Tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể chiêm ngưỡng qua kính hiển vi
Nghệ thuật Nhật Bản
Nguồn: asahi.com
Ông Osamu Oku, 52 tuổi được cho là một trong số rất ít nghệ sĩ tảo cát trên thế giới. Trong một thập kỷ qua, ông Oku đã tạo ra khoảng 600 tác phẩm tảo cát và xuất bản một cuốn sách vào mùa thu năm 2020, nội dung bao gồm ảnh chụp những tác phẩm cùng các phương pháp sáng tạo mà ông sử dụng, đưa độc giả đến gần với một thế giới vi mô đầy bí ẩn.
Tảo cát hay tảo silic là một loại thực vật phù du được tìm thấy ở các đại dương, sông ngòi và và có lớp vỏ trong suốt. Có khoảng vài chục nghìn loài tảo cát, hầu hết có kích thước 0,1mm hoặc nhỏ hơn và có các hình dạng như hình tròn, tam giác và bầu dục. Chúng có thể được sắp xếp cạnh nhau để tạo ra các mô hình hình học, khuôn mặt, phong cảnh và các bố cục khác. Nhiều tác phẩm thậm chí còn nhỏ hơn một hạt gạo và mắt thường không nhìn thấy được. Tuy nhiên, dưới kính hiển vi, vẻ lấp lánh và màu sắc của chúng thay đổi theo cách mà ánh sáng chiếu vào, trông như kính vạn hoa.
Nghệ sĩ Oku bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của tảo cát khi ông còn là sinh viên cao học tại Đại học Thủy sản Tokyo (nay là Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo). Ông tiếp tục nghiên cứu về tảo cát sau khi học xong cao học và thành lập công ty riêng vào năm 2007, vừa bán các phiến kính tiêu bản để người dùng quan sát tảo cát cho mục đích nghiên cứu và giáo dục, vừa bắt đầu tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.
Để thu thập tảo cát, Oku loại bỏ bùn và các tạp chất khác từ nước biển và nước sông trước khi sử dụng hóa chất và nước để làm sạch vỏ của chúng. Sau đó, ông sử dụng các công cụ thủ công và kim để sắp xếp tảo cát. Một số loại tảo cát có thể bị phá vỡ chỉ bằng một lần châm, vì vậy ông nhặt chúng bằng đầu của một sợi lông mi hoặc lông mày gắn vào đầu bút chì cơ học. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ không hề nhỏ, chỉ riêng việc sắp xếp tảo cát thành các hình dạng khác nhau đã tiêu tốn nhiều giờ đồng hồ.
Cùng xem thêm các tác phẩm độc đáo này nhé.
kilala.vn