Khốc liệt thế giới kỳ thủ cờ Shogi tại Nhật!
Nghệ thuật Nhật Bản
•
Jul 13, 2017
Bài: Minh Hằng
Trở thành kỳ thủ Shogi chuyên nghiệp, là một trong những nghề rất được coi trọng tại Nhật Bản, tuy nhiên với trình độ cơ bản tăng mạnh sau mỗi năm thì việc gia nhập vào thế giới này cũng trở nên ngày một khó khăn.
Nếu là một độc giả yêu thích văn hóa và con người Nhật Bản, thì hẳn các bạn sẽ chú ý đến sự xuất hiện của một loại cờ đặc biệt, gặp thường xuyên trong các manga, anime và J-Drama. Đó chính là Shogi, một bộ môn thể thao trí tuệ xuất hiện lần đầu tại Nhật vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau công nguyên. Theo thống kê gần đây của Hiệp hội Shogi, thì Nhật Bản hiện tại chỉ có khoảng 160 kỳ thủ chuyên nghiệp.
Hai kỳ thủ cửu đẳng Sato Yasumitsu (trái) & Habu Yoshiharu trong giải đấu Kỳ Vương Chiến năm 2008. (Ảnh: Hiệp hội Shogi Nhật Bản)
HỆ THỐNG PHÂN CẤP KỲ THỦ SHOGI CHÍNH THỨC
CHUYÊN NGHIỆP
9 dan ( Cửu đẳng)
8 dan ( Bát đẳng)
7 dan ( Thất đẳng)
6 dan ( Lục đẳng)
5 dan ( Ngũ đẳng)
4 dan (Tứ đẳng)
BÁN CHUYÊN NGHIỆP
3 dan ( Tam đẳng)
2 dan ( Nhị đẳng)
1 dan ( Nhất đẳng)
1 kyu (Nhất cấp)
2 kyu
3 kyu
4 kyu
5 kyu
6 kyu ( Lục cấp)
Nghề được coi trọng tại Nhật
Ở Nhật, các trường từ bậc tiểu học đã có những câu lạc bộ cờ để thu nhận các em nhỏ có đam mê với bộ môn thể thao trí tuệ này. Shogi được nhận định có sự tổng hợp những cái hay của cờ vua, cờ tướng và cờ vây. Khi chơi cờ, người chơi không chỉ rèn luyện được nhiều kĩ năng, cải thiện trí nhớ và kĩ năng phân tích mà còn học được cách kiểm soát tâm lí. Một số kỳ thủ chuyên nghiệp còn có cơ hội du lịch nhiều nơi khi ra nước ngoài thi đấu.
Ở Nhật, các trường từ bậc tiểu học đã có những câu lạc bộ cờ để thu nhận các em nhỏ có đam mê với bộ môn thể thao trí tuệ này. Ảnh kỳ thủ thiên tài Sota Fujii lúc 5 tuổi, tại một buổi thi cờ Shogi ở trường tiểu học. (Ảnh: www.japantimes.co.jp)
Với thời khoá biểu tự do, không phải “đến văn phòng” mỗi ngày làm việc, Kỳ thủ Shogi chuyên nghiệp (đạt Tứ đẳng) có thể kiếm thu nhập cao qua:
- Lương do hiệp hội Shogi trả theo tháng (Cấp càng mạnh lương càng cao).
- Dạy cờ (dạy qua mạng hoặc tại hội quán).
- Thi đấu giải (Hệ thống thi đấu của Hiệp hội cờ tướng Nhật Bản hàng năm có 3 giải lớn là Nhật Bản Tượng kỳ giáp cấp liên tái (tháng 1), giải Vô địch Nhật Bản (tháng 4) và Thương Thạch Bôi (tháng 7) .
- Dự sự kiện và viết sách.
Kỳ thủ Ko Masaki ( Huỳnh Thuận Hiệp) (đứng giữa) - người Nhật gốc Việt đoạt vô địch Thương Thạch Bôi năm 2014. (Ảnh: Liên đoàn cờ Việt Nam).
Shogi còn có 7 danh hiệu lớn nhất là: Meijin (名人) - Danh Nhân , Kisei (棋聖) - Kỳ Thánh, Ōshō (王将) - Vương Tương, Ōza (王座) - Vương Tọa, Ōi (王位) - Vương Vị, Ryūō (竜王) - Long Vương và Kiō (棋王) - Kỳ Vương . Hằng năm mỗi danh hiệu sẽ được tổ chức giải đấu một lần, người vô địch giải năm nay thách đấu với người vô địch năm ngoái theo phương thức 5 hoặc 7 ván. Ai thắng trước 3 hoặc 4 ván sẽ được giữ danh hiệu của giải đấu tham gia.
/banner
Cạnh tranh gay gắt
Muốn có bằng và được công nhận là Kỳ sỹ chính thức, thì người chơi phải tham gia và vượt qua kỳ thi tuyển hàng năm do Hiệp Hội Shogi Nhật Bản tổ chức. Trình độ người chơi đang ngày càng tiến bộ nên “tỉ lệ chọi” khá cao, cạnh tranh gay gắt. Kỳ thủ phải bắt đầu từ rất sớm để có đủ thời gian rèn luyện đạt trình độ chuyên nghiệp.
Beni Taketama - một trong những nữ kỳ thủ chuyên nghiệp trẻ nhất Nhật Bản, sinh năm 1998. (Ảnh: dokujyoch.net)
Khi xác định thi đấu Shogi nói riêng và kỳ thủ cờ nói chung làm nghề nghiệp của mình, bạn cần xác định trước những khó khăn phải đối mặt. Hầu hết kỳ thủ không có thu nhập thường xuyên và khó có thể giàu có ngay. Đừng tưởng chơi cờ thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Việc ngồi căng thẳng hàng giờ liền trước bàn cờ cũng giống như khi ngồi nhiều trên máy tính, bạn cần phải theo dõi tình trạng sức khoẻ, kết hợp vận động bằng các môn thể thao khác để tránh mắc các bệnh về mắt, lưng, stress…
Chia sẻ từ một số Kỳ thủ chuyên nghiệp cho rằng trước khi theo đuổi con đường thi đấu chuyên nghiệp, họ đều có kế hoạch dự phòng tài chính và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Khi trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp, dù đạt được cấp độ cao nhất không đồng nghĩa với việc bạn ngừng nỗ lực, thường xuyên học tập nâng cao trình độ là châm ngôn “sống còn” của bất cứ kỳ thủ nào.
Trong luật chơi cờ Shogi, mỗi bên sử dụng 20 quân cờ hình nêm với tên gọi từ mạnh đến yếu như sau: 1 Vương; 1 Phi xa; 1 Giác hành; 2 Kim tướng; 2 Ngân tướng; 2 Quế mã; 2 Hương xa; 9 Bộ binh. Khác với cờ tướng và cờ vây, Shogi không phân chia màu sắc đồng thời có thêm luật thả quân cùng phong cấp, giúp quá trình chơi cờ trở nên linh hoạt và biến hóa hơn nhiều. (Ảnh: abstractstrategygames.blogspot.jp)
Kỳ thủ chuyên nghiệp Tứ đẳng 14 tuổi Souta Fujii, người đang rất được truyền thông Nhật Bản chú ý vì thành tích 29 trận thắng liên tiếp tại giải đấu Long Vương Chiến 2017, xô đổ kỷ lục cũ được lập cách đây 30 năm. (Ảnh: huffingtonpost.jp)
Minh Hằng/ kilala.vn