc tự tử vì mẹ cậu không chấp nhận con mình là người đồng tính. Nhưng bộ phim này ra đời đã phần nào cho thấy, xã hội Nhật Bản đã và đang có cái nhìn thiện cảm hơn với người chuyển giới. Cô nàng Rinko đã được sống đúng với hình hài mà cô mong muốn, với người đàn ông yêu cô thật lòng.
Nói về vai diễn chuyển giới đầu tiên của Toma Ikuta, tôi đã thật sự bất ngờ vì trước đây đã xem khá nhiều bộ phim sắm vai chuẩn men của anh. Xuất hiện trong phim này, tuy gương mặt góc cạnh cũng như đường nét thô ráp của nam giới của Toma vẫn rõ nét nhưng điểm đặc biệt nhất trong diễn xuất của Toma chính là tất cả các động thái mà Toma thực hiện đều rất nhẹ nhàng, từ trải bàn, xếp nệm, nấu ăn, chăm sóc người già cho đến việc đan móc đều rất... phụ nữ. Rinko do Toma đóng, tuy vẫn có chút nhạy cảm với ánh nhìn gay gắt của xã hội nhưng cô luôn nỗ lực trong cuộc sống để được mọi người công nhận. À, cô cũng rất thẳng tính và khá...bựa nên góp nhiều tiếng cười trong suốt 127 phút phim.
Điều còn khiến tôi tâm đắc trong phim này chính là hình ảnh những người mẹ, mẹ nên/ cần/ phải/ luôn là người bên cạnh con và ủng hộ con nhiều nhất. Mẹ của Rinko tuy đau lòng nhưng đã chấp nhận con người thật của con mình từ sớm và sẵn sàng hù doạ người khác nếu ai đó muốn làm tổn thương Rinko. Trái ngược với mẹ Rinko, mẹ của cậu bạn Tomo chính vì quá cố chấp đã đẩy con đến lựa chọn quẫn bách nhất. Mẹ của Tomo tuy không phải là người mẹ tốt vì những đấu tranh tâm lý của cá nhân cô nhưng cuối cùng, cô quyết định sửa sai và muốn trở thành mẹ tốt của Tomo. Mỗi người mẹ đều có một câu chuyện riêng nhưng họ đều cố gắng trở thành người mẹ tốt nhất cho con của mình.
Phim không thiếu những cảnh quay đậm chất Nhật, nào là hình ảnh bộ ba đạp xe dưới tán anh đào rực rỡ, nào là hình ảnh biển nên thơ trong buỗi lễ "tế" siêu đặc biệt...dành cho bạn muốn du lịch Nhật Bản qua phim ảnh.
Điểm của Kilala: 9.5/10