Xếp 30 trong số 100 danh sơn toàn Nhật Bản, dãy núi Tanigawadake phân cách địa giới giữa hai tỉnh Gunma và Niigata được ví là “thánh địa” cho người leo núi mạo hiểm, trượt tuyết mùa đông, riêng mùa hè và thu là thời điểm lý tưởng để ngoạn cảnh. Sương tuyết, một “đặc sản” hấp dẫn của dãy núi này, vẫn rải rác khắp núi rừng dù chúng tôi đến Tanigawadake vào dịp cuối thu. Hành trình chạm mặt tử thần trên Tanigawadake cũng là dịp để khám phá những nét đẹp nguyên sơ ấy.
Đỉnh núi quanh năm tuyết phủ này là điểm đến lý tưởng cho các môn thể thao mùa đông (Ảnh: PIXTA)
Người Nhật gọi Tanigawadake là dãy núi tử thần, vách đá dựng đứng ở hai đỉnh Oki-no-Mimi (1.977m) và Toma-no-Mimi (1.963m) dù được chinh phục muộn từ những năm 30, nhưng đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 800 nhà leo núi từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Nếu so đỉnh Everest của dãy Himalayas thì con số thương vong ở Tanigawadake nhiều hơn gấp 4 lần. Sự nguy hiểm của địa hình, địa mạo, cùng sự khắc nghiệt của thời tiết đặc biệt khi mùa đông về, càng khiến Tanigawadake trở nên nổi tiếng và đặt ra nhiều thử thách hơn đối với lữ khách đến từ khắp thế giới.
Du khách có thể dễ dàng lên đến đỉnh Tenjindaira bằng tuyến cáp treo Tanigawadake (Ảnh: Lam Phong)
Tuy nhiên, nếu gác qua một bên những con số thống kê trên và cả hình ảnh nguy hiểm từ các vách núi đá dựng vốn chỉ dành cho dân leo núi chuyên nghiệp, Tanigawadake còn sở hữu muôn vàn những nét đẹp khác. Ngoài hệ thực vật đa dạng, cung đường núi quanh co ẩn hiện dưới tán rừng thực sự là một lời mời gọi hấp dẫn dành cho những người leo núi nghiệp dư hay lữ khách thích tìm cảm giác khám phá và chinh phục.
Tanigawadake là nơi mà mọi người có thể thấy băng tuyết trong cả những ngày hè, nhưng thời gian đẹp nhất để du ngoạn danh sơn này chính là vào tiết thu, nếu đến đúng mùa lá đỏ (Momiji) thì càng tuyệt. Khi ấy, băng tuyết điểm xuyết đây đó bên vệ đường, ẩn hiện dưới tán rừng dọc theo cung đường núi, những dòng thác theo mùa vẫn tuôn nước xối xả tạo nên một vùng cảnh quan đẹp đến kỳ ảo.
Vào mùa lá đỏ, lá cây của thảm rừng khi chuyển màu tạo thành bức tranh tuyệt sắc (Ảnh: PIXTA)
Mất hơn 2 giờ di chuyển từ Tokyo đến ga Doai của tỉnh Gunma, ra khỏi cổng nhà ga chính, rẽ phải và đi tiếp theo đường mòn hướng lên núi khoảng 20 phút là đến được trạm cáp treo Tanigawadake. Người dẫn đường Tsuyoshi Abe mách nước: “Nếu đến đây đúng mùa lá đỏ, nên chọn tuyến cáp treo lên độ cao 1.321m ở đỉnh Tenjindaira, bởi lá cây của thảm rừng khi chuyển màu sẽ tạo thành bức tranh tuyệt sắc trên tuyến cáp treo đi qua. Còn ở thời điểm này, đi bộ luồn rừng là hành trình lý tưởng nhất”.
Hẻm núi sâu với dòng thác tạo nên từ lớp băng tan trên đỉnh Tanigawadake (Ảnh: Lam Phong)
Chuyến đi rừng lên đỉnh Tenjindaira kéo dài khoảng 3 cây số, đường mòn rõ dấu cứ nâng dần độ cao, khi quanh co, khi luồn sâu dưới tán rừng, khi len ra mép vực. Sự nguy hiểm của tuyến đường núi này nằm ở cấu tạo địa chất của lớp đất pha lẫn nhiều sỏi nhỏ, dốc cao một chút là bước đi gặp khó khăn do trơn trượt. Bù lại, cảnh đẹp hoang sơ của thảm rừng sẽ dần hiện ra sau mỗi bước chân. Thích nhất là khi qua các khu thác nước được tạo thành từ lớp băng tan của mùa đông trước, chảy dài theo vách núi dựng đứng cao hàng trăm mét, đẹp ngoạn mục và hùng vĩ.
Đoạn đường mòn lên đỉnh Tenjindaira bị băng tuyết bao phủ (Ảnh: Lam Phong)
Men theo đường mòn là những khối băng khổng lồ chưa tan hết, phả hơi lạnh miên man giúp tiêu tan đáng kể những mệt nhọc của hành trình. Chỉ sau hơn 1 giờ len lỏi, đỉnh Tenjindaira hiện ra với những nhịp đồi nhấp nhô uốn lượn. Tsuyoshi Abe cho biết đây là điểm trượt tuyết lý tưởng của mùa đông. Từ đỉnh cao này, toàn cảnh vùng núi Tanigawadake trải ra trước tầm mắt với hai đỉnh Toma-no-Mimi và Oki-no-Mimi khi mờ khi tỏ trong làn sương rất ảo diệu.
Người tuyết ở trạm dừng chân Tenjindaira (Ảnh: Lam Phong)
Từ trạm dừng Tenjindaira, mất thêm 45 phút để đi tiếp lên trạm Kumaanasawa, cung đường dần khó đi hơn, sương mù thường xuyên xuất hiện khiến tầm nhìn bị hạn chế, đường mòn có nhiều đá tảng chắn lối, ẩm ướt và trơn trượt.
Cộng thêm 90 phút cho đoạn từ trạm Kumaanasawa đến 2 đỉnh cao nhất là Toma-no-Mimi và Okino-Mimi, người leo núi phải chinh phục nhiều vách đá dựng đứng, dù có công cụ hỗ trợ là thang và móc xích để đảm bảo an toàn, nhưng cảm giác rùng mình nơi cheo leo luôn hiện hữu suốt cả hành trình.
Thần xã Thiên Mãn Cung, nơi các tín đồ Thần đạo cầu an trên tuyến đường núi Tanigawadake (Ảnh: Lam Phong)
Bù lại những gian nan vất vả, những nguy hiểm chết người nơi cung đường núi hiểm trở ở Tanigawadake là cảm giác chinh phục và tâm trạng hân hoan khi trở về, bởi đã đến lúc được tận hưởng thú vui tắm Onsen ở Gunma, nơi mà nguồn nước khoáng nóng quý giá bắt nguồn từ đỉnh Tanigawadake đã hình thành nên một trong những thiên đường Onsen danh tiếng nhất trên đất Nhật Bản.
Lam Phong/ kilala.vn