Trẻ con làm việc nhà sẽ được nuôi dưỡng những kỹ năng gì?
Gia đình Nhật Bản
Bài: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu
Ảnh cover: warai-boken
Việc tập cho trẻ phụ giúp công việc nhà ngay từ nhỏ có thể nuôi dưỡng ở trẻ những kỹ năng như thế nào? Hãy cùng Kilala tìm hiểu vấn đề này qua các chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Thị Thu bạn nhé.
Đã có rất nhiều nhà giáo dục nói về những tầm quan trọng của việc cho trẻ con được làm việc nhà. Tôi chỉ xin chia sẻ thêm đôi điều từ chính những trải nghiệm của mình.
1. Trải nghiệm thực giúp khả năng học tập tốt hơn
Trí tuệ của trẻ con được hình thành nhờ vào những trải nghiệm trẻ được tự làm chứ không phải nhờ vào việc nghe những điều người khác dạy. Giúp trẻ có nhiều trải nghiệm thực trong những năm đầu đời thông qua kích thích 5 giác quan và nuôi dưỡng trực giác sẽ tạo nên nền tảng học tập tốt nhất cho trẻ sau này. Trong cuốn “Kỉ luật mềm của trái tim”, tôi cũng chia sẻ rất kỹ về tác dụng của những trải nghiệm thực để xây dựng nền tảng học tập cho trẻ bố mẹ có thể tìm đọc.
Nhà giáo dục người Nhật Shiomi Toshiyuki đã từng đúc kết nên những bài học rất hay để chia sẻ với cha mẹ rằng: “Nền tảng của học tập chính là sự tò mò”. Ông cũng đưa ra nhận định vì sao ngày nay trẻ em Nhật Bản lại học tập thụ động hơn, chính là vì trẻ em thiếu trải nghiệm để đôi tay được làm việc, được trải nghiệm với thiên nhiên. Ví dụ như khi làm việc nhà, đứa trẻ được sử dụng đôi bàn tay để cảm nhận độ nóng lạnh của nước, chất liệu các loại thực phẩm, cách điều chỉnh con dao khi thái, cách ước lượng để nêm gia vị sao cho vừa, hay khi lau nhà sẽ biết dùng lực của đôi tay và cả cơ thể như thế nào.
Những trải nghiệm đó sẽ lặp đi lặp lại và tích lũy trong não bộ của trẻ một bộ những kinh nghiệm, để sau này trong quá trình học kiến thức và gặp phải những tình huống tương tự, trẻ sẽ có thể gợi nhớ lại những điều đã làm trong quá khứ. Từ trải nghiệm thực tế rồi bắt gặp lý thuyết sẽ khiến trẻ thốt lên hào hứng “A thì ra là như vậy”, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu sâu hơn, đó là nền tảng giúp trẻ học tập một cách chủ động.
Nhưng trẻ con ngày nay thiếu tất cả những điều trên, bởi nhiều gia đình không coi trọng vì không hiểu tầm quan trọng của những trải nghiệm đó đối với qua trình hình thành nền tảng học tập cho trẻ.
2. Kỹ năng xử lí vấn đề, quản trị cuộc sống tốt hơn
Tôi và chồng đều sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông, nên từ lớp 2 - 3, chuyện giúp đỡ bố mẹ việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, rửa cốc chén, giặt quần áo, nấu cơm, thái rau lợn, nấu cám lợn là điều hiển nhiên. Riêng chồng tôi phải quán xuyến việc nhà sớm hơn tôi. Vì công việc của bố chồng tôi phải đi làm xa, nên chồng tôi còn kiêm nhiệm cả việc đồng áng giúp đỡ mẹ. Chuyện cuốc đất, đi cấy, tát nước, đi gặt, làm đồng,... anh đều phải làm. Có lẽ chính vì được rèn luyện thói quen sống tự lập và trách nhiệm từ nhỏ nên sau này khi đã có gia đình, anh là người chồng và người bố tuyệt vời, là chỗ dựa vững chãi cho cả gia đình.
Tôi thấy rằng nhờ quen làm việc nhà từ nhỏ nên kỹ năng xử lí vấn đề và quản trị cuộc sống, cũng như tự chủ cuộc sống của mình tốt hơn. Nhờ những kỹ năng này nên khi sang Nhật du học, tôi đã thích nghi rất nhanh với cuộc sống độc lập, tự quản lí thời gian, tiền bạc, xây dựng các mối quan hệ của mình mà không có cha mẹ ở bên.
7 năm bên Nhật, tôi đi làm thêm ở các quán ăn, khách sạn, cửa hàng thức ăn nhanh,... của Nhật và đã tích thêm cho mình rất nhiều kinh nghiệm sống. Có lần tôi về nhà bố mẹ nuôi người Nhật của tôi chơi, chị con gái của ông bà khi nhìn tôi rửa bát, dọn dẹp sau bữa ăn đã thốt lên: “Sao em có thể làm nhanh như thế nhỉ. Chị thấy dường như mọi thao tác của em đều có chủ đích rõ ràng mà không có chi tiết thừa”. Tôi cười bảo: "Vì khi em làm việc này, em đã phải tính toán đến việc tiếp theo để sắp xếp sao cho tiết kiệm thời gian và sức lực nhất. Đây là kỹ năng em đã được học khi làm thêm ở các quán ăn nữa đấy".
Làm việc nhà sẽ giúp đứa trẻ biết hình dung trong đầu mình cần sắp xếp làm gì trước, làm gì sau. Trong lúc bắc nồi nước luộc rau mình sẽ nhặt rau thay vì nhặt rau xong rồi mới bắc nồi. Chính quá trình rèn luyện hàng ngày như vậy đã giúp đứa trẻ có kỹ năng tốt trong việc sắp xếp công việc và xử lí tình huống thực tế. Đồng thời giúp trẻ biết quản lí thời gian và cuộc sống tốt hơn, tự tin hơn, và từ đó quản trị cuộc đời của mình tốt hơn.
3. Tinh thần trách nhiệm, biết quan tâm đến những người xung quanh
Sai lầm của cha mẹ là coi trọng việc học của con hơn là xây dựng giá trị văn hoá gia đình thông qua việc giao trách nhiệm làm việc nhà cho con. Con chỉ việc học, cả thế giới đã có cha mẹ lo.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình khi trẻ còn ở độ tuổi mẫu giáo 4 - 6 tuổi thì nghĩ rằng trẻ chưa biết gì, làm sẽ chậm nên bố mẹ làm hết cho nhanh. Đến khi trẻ đi học tiểu học rồi cấp trung học và cấp trung học phổ thông lại coi trọng chuyện thành tích ở trường nên không bắt con phải làm việc nhà. Các con được ưu tiên cho đi học thêm kín tuần hơn là việc phải dành thời gian một vài buổi sau giờ học chính khoá để giúp đỡ cha mẹ nấu cơm, dọn nhà. Chính vì thế trẻ không còn cơ hội nào để tham gia vào làm việc nhà cùng cha mẹ.
Khi cha mẹ không cần trẻ làm việc nhà, vì nghĩ rằng nó không quan trọng, nghĩa là cha mẹ đã tự tước bỏ cơ hội giúp con biết sống có trách nhiệm và biết quan tâm đến cha mẹ mình và mọi người xung quanh.
Những đứa trẻ lớn lên chỉ quen NHẬN mà không có trải nghiệm CHO ĐI, chúng sẽ trở nên ích kỉ, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không biết nhìn ra mọi người xung quanh. Khi gặp những điều không theo ý mình chúng sẽ dễ dàng đổ lỗi cho mọi người, dễ dàng suy sụp và đổ vỡ trong các mối quan hệ xã hội và trong công việc sau này.
Trong cuốn sách "Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ", tác giả đã kể rằng, ngay cả khi đứa trẻ làm việc nhà trong thái độ hậm hực vì bị bắt ép thì khi lớn lên, đứa trẻ ấy cũng học được cực kì nhiều bài học ở đó. Nó học được tính trách nhiệm, kỹ năng xử lí tình huống, kĩ năng kiềm chế và kiên nhẫn, và cả sự khiêm nhường, biết ơn nữa.
4. Là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này
Trong thế kỉ 21, nữ giới sẽ ngày càng độc lập hơn, tự tin hơn, giỏi giang hơn để ngang bằng với nam giới. Vì thế phụ nữ sẽ không muốn gánh trên vai những khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” nữa. Họ muốn người bạn đời của mình sẽ phải có những kỹ năng biết quản trị cuộc sống, biết chăm lo cho gia đình, chia sẻ và gánh vác việc nuôi dạy con cùng vợ. Hơn hết, họ cần một người biết quan tâm và trân trọng người vợ của mình. Điều quan trọng nhất vun đắp nên đời sống vợ chồng bền chặt chính là sự chia sẻ và quan tâm đến nhau. Tôi đã chứng kiến có rất nhiều người đàn ông giỏi giang và thành đạt trong sự nghiệp, nhưng lại sống thiếu kỹ năng này trong gia đình. Có những người sau khi kết hôn thì thay đổi được bản thân, nhưng cũng không ít người không bao giờ thay đổi.
Cuộc sống của chúng ta không chỉ có mỗi tài năng và sự nghiệp. Muốn hạnh phúc chúng ta cần rất nhiều năng lực, kỹ năng mềm để cân bằng cuộc sống của mình, làm hài hòa các mối quan hệ.
Cũng là một người đang nuôi dạy một bé trai, tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các bà mẹ khác như tôi rằng, hãy dạy con trai làm việc nhà từ nhỏ, vì nó không chỉ giúp con bạn quản trị cuộc sống của mình tốt hơn, mà còn đem lại hạnh phúc cho gia đình của mình sau này. Bởi vì, một người có nhiều trải nghiệm “thực” bao giờ vốn sống cũng phong phú và tính cách thú vị hơn những người chỉ có trải nghiệm qua “sách vở”.
kilala.vn
Đôi nét về tác giả:
Chị Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn) tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, là đồng sáng lập và kiêm giám đốc đào tạo của hệ thống Trường Mầm non Tsubaki. Chị là tác giả của hai cuốn sách rất hot "Kỉ luật mềm của trái tim" và "Đọc ehon cho bé" và là dịch giả của nhiều đầu sách nuôi dạy con của Nhật như: “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập”, “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, tập 2”, và rất nhiều Ehon Nhật như bộ “Chơi cùng Momo”, bộ “Voi Pao”,...