Khám phá Kawasaki - thành phố mang phong vị cổ xưa
Khám phá Nhật Bản
Bài: Tama Duy Ngọc
Ảnh: Tama Duy Ngọc, PIXTA
Con đường Hyosando và các cửa hàng bánh kẹo truyền thống
Từ ga Tokyo, bạn có thể bắt tàu điện đến ga Kawasaki Daishi ở TP.Kawasaki trong 39 phút chỉ với 1 lần đổi tàu duy nhất. Nếu ra khỏi ga Kawasaki Daishi từ cổng Nam, bạn nhớ quay lại nhìn bảng tên nhà ga nhé! Tên ga được viết bằng dòng chữ thảo kiểu xưa, chưa kể dãy cột được sơn màu đỏ truyền thống, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm phông nền cho một tấm ảnh đậm chất Nhật của bạn rồi.
Ra khỏi nhà ga, bạn sẽ bắt gặp con đường Hyousandou nào. Con đường này khá yên ắng, không nhiều hàng quán lắm nhưng vẫn có vài điểm nhấn thú vị. Chẳng hạn như một cửa hàng bán hoa hướng dương xen lẫn các chuông gió bằng thủy tinh be bé xinh xinh, hoặc cửa hiệu bánh dày Kuzumochi có lịch sử từ năm Minh Trị thứ 20 (1887).
Bảng tên hoài cổ ở ga Kawasaki Daishi.
Mua quà lưu niệm may mắn
Đi thêm một đoạn sẽ là các cửa hàng bán vật phẩm may mắn, đặc biệt là Daruma. Daruma đa số được làm bằng giấy bồi nhiều lớp, với khuôn mặt có 2 mắt trắng và râu tóc được vẽ bằng mực đen. Nhìn kỹ sẽ thấy rằng râu của Daruma mang hình cánh hạc, một biểu tượng may mắn của văn hóa Nhật. Vậy tại sao Daruma không có tròng đen mắt? Vì người Nhật quan niệm rằng, khi ước điều gì đó người ta sẽ tô đen mắt trái của Daruma, và khi điều ước thành hiện thực người ta sẽ tô nốt con mắt còn lại. Ngoài búp bê Daruma vốn là quà lưu niệm nổi tiếng ở Kawasaki Daishi, thì các cửa hàng này còn bán cả những món đồ lưu niệm hình mèo Chiêu tài Maneki Neko bằng gốm, sứ, vải hoặc các mẫu 12 con giáp… Tất cả đều là những vật phẩm đem lại may mắn cho bạn và cho người bạn muốn tặng.
Lật đật Daruma – một trong những biểu tượng của sự may mắn ở Nhật Bản
“Dàn nhạc giao hưởng” bằng dao
Tiếp theo bạn sẽ bắt gặp phố Nakamise nhộn nhịp các tiệm bán kẹo ngậm được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Loại kẹo này thoáng nhìn qua hơi giống kẹo dồi, hay kẹo kéo Việt Nam. Nhưng khi nhai bạn sẽ cảm nhận chất kẹo mềm, không dính răng, và vị ngọt khá thanh. Vào tháng 7 các cửa hiệu cho ra mắt Kẹo chuông gió với bao bì mô phỏng màu sắc của chuông gió.
Một điểm đặc sắc khác rất thú vị là “Dàn nhạc giao hưởng bằng nhạc cụ dao” phát ra từ các cửa hiệu này. “Các nhạc công” chính là những người thợ làm kẹo, họ đứng trước một tấm thớt dài khổng lồ, và thay phiên khua nhịp dao trên thớt để cắt kẹo. Tiếng nhịp dao rất đều đặn và hài hòa, tạo nên một bản nhạc giao hưởng khó quên khi bạn đặt chân đến đây. Và hay nhất là dù các cửa hiệu cạnh tranh nhau, nhưng tiếng nhịp của dao trên thớt không hề át lẫn nhau, mà như hỗ trợ nhau tung hứng, tạo nên những âm sắc nhịp nhàng, đẹp đẽ.
Ghé thăm chùa Kawasaki Daishi cổ kính
Kawasaki Daishi là một tên gọi khác của ngôi chùa Heikenji (Bình Gian Tự), nổi tiếng là một trong 3 địa điểm được ghé thăm nhiều nhất vào dịp Lễ chùa đầu năm Hatsumoude ở xứ sở mặt trời mọc này. Người Nhật tin rằng chùa Heikenji rất linh thiêng, nhất là trong việc trừ tà giải hạn. Mỗi ngày chùa sẽ thực hiện 7 lần nghi lễ Ogoma (Ngự Hộ Ma), mỗi lần kéo dài trong 20 phút. Nghi lễ này được tin là sẽ tẩy sạch muộn phiền, giải hạn, cũng như giúp cho gia đạo bình an, buôn may bán đắt…
Lễ hội chuông gió Furin Ichi
Và cuối cùng đã đến điểm cuối của hành trình hôm nay. Đó là khu vực tổ chức Lễ hội chuông gió Fuurin Ichi (Phong Linh Thị), nằm ngay trong khuôn viên của chùa Kawasaki Daishi. Fuurin Ichi được tổ chức định kỳ vào khoảng giữa tháng 7 hằng năm, khi Nhật Bản bắt đầu vào hè. Đây là thời điểm lý tưởng để nam thanh nữ tú xúng xính áo Yukata, phe phẩy quạt giấy và dạo bước vào thiên đường chuông gió.
Lễ hội chuông gió là nơi trưng bày và bán hơn 900 loại chuông gió, đến từ 47 tỉnh thành trên toàn Nhật Bản. Thậm chí chuông gió của vùng cực Bắc Hokkaido và vùng cực nam Okinawa cũng góp mặt trong lễ hội này.
Ngoài ra trong khuôn viên còn có một dãy quầy lưu động bán các món đặc trưng Nhật bản như: Bánh bạch tuộc nướng takoyaki, Mì xào yakisoba, Chuối nhúng Socola, Đá bào Kakigoori… với giá cả phải chăng để làm dịu cơn đói sau một ngày dài đi bộ.
kilala.vn