Kuchibiru Ni Uta Wo - khúc ca dịu dàng ôm lấy những nỗi đau
Phim Nhật Bản
Bài: Khánh Hà
Nếu được dùng một từ để nói về bộ phim Kuchibiru Ni Uta Wo (くちびるに歌を; Tạm dịch: Khúc ca trên môi), tôi sẽ nghĩ ngay đến hai tiếng “dịu dàng”. Bởi lẽ trải khắp phim là những sự dịu dàng dành cho nhân vật và người xem. Dịu dàng đau thương, dịu dàng rơi lệ, dịu dàng mỉm cười, dịu dàng trưởng thành, dịu dàng sẻ chia và dịu dàng yêu thương. Khi những cuộc đời đan xen vào nhau, chẳng ai thật sự biết cách đi qua hết những nỗi đau của mình cả, chỉ là tất cả dành cho nhau những cái nhìn dịu dàng nhất, chạm đến nhau bằng những cử chỉ yêu thương nhất, và cố gắng cùng nhau bằng thứ năng lượng mạnh mẽ nhất.
Câu chuyện được xây dựng ở một hòn đảo nhỏ mang tên Goto với những con người vô cùng bình thường, cùng với những câu chuyện đời thường nhưng đau lòng. Ngôi trường Trung học Goto nằm trong lòng hòn đảo này là nơi câu chuyện bắt đầu, khi một giáo viên dạy nhạc được mời về dạy trong thời gian một năm và cô cũng được giao trọng trách dẫn dắt câu lạc bộ hợp xướng của trường tham gia cuộc thi hợp xướng khu vực. Lấy âm nhạc làm chất liệu xây dựng toàn bộ câu chuyện, bộ phim khiến người xem cảm thấy như lòng mình được vỗ về và tắm mát bằng những khúc ca.
Khi ai cũng mang lấy những niềm đau riêng
Kuchibiru Ni Uta Wo kể về những nhân vật rất bình thường, tất cả họ giống như bất cứ ai trong chúng ta, có những hạnh phúc, đau lòng, nước mắt, nụ cười, có cả những sợ hãi, trốn tránh và những khoảnh khắc ích kỷ. Tựu chung lại, bộ phim kể về những con người rất "người":
Đó là Yuri, một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở Tokyo nhưng lại luôn ám ảnh một suy nghĩ rằng tiếng đàn của mình sẽ chỉ mang lại bất hạnh cho người nghe. Cô chọn cách trốn chạy sau nỗi đau mất đi người yêu thương nhất, người mà cô luôn ngỡ sẽ lắng nghe mình chơi đàn cả đời. Cô sợ hãi những phím đàn như sợ hãi việc mình chẳng bao giờ có thể khiến người khác hạnh phúc bằng tiếng đàn của mình. Như một cách để xoa dịu nỗi đau, Yuri từ bỏ tất cả và thu mình lại để vuốt ve vết thương ấy.
Đó là Nazuna, cô bé luôn tích cực và vui vẻ nhưng ẩn sau nụ cười tươi sáng ấy là nỗi đau khi bị bố ruột bỏ rơi, và sự dằn vặt khi cho rằng chính mình là nguyên nhân khiến mẹ không được hạnh phúc. Nazuna giống như bất kỳ đứa trẻ 15 tuổi nào đã từng bị tổn thương, luôn cố gắng sống thật tốt để cảm thấy hạnh phúc, nhưng chỉ cần một giọng nói hay dáng hình kia xuất hiện, vết thương lại hở miệng, đau đớn và xót xa đến vô cùng.
Đó là Satoru luôn lặng lẽ đến trường và đón anh trai về nhà sau giờ học, một cậu bé luôn hiểu rằng mình được sinh ra để bảo vệ người anh tự kỷ tội nghiệp nên chẳng bao giờ dám đòi hỏi một điều gì, chỉ trừ việc được hát. Cậu bé hoàn toàn sống đúng như mục đích được bố mẹ sinh ra đó là bảo vệ người anh trai tự kỷ, và trong những năm tháng tuổi trẻ ấy, cậu đã từng muốn anh biến mất.
“...Trái tim duy nhất trong tôi đã vỡ quá nhiều lần
Tôi ở hiện tại này, đang sống giữa cơn đau nhói…”
Câu hát dành cho những nhân vật trong bộ phim và dành cho tất cả những ai đang sống. Vì lẽ mỗi người đều mang lấy những nỗi đau riêng mà sống, lớn lên và trưởng thành.
Âm nhạc và yêu thương sẽ xoa dịu hết thảy
Có thể đến cuối cùng, những câu chuyện kia vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, cô Yuri vẫn sẽ có đôi khi đau lòng khi nhớ về người ấy, Nazuna vẫn sẽ phải khóc vì người bố tệ bạc hay Satoru sẽ vẫn là người bảo vệ của anh mình; nhưng có một điều đó là tất cả đều đã được xoa dịu bằng âm nhạc và bằng những yêu thương. Và dẫu cho có khó khăn đến thế nào đi nữa, thì những đôi chân ấy vẫn có thể bước tiếp.
Kuchibiru Ni Uta Wo có những đoạn cao trào nhưng rất ngắn, và cách để giải quyết những cao trào ấy cũng vô cùng đơn giản, có khi chỉ là một lời nói, một câu hát, một cái vỗ vai, một chút quan tâm. Vì có lẽ cuộc đời cũng chỉ cần những điều đơn giản như thế để một người có thể mỉm cười và can đảm bước tiếp. Nỗi đau dẫu có lớn đến thế nào thì để chữa lành vẫn cần những mầm yêu nhỏ bé.
Những phân cảnh rất nhỏ trong phim đều có thể khiến người xem bật khóc. Như khi cậu bạn Keisuke trầm ngâm bên khung cửa sổ và tự hỏi Nazuna đang gặp chuyện gì mặc cho cô bé đang chơi đùa cùng bạn bè vô cùng vui vẻ. Như khoảnh khắc bài hát Tegami được cất lên trong khán phòng và từng câu chuyện của các nhân vật được lướt qua. Hay như phân cảnh cuối cùng khi tất cả những học sinh tham gia cuộc thi hợp xướng cùng cất lên tiếng hát dành tặng người anh bị tự kỷ của Satoru. Thật sự là một bộ phim dịu dàng, những phân cảnh nhỏ cũng dịu dàng đến vô cùng, với cả nhân vật và người xem, như tôi.
Âm nhạc trong bộ phim hoàn toàn phát huy được tác dụng của nó, đó chính là tạo nên sự đồng cảm và chữa lành. Bất cứ khi nào âm nhạc trong phim cất lên, tôi đều phải cảm thán rằng âm nhạc, thật đẹp, vốn dĩ đã như thế nhưng trong Kuchibiru Ni Uta Wo nó lại càng đẹp hơn nữa. Bộ phim đã thành công khi để âm nhạc trở thành sợi chỉ đỏ gắn kết các nhân vật và xoa dịu những nỗi đau, như dòng nước mềm mại len lỏi vào trong tim mỗi người, âm nhạc đã tự nó trở thành liều thuốc.
Kuchibiru Ni Uta Wo sẽ là một bộ phim dành cho những ai muốn tìm kiếm chút dịu dàng cho chính mình sau những bộn bề và mỏi mệt ngoài kia. Bộ phim với bài hát Tegami và thông điệp “Hãy cứ tiếp tục sống dù mọi thứ có khó khăn ra sao” có thể là một trạm dừng chân sạc năng lượng phù hợp cho bất kỳ ai. Nghỉ ngơi, xem phim rồi sống tiếp, thế thôi.
Cùng lắng nghe giai điệu nhẹ nhàng du dương của bài hát Tegami tại đây nhé!
kilala.vn