Da đẹp nhờ ngâm bồn kiểu Nhật (phần 2)
Làm đẹp Nhật Bản
Bài: Thùy Dung/ Ảnh minh họa: PIXTA
Ngâm bồn có tác dụng thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu. Đặc biệt là ở Nhật, tùy vào mỗi mùa mà người Nhật sử dụng những nguyên liệu thích hợp để đối phó với những chứng bệnh dễ mắc phải trong giai đoạn đó. Hãy cùng tìm hiểu và áp dụng thử xem các bạn nhé!
Tìm đọc: Ngâm bồn kiểu Nhật với thảo dược (phần 1)
Tháng 7: Lá đào - Trị cháy nắng, rôm sảy
Công dụng: Chứa các thành phần hoạt chất như tannin, acid ellagic, juglon, juglanin và tinh dầu. Chỉ riêng tannin đã có công dụng chống viêm, giải nhiệt, làm se khít lỗ chân lông, phòng ngừa các vấn đề về da như cháy nắng do tác động của tia cực tím, bị rôm sảy, bệnh eczema, bị côn trùng cắn đốt,...
Cách làm: Cần khoảng 30 – 40 lá tươi cho một lần tắm. Cho lá vào túi vải rồi đem đun trong khoảng 15 – 20 phút. Lược bỏ cặn rồi pha với nước tắm.
Tháng 8: Lá bạc hà - Thư giãn, khử mùi
Công dụng: Thúc đẩy tuần hoàn máu và trao đổi chất, ngăn ngừa cảm lạnh vào mùa hè. Giải tỏa căng thẳng, xoa dịu mệt mỏi, giúp cơ thể thư giãn và có giấc ngủ sâu. Làm sạch dầu nhờn trên da, giữ cho làn da luôn ẩm mịn. Hương thơm của bạc hà có tác dụng khử mùi và ngừa côn trùng cắn đốt.
Cách làm: Cho lá bạc hà tươi vào túi vải rồi đun với nước trong khoảng 15 – 20 phút. Có thể dùng cả phần nước đã đun lẫn túi bạc hà để hòa vào nước tắm.
Tháng 9: Hoa cúc - Duy trì độ ẩm trên da
Công dụng: Có chứa các tinh dầu dễ bốc hơi như camphor, carvone, camphene,... thúc đẩy tuần hoàn máu, xoa dịu những cơn đau nhức và mệt mỏi, giúp giữ ấm cơ thể. Duy trì độ ẩm trên da, thẩm thấu nhanh vào da và đẩy các bụi bẩn nằm sâu trong lỗ chân lông ra ngoài, giữ cho làn da mịn màng và sạch sẽ.
Cách làm: Có thể sử dụng cả hoa cúc tươi lẫn khô. Cần khoảng 30g cho một lần tắm.
Tháng 10: Củ gừng - Làm ấm cơ thể
Công dụng: Chất cay và tinh dầu trong gừng có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể trong giai đoạn chuyển mùa. Các thành phần của chất cay cũng có tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và hỗ trợ tiêu hóa.
Cách làm: Có thể nghiền nhuyễn một ít gừng, vắt lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm, hoặc xắt gừng thành nhiều lát mỏng rồi cho vào túi vải, mát-xa đều cơ thể trong khi tắm để làm tăng tác dụng tỏa hương.
Tháng 11: Vỏ cam - Hỗ trợ giấc ngủ
Công dụng: Vỏ cam chứa thành phần tinh dầu gọi là limonene mang hương thơm tươi mát đặc trưng, có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, giúp đầu óc trở nên khoan khoái, dễ chịu và ngủ sâu hơn. Acid citric và vitamin C có trong vỏ cam còn có tác dụng làm đẹp da.
Cách làm: Một lần tắm cần lượng vỏ của khoảng 20 trái cam. Phơi khô vỏ ở nơi râm mát. Cho vỏ cam khô vào một miếng vải gạc hoặc túi vải cotton rồi đem ngâm trong nước tắm.
Tháng 12: Thanh yên (Yuzu) - Giảm đau, trị bệnh Raynaud
Công dụng: Yuzu là một loại quýt vỏ vàng có vị chua. Tinh dầu trong Yuzu giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể từ bên trong, xoa dịu những cơn đau nhức, mệt mỏi và hỗ trợ điều trị bệnh Raynaud (Khi người bệnh tiếp xúc với môi trường lạnh thì các mạch máu ở đầu ngón tay, ngón chân sẽ co thắt lại gây tím tái đầu ngón). Dân gian Nhật cho rằng nếu ngâm mình với nước Yuzu trong ngày Đông chí (21 – 22/12) thì cả năm sẽ không bị cảm lạnh.
Cách làm: Một lần tắm cần khoảng 2 – 3 trái. Có thể cắt đôi rồi đem ngâm trong bồn, hoặc vắt lấy nước để pha với nước tắm.
Đọc thêm:
Ngâm bồn kiểu Nhật với thảo dược (phần 1)
Thùy Dung/ kilala.vn