Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Review 6 phim đầu tiên của Liên hoan phim Nhật Bản

Phim Nhật Bản    • Nov 27, 2017

Bài: Ngô Phương Thảo, Tú Anh, Phương Anh

6 bộ phim (trong tổng 11 bộ phim) được công chiếu trong 2 ngày đầu tiên thu hút một lượng lớn khán giả tại rạp Cinestar, TP.HCM. 

An - vị ngọt đánh thức yêu thương

An – vị ngọt đánh thức yêu thương “khai trương”để lồng ghép hai giá trị văn hoá nổi bật của Nhật Bản, bánh Dorayaki và hoa anh đào. Thật tiếc là bộ phim này chỉ chiếu một suất duy nhất tại mỗi thành phố Hà Nội và HCM nhưng Kilala vẫn sẽ review để bạn đón xem nếu có dịp nhé.

“An – あん” chính là nhân đậu đỏ của bánh rán Dorayaki – món khoái khẩu của Doraemon. Sẽ rất sai lầm cho ai xem phim này mà... chưa ăn tối. Góc quay cận cảnh với gam màu mộc mạc những hạt đậu thô khi ngâm nước, rửa sạch, ninh nhừ...; cảnh chú Sentaro tỉ mẩn làm vỏ bánh bằng phương pháp Teppan dư sức “đánh thức” vị giác và niềm đam mê vào bếp của bạn. Bà Tokue nấu đậu rất nhẹ nhàng vì bà muốn “tiếp đãi” từng hạt đậu thật tử tế bởi chúng đã trải qua một hành trình dài từ ruộng đất đến tay mình.

Phim An

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Durian Sukegawa. (Ảnh: Japanesefimfest)

“An” còn khiến Kilala phải say mê trước những phân cảnh hàng cây anh đào đẹp lộng lẫy trên màn ảnh rộng. Dưới những cánh hoa anh đào, bà Tokue và ông chú Sentaro đã gặp nhau khi cả hai đều đang chịu bị “giam” trong những “ngục tù” của riêng họ. Cách bà Tokue ganh tỵ với các cô bé học sinh “Tuổi trẻ thật là thích”, “Tự do thật là quý” vì nhắc cho chúng ta nhớ, hãy trân quý từng khoảnh khắc mà bạn sống vì bạn có tự do để làm mọi điều bạn yêu thích. 

Kilala đánh giá: 9.75/10

/banner

Người phụ nữ nhân hậu

Một bộ phim hết sức cảm động, lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. “Người phụ nữ nhân hậu” tuy có cách mở đề khá giống với nhiều bộ phim: cô Futaba mắc căn bệnh ung thư và chỉ còn vài tháng để sống nhưng cách thiết lập các tình tiết câu chuyện lại mang gam màu tươi sáng và đưa đến nhiều bài học đáng suy ngẫm.
- Khi con bạn liên tục bị bắt nạt trong trường học, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ mách giáo viên hay chuyển trường cho con? Với Futaba, cô để con gái 16 tuổi hãy tự nghĩ cách đứng lên để bảo vệ chính mình. Tuy là cách đáp trả của cô bé Azumi có phần hơi... đặc biệt, nhưng cô bé đã lấy lại được bộ y phục bị đánh cắp.
Phim Người phụ nữ nhân hậu
(Ảnh: Japanesefimfest)

- Khi bạn nhận được tin chồng bạn dọn về sống với một phụ nữ khác và có cả con gái riêng, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ... đánh ghen và buộc chồng phải về? Với Futaba, bên cạnh chuyện thuyết phục chồng trở về nhà, cô còn nhận nuôi cả con riêng và yêu thương cô bé nhưng vẫn để cô bé yêu thương mẹ ruột của mình.

- Khi bạn phát hiện người mình đối xử tốt lại nói dối mình, bạn sẽ làm gì? Với Futaba, cô đã dùng tình thương của mình để cảm hoá chàng trai trẻ.

Còn rất nhiều điều ý nghĩa bạn có thể khám phá thêm người phụ nữ đáng quý này qua 125 phút của bộ phim. Nếu đã đọc Kilala Vol 28 và bạn muốn biết thêm về hình thức tắm Sento thì nên xem ngay phim này vì Futaba và chồng là chủ của một nhà tắm công cộng.

Kilala đánh giá: 9.5/10

Nếu một ngày thế giới không có điện?

24 giờ/ 7 ngày, 365 ngày/ năm và kéo dài từ năm này sang năm khác, cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với nguồn điện. Vậy nếu một ngày, hệ thống điện trên thế giới bị ngắt hoàn toàn và tình trạng này kéo dài... hơn hai năm thì bạn sẽ ra sao?

Điện biến mất không chỉ đơn giản giống như việc bạn ngắt cầu dao nhà mình mà kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ khác như không có nước (nước được truyền tới nhà bạn thông qua những nhà máy lọc nước chạy bằng điện), phương tiện di chuyển duy nhất còn hoạt động được là... xe đạp và các loại xe chạy bằng sức người (vì xe máy, xe hơi, máy bay... đều có bộ phận ắc quy điện), thành phố hoàn toàn không có thức ăn (vì không có xe chuyên chở đồ ăn từ các nơi về thành phố)... Cả gia đình 4 người nhà Suzuki buộc lòng phải di chuyển từ thành phố Tokyo đến vùng biển quê ngoại ở Kagoshima bằng xe đạp (quãng đường tương đương bạn đạp xe từ thủ đô Hà Nội đến Nha Trang) và hành trình sẽ kéo dài tầm... hai tháng. 

(Ảnh: Japanesefimfest)

Với tình huống mà bộ phim đặt ra, chúng ta mới nhận ra là bài học về kĩ năng sinh tồn quan trọng như thế nào. Cách nhóm củi, cách xem bản đồ, cách đóng bè, tìm nguồn thức ăn/ nước uống thay thế ở đâu khi mọi lương thực bạn mang theo đều đã dùng hết, cách... bắt heo, cách chặt thịt... Con người sinh ra từ thiên nhiên nên khi mọi công nghệ hiện đại biến mất, nếu muốn tồn tại, bạn phải thích nghi để sống cùng thiên nhiên.

Bảo đảm với thời lượng 117 phút của bộ phim, không dưới chục lần bạn sẽ phải bật cười với những tình huống mà gia đình nhà Suzuki gặp phải cũng như những giải pháp “bá đạo” đến không ngờ của phim vì bộ phim này được “nhào nặn” bởi bàn tay của đạo diễn Shinobu Yaguchi vốn rất nổi tiếng với các bộ phim hài như Waterboys, Swing Girls... 

Kilala đánh giá: 10/10

Bí mật khách sạn Honnouji

Một trong những bộ phim hút khách nhất trong 2 ngày khai mạc tại TP.HCM, “Bí mật khách Sạn Honnouji” kể về cô gái trẻ Mayuko vừa bị thất nghiệp do công ty phá sản, đến Kyoto và trọ tại khách sạn Honnouji. Do tác động của chiếc đồng hồ cổ, khi ăn kẹo và bước vào thang máy, cô bỗng xuyên không về quá khứ 400 năm trước và gặp lãnh chúa Nobunaga Oda. Một cô gái không biết mình muốn làm gì, “cái gì cũng được” và bị người yêu “dụ” kết hôn để ở nhà làm nội trợ lại gặp “Lãnh chúa quỷ vương” đặt nền móng cho cuộc thống nhất Nhật Bản gây nhiều tình huống rất hài hước. 
Chính khí chất và hoài bão của lãnh chúa Nobugana đã thức tỉnh Mayuko, khiến cô nhận ra mình có muốn kết hôn hay không, mục đích sống và công việc mong ước của bản thân là gì. Sự xuất hiện của cô cũng làm cho lãnh chúa bớt “ác” và sẵn sàng chơi đùa với các thuộc hạ của mình. Liệu Mayuko có thể thay đổi lịch sử, giúp lãnh chúa không tự sát hay không? Hãy xem phim để biết nhé!
Phim Bí mật khách sạn Honnouji
(Ảnh: Japanesefimfest)
Về mạch phim, việc để nhân vật chính liên tục trở về quá khứ, chỉ quay về hiện tại khi có khách bước vào khách sạn và bấm chuông khiến kịch bản có phần khiên cưỡng. Thế nhưng đây chính là điều tạo tiếng cười khi đã tạo ra hàng loạt cảnh dở khóc dở cười của nhân vật chính trong thang máy. Dàn diễn viên trong phim có diễn xuất rất tốt: Haruka Ayase đã lột tả thành công vai diễn với vẻ ngoài hiền dịu nhưng có nội tâm vô cùng mạnh mẽ, Shinichi Tsutsumi trong vai lãnh chúa không thể ngầu hơn và đầy khí phách trong từng cử chỉ, lời nói. 

Một điểm cộng khác của phim chính là bối cảnh đậm chất cổ xưa ở vùng Kyoto. Từ khách sạn mà Mayuko ở, ngôi chùa Honnouji... cho đến những vật cổ dưới thời Nobunaga Oda như đồng hồ được khắc hoạ rất rõ nét. Nếu có dịp đến Kyoto, bạn nhớ ghé thăm ngôi chùa Honnouji này nhé. (Chùa Honnouji đã bị thiêu huỷ cùng với cái chết của Nobunaga Oda vào năm 1582, sau đó ngôi chùa này được xây dựng lại vào năm 1589 ở nơi khác).

Kilala đánh giá: 9/10 (Một điểm trừ nhỏ do cách xử sự của Mayuko đối với người yêu trong cảnh cuối khá… lạnh lùng)

Những mảnh ghép cuộc sống

Về cấu trúc, đây là bộ phim đặc biệt nhất trong LHP năm nay khi là chùm 3 phim ngắn - 3 góc nhìn về người nhập cư. 
Những mảnh ghép cuộc sống

Phim thứ nhất là Dead Horse của đạo diễn Philippines kể về một người đàn ông Philippines nhập cư bất hợp pháp ở Nhật và đam mê đua ngựa. Sau hơn 20 năm, ông bị trục xuất về Manila, với một chân còn bị thương do ngã ngựa. Một vợ và 1 con đã mất, một con trai thì làm ăn xa và không muốn gặp mặt ông vì ông đã từ bỏ gia đình, nhà em trai thì quá nghèo để có thể chăm sóc thêm một người. Đó là lí do khiến ông cảm thấy xa lạ với chính quê hương mình và luôn hướng về nước Nhật. Hình ảnh một chú ngựa thua bị bắn khiến ông cảm thấy sợ hãi như đó là chính bản thân mình.

Pigeon, phim thứ hai, do đạo diễn Nhật Bản thực hiện kể về một ông lão Nhật cô đơn, hơi lú lẫn, thích nuôi chim bồ câu sống ở một căn nhà tại Malaysia do con trai làm ăn xa chu cấp. Việc một cô gái giúp việc mới biết tiếng Nhật (tự học qua xem anime và tôn “Thuỷ thủ mặt trăng” là cô giáo của mình) đến chăm sóc ông tạo ra nhiều tình huống hài hước và cảm động. Hình ảnh những chú chim bồ câu được ông lão thả đi và bay về cũng tạo ấn tượng cho người xem về lòng trung thành, lòng tin vào cuộc sống. Phim có một kết thúc buồn nhưng vẫn mở ra niềm tin và hi vọng mới. 

Phim Pigeon
(Ảnh: Japanesefimfest)

Phim ngắn cuối cùng – Beyond the Bridge do đạo diễn Campuchia thực hiện là câu chuyện tình lãng mạn giữa một chàng trai Nhật và cô gái bản địa, giữa bối cảnh nội chiến Khmer vào thập niên 1970. Bộ phim tình cảm nhưng lồng ghép nhiều yếu tố về lịch sử, văn hoá, khiến người xem đau lòng với những cảnh tượng về chiến tranh nhưng cũng mê hoặc bởi những điệu múa Phnom Penh truyền thống, hình ảnh hoa nhài xuất hiện rất nhiều trong phim gắn liền với vẻ đẹp của người phụ nữ Campuchia.

Phim Beyond the bridge
(Ảnh: Japanesefimfest)

Khi ghép lại thành một phim dài, cả ba phim ngắn đều gợi được những cảm xúc mạnh mẽ cho người xem, với những câu chuyện đời thường xảy ra ở châu Á. Được biết, trong những phim tiếp theo của dự án sẽ hướng tới các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Myanmar, Lào, Việt Nam… và sẽ chọn lựa những đạo diễn nổi bật ở từng nước để thực hiện.

Kilala đánh giá: 8/10 (Do lồng ghép nhiều tư liệu về lịch sử, phim ngắn Beyond the Bridge cuối cùng mang lại cảm giác mạch phim hơi chậm. Đừng quên xem phần credit phim để thấy được những cảnh Behind the scene của 3 phim nhé)

Ánh sao mai ban ngày

Bộ phim kể về cô nữ sinh Suzume Yosano vừa mới chuyển từ vùng nông thôn lên Tokyo học tập. Ngày đầu tiên đến Tokyo, cô đã được một người đang ông lạ mặt giúp đỡ. Như định mệnh, họ gặp lại nhau ở trường học, hóa ra người giúp đỡ cô chính là thầy Satsuki Shishio – giáo viên chủ nhiệm của cô. Suzume thích thầy Shishio nhưng cậu bạn bàn bên - Daiki Mamura nổi tiếng dị ứng với con gái lại tỏ tình với cô, trớ trêu thay cô bạn Suzume rất quí lại đem lòng yêu mến Daiki Mamura.  Tình yêu như một con đường mà những người đi trên nó luôn muốn đó là đường tắt nhưng hóa ra lại là đường vòng, phải đi xa hơn và lâu hơn để nhận ra ai mới là đích đến của mình.
Ánh sao mai ban ngày
(Ảnh: Japanesefimfest)
Bạn sẽ thấy những năm tháng “thanh xuân” trong ánh sao băng ban ngày, khi mà mỗi người không cần biết đang ở tư cách nào, giáo viên hay học sinh? Chỉ cần trúng tên thần Cupid thì luôn có tư cách yêu. Dũng cảm bày tỏ sẽ có thể sẽ bị tổn thương nhưng ít ra luôn tồn tại phần trăm cơ hội được hồi đáp. Nén giữ trong lòng thì chắc chắn là nuối tiếc. Ai trong số họ sẽ tiếc nuối vì không nói ra tình cảm trong lòng mình? Bạn sẽ có câu trả lời ở cuối phim.

Chất phim đẹp như “thần thoại” nắng trong veo, bao phủ một màu xanh mát của mùa hè, nhuốm vàng của lá thu và phớt hồng của những cánh anh đào trong gió. Tình tiết phim đơn giản nhưng lời thoại hài hước khó đoán. Là một bộ phim khá an toàn từ cốt truyện đến diễn xuất của diễn viên, tình tiết nhẹ nhàng, không có cao trào rất thích hợp với những buổi tối cuối tuần.

Kilala đánh giá: 8/10 (Khuyến cáo những nàng mộng mơ: Hãy nhắc mình tỉnh táo trước nụ cười toả nắng của thầy Shishio và vẻ lạnh lùng nhưng ấm áp của Mamura.)
Xem lịch chiếu phim tại ĐÂY

Đón xem review phim Relife - Làm lại cuộc đời nằm trong LHP Nhật Bản vào ngày 28/11

Kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top