Gia đình 7 người và cuộc sống trong căn hộ rộng 9m2
Nghệ thuật Nhật Bản
Bài: Andante
Ảnh: The New Yorker
Masaki Yamamoto là con trai thứ 2 trong một gia đình có 5 anh em. Cha của anh làm nghề lái xe tải, còn mẹ là thu ngân trong một siêu thị. Khi anh lên 8, cả gia đình bị đuổi khỏi căn hộ trước đây của họ ở Kobe và phải sống trong xe hơi trong vòng 1 tháng. Yamamoto và các anh chị em của mình đã phải ở lại ở trại trẻ trước khi có thể đoàn tụ cùng cha mẹ. Trong suốt 18 năm sau đó, gia đình 7 người của họ đã cùng sống trong căn hộ một phòng ngủ chỉ rộng 6 chiếu tatami (khoảng 9m2) ở thành phố Kobe.
Theo như mô tả của Masaki, cả gia đình đã cùng ngủ trong căn phòng chật hẹp, chân tay chồng lên nhau giữa một đống rác ngày càng nhiều thêm. Anh cho hay: “Khi nhìn lên, bạn sẽ không thể tránh được ánh mắt của người khác”, “Nơi duy nhất bạn có thể ở một mình là bồn tắm”. “Guts” - cuốn sách ảnh được xuất bản năm 2017 của anh ghi lại kỷ niệm về những năm tháng đó của gia đình.
Thoạt nhìn, những bức ảnh của Yamamoto toát lên vẻ ngột ngạt, tù túng với quá nhiều người và đồ đạc chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp. Chúng ta sẽ như thế nào nếu sống trong một không gian như vậy, có lẽ đó là một viễn cảnh hầu như chẳng ai muốn tưởng tượng ra. Nhưng sẽ thế nào nếu cuộc đời buộc chúng ta phải ở trong hoàn cảnh đó?
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New Yorker, Masaki tâm sự về những khó khăn của mình khi lớn lên với rất ít không gian cá nhân cũng như sự riêng tư, về cuộc đấu tranh của em gái anh với hội chứng hikikomori - một từ tiếng Nhật để chỉ những người sống ẩn dật và không ra khỏi nhà, và người em trai đã bỏ học trung học. “Và có một thứ gọi là tuổi dậy thì,” anh nói thêm.
Tuy vậy, càng xem những bức ảnh của Masaki, người xem lại càng cảm nhận được dòng chảy của sự vui vẻ và tích cực trong gia đình Yamamoto. Qua ống kính của Masaki, cả gia đình đã thực sự có những khoảng thời gian vui đùa, thư giãn cùng nhau - điều này thể hiện rõ qua nụ cười trên khuôn mặt các thành viên.
"Đúng, chúng tôi nghèo, nhưng..."
Đó là thông điệp mà Masaki muốn truyền tải qua những tấm hình gia đình mình: mặc dù cuộc sống dường như rất khó khăn, họ vẫn tìm thấy niềm vui giữa một đống hỗn độn của đồ đạc và rác, giữa sự nghèo khó và khốn cùng. Có chút gì kỳ lạ, “xô lệch” khỏi quỹ đạo của một cuộc sống gia đình “chuẩn mực”, khiến ta chợt nhớ đến gia đình xuất hiện trong bộ phim Shoplifters (2018) của đạo diễn Hirokazu Koreeda. Có lẽ giống như bộ phim đạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 2018, bộ ảnh này khiến nhiều người trong chúng ta thêm một lần tự vấn về hình thái và ý nghĩa của hạnh phúc, liệu có cái gọi là "chuẩn mực" cho điều mà ta hằng theo đuổi.
Trong những bức ảnh đen trắng của Masaki có vẻ như cũng ẩn chứa một tinh thần chống Kondo nhẹ nhàng nhưng gai góc, một thế giới tuy hỗn loạn hơn nhưng cũng lại đa dạng hơn so với 4 bức tường trắng, sự gọn gàng, ngăn nắp không có chỗ cho bất kỳ món đồ thừa thãi nào.
Trong một bức ảnh, mẹ của Masaki đang trang điểm trước một chiếc gương đặt trên vỉ nướng điện; một bức ảnh khác thì ghi lại khoảnh khắc người mẹ đang tự tay cắt tóc cho cô con gái; vào đêm giao thừa, cả gia đình ngồi quanh chiếc bàn vuông dường như quá chật, cùng ăn món mì toshikoshi soba.
Sau khi dành nửa đời người trong những căn hộ chật chội vốn dĩ chỉ dành cho một người, mẹ của Masaki đã tìm thấy một tờ rơi quảng cáo về một ngôi nhà thực sự: có hai tầng và nhà vệ sinh kiểu Tây, với giá thuê mà họ có thể kham được. Sau khi chuyển đi, điều đầu tiên mẹ anh làm là dán lên bức tường phòng tắm mới của họ những bức ảnh chụp căn hộ cũ, "để không bao giờ lãng quên tinh thần của gia đình Yamamoto".
kilala.vn