ĐD Công Tú "Truyền thống cũng cần cải tiến"
Giải trí Nhật Bản
Bài: Lê L. Ngọc/ Ảnh: NVCC
PV: Được biết chương trình truyền hình “Giao lưu Nhật Việt” đã hoàn thành phần 2 vào tháng 3 vừa qua. Anh có thể chia sẻ những động cơ đã dẫn anh đến ý định thực hiện phần mới này?
Đạo diễn Trương Công Tú: Thật sự thì khi tiếp cận với nền văn hóa Nhật Bản ở phần 1, đoàn làm phim chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài học ý nghĩa. Chẳng hạn như khi làm ra chiếc trống lớn nhất, người Nhật không hề đua theo phong trào “làm ra những cái lớn nhất” mà nhằm mục đích là “để cho nhiều người cùng được đánh”. Lễ hội kéo co của họ lớn cũng là để nhiều người có thể cùng tham gia. Đó là một giá trị hay mà tôi nghĩ có thể áp dụng ở Việt Nam. Do đó tôi muốn truyền tải nhiều thông điệp hơn nữa đến khán giả trong phần 2 này, không chỉ giá trị về văn hóa mà cả giá trị về tinh thần của họ.
PV: Khi giới thiệu sâu hơn về văn hóa Nhật Bản như vậy, chắc chắn trong đó sẽ có những giá trị khá mới mẻ đối với người Việt Nam. Vậy anh đã dụng công như thế nào để có thể thu hút khán giả xem chương trình của mình?
Đạo diễn Trương Công Tú: Thật ra bất cứ chương trình nào cũng đều gửi gắm những thông điệp rõ ràng, ai xem cũng đều có thể nhận ra được. Chẳng hạn như qua phần nói về vấn đề phòng chống thiên tai, chúng ta biết được rằng người Nhật luôn chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những thảm họa tự nhiên xung quanh mình, tuy nhiên, đôi khi khán giả Việt Nam lại không hiểu cách làm của họ như thế nào. Cách xây dựng chương trình của chúng tôi là đưa những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng đến tận nơi để trải nghiệm, như trải nghiệm cách các khu phố ở Nhật luyện tập đối phó với thiên tai theo những nhóm nhỏ thế nào chứ không chỉ nêu triết lí suông. Chính những trải nghiệm thực tế đầy bất ngờ đó là chất liệu giúp chúng tôi thu hút khán giả đến với chương trình của mình.
PV: Anh tâm đắc nhất nội dung nào trong phần 2 này?
Đạo diễn Trương Công Tú: Thẳng thắn mà nói tôi vẫn biết rõ những điểm yếu của xã hội Nhật Bản hiện giờ, nhưng song song đó người Nhật cũng có một số giá trị làm thước đo cho cuộc sống của họ. Trước nhất là giá trị về cái đẹp, người Nhật luôn tính toán và làm mọi thứ sao cho tinh xảo và đẹp nhất, và trong cái đẹp đó họ gửi gắm thông điệp của mình. Đơn giản như khi làm một cây gậy chống đi chùa, nếu ở Việt Nam thì đó có thể chỉ là một chiếc gậy tre, nhưng người Nhật thì không chỉ làm ra chiếc gậy mà có thể viết một câu thơ lên đó. Giá trị về cái đẹp tồn tại xuyên suốt trong đời sống văn hóa của họ.
Thứ hai, tôi rất tâm đắc về triết lí “Kaizen”, tức suy nghĩ phải cải tiến mọi thứ. Cụ thể như khi nhắc đến giấy gió, người Việt luôn cảm thấy rất tự hào, nhưng khi chúng tôi sang Nhật thì thấy người Nhật đã cải tiến chúng đến mức chúng ta khó có thể tưởng tượng được. Với họ thì ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Ngay cả những thứ thuộc về văn hóa truyền thống, họ cũng không chỉ bảo lưu mà còn muốn cải tiến chúng.
PV: Trong hai lần hợp tác với ekip của Nhật để thực hiện chương trình, anh có gặp khó khăn gì không?
Đạo diễn Trương Công Tú: Tất nhiên là có. Vì người Nhật thường làm việc rất rõ ràng, có kế hoạch và từng công đoạn cụ thể, trong khi người Việt thì linh hoạt hơn và luôn tìm kiếm những giải pháp nhanh gọn để giải quyết vấn đề. Những lúc như thế, hai bên sẽ ngồi lại bàn bạc với nhau để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, vì cơ bản là hai bên đều hiểu đối tác muốn gì. Từ đầu tiêu chí của chương trình này là “trải nghiệm, bất ngờ và học hỏi”, tức là các nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ được trải nghiệm, đối mặt với những bất ngờ và qua đó rút ra những bài học thực tiễn để áp dụng sau khi trở về. Nếu nắm vững tiêu chí đó thì tôi nghĩ không có vướng mắc nào là không vượt qua được.
PV: Trong quá trình ghi hình tại Nhật, có điều gì làm thay đổi quan điểm nghề nghiệp của anh không?
Đạo diễn Trương Công Tú: Ở Việt Nam, người làm truyền hình có rất nhiều ưu thế. Như tôi, tôi có thể quay bất cứ chỗ nào mình thích mà ít khi chịu sự giám sát nào. Tuy nhiên ở Nhật, dù chúng ta quay theo ý thích của mình thì cũng không được làm phiền đến người khác. Sự tự do về hình ảnh cá nhân rất được tôn trọng tại Nhật. Do đó trước khi quay hay phỏng vấn bất kì ai, tôi đều phải xin phép họ. Điều này tạo cho tôi thói quen luôn luôn chú ý để tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa cốt lõi giữa hai nước. Đó là giá trị mà tôi học được trong quá trình làm việc tại Nhật, và tôi vẫn áp dụng quy tắc này cả sau khi trở về. Vì rõ ràng dù anh là ai và anh làm nghề gì, ai cũng đều có công việc và tự do riêng của họ, nếu chúng ta biết tôn trọng lẫn nhau thì chắc chắn mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nếu như ai cũng có lí do để phá bỏ quy tắc đó đi thì sẽ chẳng có thứ gì đi vào ngăn nắp cả.
PV: Điều đó thật tuyệt vời! Vậy sau này, nếu có cơ hội, anh có muốn tiếp tục hợp tác với Nhật để làm những chương trình tương tự không?
Đạo diễn Trương Công Tú: Dĩ nhiên là có. Vì tôi nghĩ rằng còn có rất nhiều những giá trị của Nhật Bản mà chúng ta cần tìm hiểu, về văn hóa, giáo dục và thậm chí về tương lai. Rõ ràng là nước Nhật cũng có những vấn đề của riêng mình: vấn đề về chất lượng hạnh phúc, chất lượng đời sống tinh thần, và điều khiến tôi quan tâm là họ sẽ giải quyết những vấn đề đó như thế nào. Việt Nam hiện nay có rất nhiều thứ đi sau và đang lặp lại của nước Nhật nói riêng, những nước phát triển khác nói chung, như vấn đề về giao thông và ô nhiễm môi trường. Nếu biết học hỏi những nước đã đi trước, chắc chắn chúng ta sẽ có thể rút ngắn quá trình đối phó với chúng. Trong chuyến đi Nhật vừa qua chúng tôi đã có cơ hội trải nghiệm tàu Linear chạy với tốc độ 600 – 700km/h, và tôi nghĩ rằng trong nếu chúng ta nhìn về tương lai, rất có thể Việt Nam sẽ bỏ qua được bước đi tàu Shinkansen mà đi thẳng lên tàu Linear.
Xin cám ơn anh!
Lê L. Ngọc/ kilala.vn