My Neighbor Totoro là một trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất của xưởng phim Ghibli, đồng thời cũng là bộ phim gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người ở Nhật Bản và cả các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, vì một vài chi tiết trong phim mà bắt đầu có những suy đoán và lời đồn đáng sợ về bộ phim hoạt hình này. Cùng Kilala tìm hiểu xem người ta đã đồn thổi gì về phim nhé!
Lưu ý: đây là những lời đồn đại VẪN CHƯA ĐƯỢC KIỂM CHỨNG xoay quanh bộ phim “My Neighbor Totoro”. Ấn tượng của bạn về bộ phim này có thể sẽ thay đổi mãi mãi sau khi đọc xong bài này. Vì vậy, bạn cần cân nhắc trước khi đọc.
Tại sao lại có những lời đồn đoán như vậy?
My Neighbor Totoro là một trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất của xưởng phim Ghibli, đồng thời cũng là bộ phim gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người ở Nhật Bản và cả các nước khác trên thế giới. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của 2 chị em Satsuki và Mei sau khi cùng ba dọn đến một miền quê hẻo lánh và từng ngày trông ngóng người mẹ đang nằm viện sẽ mau khỏi bệnh về nhà. Cốt truyện nhẹ nhàng, tình cảm cùng sự xuất hiện của các nhân vật đáng yêu như Totoro, xe buýt mèo hay những con bồ hóng Makkuro Kurosuke chính là lí do khiến bộ phim chiếm trọn cảm tình của đông đảo khác giả từ lớn đến bé.
Tuy nhiên, ngay sau khi bộ phim được ra mắt, những lời đồn đoán khá ghê rợn xung quanh cốt truyện của bộ phim này đã khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Theo đó, nhiều người cho rằng cô bé Mei thật ra đã chết đuối ở dưới ao khi đi lạc, và Satsuki cũng đã tự tử sau đó vì không bảo vệ được em gái.
Cốt truyện dựa trên vụ án mạng có thật?
Có rất nhiều suy đoán cho rằng cốt truyện và tình tiết trong phim rất giống với một vụ án giết người kinh hoàng xảy ra vào năm 1963 ở Nhật Bản gọi là “Án mạng Sayama”. Vào tháng 5 năm 1963, tại thành phố Sayama thuộc tỉnh Saitama, một nữ sinh 16 tuổi đã bị bắt cóc trên đường về nhà. Tên bắt cóc đã đòi một món tiền chuộc là 200.000 yên. Gia đình của nạn nhân đã phối hợp cùng cảnh sát, dự định sẽ vây bắt tên này tại điểm hẹn. Chị gái của nạn nhân là người cầm va-li chứa tiền giả để đến gặp tên bắt cóc. Tuy nhiên, đánh hơi thấy điều bất thường, tên bắt cóc đã tháo chạy. Vài ngày sau, thi thể của cô gái 16 tuổi đáng thương được phát hiện, trên người có dấu hiệu bị cưỡng hiếp và giết chết. Người chị gái sau đó cũng tự vẫn vì nỗi dằn vặt bản thân có lỗi trong cái chết của em mình.
Những “dấu vết” trong bộ phim
Tên của 2 chị em
Trong phim, người chị tên là Satsuki còn cô em gái tên Mei. Cả 2 cái tên này đều được dùng để chỉ “Tháng 5” trong tiếng Nhật. Tháng 5 cũng chính là thời gian xảy ra thảm kịch Sayama.
Địa danh trùng khớp
Nguyên mẫu căn nhà của 2 chị em trong phim được cho là nằm ở một khu vực tên là “Sayama Kyuryo”, tức “Đồi Sayama”. Ngoài ra, khung cảnh trong bộ phim cũng được lấy cảm hứng từ TP. Tokorozawa, vốn nằm ngay cạnh TP. Sayama – nơi xảy ra vụ án.
Trong một phân cảnh bà hàng xóm giúp cả gia đình dỡ đồ, một thùng các-tông có ghi chữ “Sayama-cha”, tức “Trà của vùng Sayama” đã được các fan tinh mắt phát hiện. Không chỉ dừng lại ở đó, bệnh viện giả tưởng nơi mẹ của 2 chị em đang điều trị có tên là “Shichikoku byouin”, tiếng Hán là “七国病院”. Ở TP. Sayama cũng có một bệnh viện tên là “Hachioku byouin”, tiếng Hán là “八国病院”, chỉ khác ở ký tự đầu.
Điềm báo tử
Có nhiều người cho rằng, những con bồ hóng đáng yêu (Makkuro kurosuke) và Totoro chính là điềm báo tử khi chỉ có Satsuki và Mei tìm thấy. Điều này trở nên có cơ sở khi không một người lớn nào (như ba và bà hàng xóm), kể cả cậu bé Kanta có thể nhìn thấy. Và Totoro cũng chính là hiện thân của Thần chết. Ban đầu, chỉ có Mei nhìn thấy Totoro, báo hiệu việc cô bé sẽ là người mất trước, sau đó mới đến Satsuki, như trong vụ án mạng Sayama.
Khi biết Mei bị lạc, Satsuki đã tìm đến nơi ở của Totoro để cầu xin sự giúp đỡ. Phân cảnh này được cho rằng Satsuki đang tiến vào lãnh địa của Thần chết và Totoro khi đó đã đi tìm cô bé Mei trong thế giới của những linh hồn.
Xe buýt mèo
Đây là nhân vật đã chở Satsuki đến chỗ Mei. Trước khi xuất phát đến nơi nào đó, bảng hiệu phía trên xe buýt sẽ nhảy đến tên địa danh đó. Khi Satsuki bước lên xe và nhờ xe buýt mèo chở đến chỗ Mei, bảng hiệu đã chạy đến tên của một nơi là “墓道”, tức “mộ đạo”, chỉ lối đi vào các khu mộ cổ xưa. Điều này càng làm dấy lên nghi vấn lúc này bé Mei đã không còn nữa...
Những bức tượng địa tạng bồ tát
Khi Totoro và Satsuki tìm thấy Mei, cô bé đang ngồi ôm trái bắp bên cạnh các bức tượng Địa tạng Bồ tát (Ojizousama). Ở Nhật Bản, Địa tạng Bồ Tát được xem là thần bảo hộ của những đứa trẻ đã mất. Trong một số diễn đàn còn chụp lại được hình ảnh một trong những vị bồ tát này có khắc chữ “Mei” ở chân.
Các nghi vấn khác
Ngoài ra, còn một số điều khá khó hiểu mà những fan tinh ý đã phát hiện, chẳng hạn như việc các phân cảnh sau khi Mei gặp lại Satsuki, họa sĩ dường như đã quên việc vẽ... bóng đổ của 2 cô bé. Hoặc có thể giải thích khi đó Satsuki và Mei đã không còn trên cõi đời này nữa... Việc 2 cô bé đã cất công đến bệnh viện để xem bệnh tình của mẹ nhưng lại không vào phòng mà ngồi trên cành cây, hay như khi người mẹ nhìn thấy trái bắp ngay bệ cửa sổ mà không một chút bất ngờ hay hoang mang, cũng như câu nói của người mẹ về việc nghe thấy tiếng của Mei và Satsuki văng vẳng, sau đó nhìn ra ngoài cửa sổ nhưng dường như không nhìn thấy 2 đứa con của mình đang ngồi trên cành cây...
Đạo diễn Hayao Miyazaki luôn phủ nhận các nghi vấn này và cho rằng chúng thật ngớ ngẩn, nhưng một bộ phận các “thánh soi” vẫn khá chắc chắn về giả thuyết của mình. Có thể nói, việc bị hàng tá tin đồn bủa vây cũng phần nào chứng tỏ được sức hút của bộ phim huyền thoại này. Tuy nhiên, dù sự thật là gì đi nữa, các bạn cũng hãy thưởng thức bộ phim này bằng cả tâm hồn nhé, vì đây là một bộ phim hoạt hình vô cùng tuyệt vời đấy!
kilala.vn