Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Thiền họa: nghệ thuật nắm bắt tinh thần giác ngộ Thiền

Nghệ thuật Nhật Bản    • May 18, 2020

Bài: Hoàng Long
Ảnh: PIXTA

Đối với người Nhật Bản, Thiền đã trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hóa, được áp dụng trong cuộc sống, kiến trúc, đặc biệt là trong nghệ thuật. Chính Thiền đã mang lại cho nghệ thuật Nhật Bản một hơi thở mới. Dưới ảnh hưởng của Thiền, nghệ thuật Nhật Bản thời Kamakura (1185 - 1333) và Muromachi (1333 - 1568) chủ yếu là hội họa dùng mực, không dùng màu với phong cách thấm đượm tính chất lý tưởng chủ quan. Những bức tranh đậm đà Thiền vị của các Thiền sư trong số đó được gọi là Thiền họa (禅画/Zenga).

1. Đặc trưng của phong cách Thiền họa

Qua mỗi tác phẩm Thiền họa, chúng ta có thể nhận biết được tinh thần của người vẽ. Tinh thần này là độc đáo vô song và không ai có thể bắt chước được. Những nét mực nhanh và dứt khoát khi vẽ chính là để người vẽ bắt lấy tinh thần ngay trong dòng vận động. Do vậy một tác phẩm cũng là một thực tại tròn đầy, là chính bản thân nó chứ không phải là cái gì khác.

Về dụng cụ vẽ

Cọ dùng để vẽ Thiền họa có đặc trưng là được làm bằng lông dê hay lông thỏ; mực được làm từ bồ hóng; giấy mỏng, dễ thấm mực. Đặc trưng này cũng là lí do khiến người vẽ phải vẽ thật nhanh và dứt khoát, chỉ vẽ những đường nào tuyệt đối cần thiết. Nếu chỉ một phút giây do dự, mực sẽ làm thủng giấy và khi đã vẽ xong thì không thể nào sửa chữa hay bôi xóa được.

Về phong cách thể hiện 

Có thể nhận biết Thiền họa qua 4 đặc trưng sau:

-Đề tài:thường liên quan đến các giai thoại Thiền như chân dung của Bồ Đề Đạt Ma, Bố Đại; những pháp khí trong Thiền Tông như trụ trượng, gậy trúc, vòng tròn (viên tướng); những câu Thiền cú… Ngoài ra thiên nhiên luôn là đề tài ưa thích của các họa sĩ Thiền sư.

-Phong cách nhất giác (一角), giảm bút thể:chỉ dùng vài đường vẽ hay nét bút để phác họa hình tượng trên lụa hay giấy. Có thể gọi đây là trường phái tối giản, “nét ngang gợi ý về tính chất bao la của không gian và một vòng tròn là cái vĩnh cửu của thời gian không những vô hạn mà còn sống động” (Thiền sư Suzuki). Với thực tại tròn đầy và thâm sâu không có cách gì diễn tả trọn vẹn ngoài cách tự mình cảm thụ bằng trực giác, người họa sĩ Thiền bắt buộc phải dùng những đường nét cơ bản để gợi mở cái mênh mông sống động của thực tại cho người thưởng ngoạn. Trong Thiền họa, một đường nét cong vút cũng có thể gợi mở cho ta cảnh núi rộng sông dài.

Nantenbo - Nantenbo Nakahara
Nantenbo/ Nantenbo Nakahara

-Phi đối xứng, tàn khuyết (không hoàn mỹ):đối xứng chính là chết cứng. Theo Thiền sư Suzuki, “đối xứng có thể tạo nên cảm giác trang nghiêm và ưu mỹ nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến tình trạng chồng chất về khái niệm trừu tượng và chủ nghĩa hình thức”, điều mà các Thiền giả rất không ưa. Vì thế, các họa sĩ để thường trống phần giữa bức tranh, vì theo họ “viên mãn chính là tàn khuyết”. Chính vì coi trọng sự không hoàn hảo nên nghệ thuật mới mang tính vận động bất tuyệt của dòng đời. Vì không hoàn hảo nên mới có thể luôn luôn tinh tấn, vươn lên cao hơn nữa để chạm đến cái đẹp tuyệt đối. 

-Cảm thức Sabi (寂):Sabi (nhàn tịch) được định nghĩa là trạng thái cô đơn tuyệt cùng. Cảm thức thẩm mỹ này bàng bạc trong nghệ thuật Nhật Bản, nhất là Thiền họa và thơ Haiku. Căn cốt của khái niệm này chính là việc chấp nhận sự cô độc hiện hữu trong con người và cố gắng kiếm tìm cái đẹp ngay trong sự cô độc. Bên cạnh đó, khi viết thư pháp hay vẽ tranh, các Thiền sư không nhắm đến các tiêu chuẩn nghệ thuật truyền thống mà nhắm ý chuyển tải tinh thần sống động của giác ngộ Thiền, một kiểu phi nghệ thuật. Những bức tranh Thiền tràn đầy sự tươi mát và từ bi làm cho người xem có được một cảm giác an nhiên thanh thoát. Những dấu mực và bức họa nhằm mục đích giúp con người “kiến tính”, tức là nhìn sâu vào chính bản thân mình, đã trở thành những kiệt tác nghệ thuật.

Bố Đại - Katsushika Hokusai
Bố Đại/ Katsushika Hokusai
/banner

2. Hakuin Ekaku và Sengai Gibon: 2 họa sĩ Thiền vĩ đại

Trong số những Thiền sư họa sĩ Nhật Bản có những tác phẩm được yêu thích nhất, Thiền sư Hakuin Ekaku (1686 - 1769) và Sengai Gibon (1750 - 1837) là hai vị đứng đầu tiên.

Cả hai Ngài đều là những thiền sư, họa gia lỗi lạc. Nếu đặt song song tương chiếu tác phẩm của hai Ngài với nhau, chúng ta sẽ thấy được những đặc trưng của loại hình Thiền họa Nhật Bản: tươi mát, sống động, trong sáng, giàu lòng từ bi của những tâm hồn giác ngộ. Trên hết, tác phẩm của hai Ngài khai sáng cho chúng ta một chân lý về nghệ thuật muôn đời: Sáng tạo thực sự phải đến từ suối nguồn tâm linh, không phải chỉ bằng những xảo diệu kỹ thuật. Tinh thần Thiền bàng bạc trong tác phẩm chỉ có thể cảm nhận khi lắng sạch tâm mình, đối diện tự thân trong im lặng tịch mặc. Những tác phẩm của hai Thiền sư đều đã trở thành bảo vật nghệ thuật vô giá, khơi dậy niềm cảm hứng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong những con người bình thường.

Thiền sư Hakuin Ekaku

Thiền sư Hakuin có một cuộc đời huyền thoại. Chính Thiền sư đã góp phần chấn hưng dòng Thiền Lâm Tế và đề ra công án nổi tiếng “tiếng vỗ của một bàn tay” và ba trụ Thiền nếu muốn được giác ngộ “đại tín tâm, đại nghi đoàn, đại phấn chí”.

Trong tác phẩm “Ba trụ Thiền”, tác giả Phillip Kapleau đánh giá Thiền sư Hakuin là “một họa sĩ thiên tài, một nhà thư pháp xuất chúng và một điêu khắc gia tài ba”.

Trong một bức tranh nổi tiếng mà sư vẽ Đạt Ma sư tổ, sư sử dụng những nét bút đậm, đầy đặn, đường nét phân minh, phản ánh sự trong sáng trong tâm người vẽ. Đó là một Đức Phật sống động, không có một mảy may do dự trong ánh mắt của người đã thấu triệt lẽ giác ngộ. Nhờ bức tranh đó mà Hakuin được người đời ngợi khen là “năm trăm năm mới xuất hiện một lần”.

Ngoài các bức tranh lấy đề tài Thiền, sư Hakuin còn rất say mê núi Phú Sĩ và để lại nhiều bức tranh về đề tài này.

Chân dung tự họa của Hakuin
Chân dung tự họa của Hakuin Ekaku
Đức Đạt Ma - Hakuin Ekaku
Đức Đạt Ma/ Hakuin Ekaku. Đề từ trên bức họa là hai câu nổi tiếng của đức Đạt Ma: “Trực chỉ nhân tâm – Kiến tính thành Phật”

Thiền sư Sengai Gibon

Thiền sư Sengai sinh trưởng trong một gia đình nông thôn ở Gifu. Sư xuất gia năm 11 tuổi, sau khi ngộ đạo thì được cử đến chùa Shofuku (Thánh Phúc tự) và trở thành trụ trì đời thứ 123. Đến năm 61 tuổi sư giao lại cho đệ tử và lui về ẩn dật ở vùng Kyohaku.

Sau khi ẩn dật sư mới bắt đầu sáng tác nghệ thuật trong sự hòa hợp với thiên nhiên. Người dân trong vùng rất yêu mến sư, hay tìm đến tỉnh cầu sư tặng cho bức tranh hay thư pháp. Tranh của sư thể hiện một tâm hồn thuần khiết và tự tại, không kém phần tinh tế. Những bức tranh rất sâu thẳm nhưng không quá nặng nề như tranh của Thiền sư Hakuin.

Đề tài yêu thích của Thiền sư Sengai là chân dung Bố Đại, cũng chính là hình ảnh của sư.

Viên tướng/ Sengai Gibon
Viên tướng/ Sengai Gibon. Vòng tròn để trống phần giữa tượng trưng cho sự rỗng rang vô ngại, trống không nhưng tràn đầy của Phật Pháp
○△□ - Sengai Gibon
○△□ / Sengai Gibon

3. Thiền họa trong đời sống Nhật Bản hiện đại

Từ sau thời Hakuin và Sengai, Thiền họa chẳng những không lụi tàn mà vẫn phát triển mạnh mẽ đến tận ngày hôm nay. Trong giới họa gia liên tục xuất hiện những họa sĩ chuyên về Thiền họa như Nantenbo Nakahara (1839 - 1925), Genpo Yamamoto (1866 - 1961), Seisetsu Seki (1877 - 1945), Deiryuu (1895 - 1954), Zenkei Shibayama (1894 - 1974), Keido Fukushima (1933 - 2011)… Các lớp giảng về Thiền họa không ngừng được tổ chức, những tập sách về các tác phẩm Thiền họa nổi tiếng liên tục được ấn hành cả bằng tiếng Nhật lẫn tiếng Anh.

Ngày nay, Thiền nói chung đã trở thành một phương pháp trị liệu tinh thần trước những căng thẳng mệt mỏi. Người Nhật tìm đến Thiền để tìm kiếm lại sự tĩnh tâm và niềm an lạc trong cuộc sống. Bên cạnh việc tọa thiền, Thiền họa cùng với các công án đã trở thành một phương tiện thiện xảo để giúp “kiến tính”, tìm kiếm bản ngã mình trong sự hòa hợp với vũ trụ và tự nhiên. Vài nét gợi mở trong một bức Thiền họa có thể giúp con người nhận ra những điều tinh tế của cuộc sống mà chúng ta thường hay bỏ qua. Đó là con đường nối kết ta với người khác, với cả vũ trụ chan hòa. Do đó Thiền họa không chỉ đơn thuần là một bức tranh, nó chính là cuộc sống.

kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top