Mẹ Việt ở Nhật chia sẻ cách nuôi dạy con trong môi trường đa ngôn ngữ
Gia đình Nhật Bản
Bài: Hoàng Vy
Ảnh: NVCC
Một lần tình cờ mình có đọc một bài đăng của một mẹ trong nhóm "Các bà mẹ nuôi con tại Nhật". Bài viết bày tỏ sự lo lắng về chuyện con được một tuổi rưỡi rồi nhưng chưa nói được tiếng Việt hay Tiếng Nhật gì nhiều. Bên dưới bài viết có rất nhiều bình luận của các mẹ khác đồng cảm cùng hoàn cảnh vì “con mình cũng ... tháng rồi nhưng chỉ nói được vài ba từ”. Có lẽ đây là nỗi lo chung của rất rất nhiều bà mẹ nuôi con ở nước ngoài. Ai cũng muốn con mình nói được tiếng mẹ đẻ, đồng thời cũng mong muốn con nói được tiếng bản xứ lưu loát như các bạn trong lớp.
Nỗi lo lắng đều như nhau nhưng chúng ta thử dừng lại một nhịp và suy nghĩ khác đi một chút nhé. Thay vì đặt một câu hỏi mang đầy áp lực cho con - “Vì sao con em ... tháng rồi vẫn chưa nói được?”, bạn hãy thử một lần đặt câu hỏi ngược lại để hiểu con nhiều hơn: “Vì sao con chậm nói hơn các bạn trong lớp?”, “Mình nên làm gì để giúp con?”
Câu chuyện gia đình
Khi con một tuổi rưỡi, mình cũng đã từng có chung nỗi lo như những người mẹ khác nuôi con ở Nhật. Khi con đi học mẫu giáo được một thời gian, cô giáo người Nhật đã nói chuyện riêng với mình về việc bé không hiểu tiếng Nhật trong khi các bạn bằng tuổi đã bập bõm được vài từ. Cô giáo nói nhìn con mình rất tội nghiệp. Khi cô nói "các con đi rửa tay nào”, các bạn trong lớp đồng loạt đứng lên chạy đến bồn rửa tay, chỉ riêng con ngồi lại ngơ ngác.
Cô khuyên mình nên nói tiếng Nhật ở nhà, cho bé tiếp xúc với tiếng Nhật nhiều hơn để bé theo kịp được các bạn. Nghe cô nói xong nói thật mình hoang mang và lo lắng lắm! Mình cũng nôn nóng muốn con theo kịp tiếng bản xứ như các bạn, cũng muốn làm theo lời cô giáo khuyên nhưng đồng thời cũng muốn con nói được tiếng mẹ đẻ. Thật sự, khoảng thời gian đó, mình không biết phải làm thế nào thì tốt cho con.
Mình đã gọi điện lên ban tư vấn trẻ em ở TP để tham vấn về trường hợp của con, nhưng nói chuyện được một lúc thì mình nhận ra cuộc nói chuyện sẽ không đi đến đâu vì người tư vấn cũng chỉ nói như cô giáo: “nói chuyện tiếng Nhật với con, cho con tiếp xúc với Tiếng Nhật thật nhiều”.
Cuộc điện thoại đã giúp mình nhận ra một điều là cả cô giáo và người tư vấn đều không có kinh nghiệm trong việc nuôi trẻ đa ngôn ngữ. Mục tiêu của các cô là giúp bé nói được tiếng Nhật, còn mục tiêu của mình là giúp con mình nói được cả 2 thứ tiếng nên người có thể giúp con trong lúc này chỉ có thể là MẸ.
Sau đó, mình tìm đọc một số tài liệu về việc nuôi dạy con trong môi trường đa ngôn ngữ và hiểu ra rằng trẻ tiếp xúc với nhiều hơn một ngôn ngữ trong giai đoạn đầu sẽ chậm nói hơn trẻ chỉ tiếp xúc với một ngôn ngữ. Sau một thời gian, khi các ngôn ngữ dần định hình, bản thân trẻ sẽ tự biết cách xử lí chúng rất tuyệt vời.
Nhận ra điều đó giúp mình không còn lo lắng như trước nữa vì hiểu được con chậm tiếng bản xứ hơn các bạn là việc rất bình thường.
Các cô thì cứ thúc mình nói tiếng Nhật với con nhiều hơn, mình cứ ậm à ậm ừ nhưng ở nhà mình lại càng nói tiếng Việt và đọc sách tiếng Việt cho con nhiều hơn.
Hiện tại bé nhà mình được 2 tuổi 3 tháng, bé đã phân biệt được rất rõ sự tồn tại của 2 ngôn ngữ. Khi ở nhà bé nói tiếng Việt với ba mẹ (đôi khi nói được câu khá dài), và ở trường bé cũng có thể hiểu lời nói của các cô. Tiếng Nhật bé cũng đã biết khá nhiều từ vựng, tuy nhiên nói câu tiếng Nhật dài có lẽ chưa bằng các bạn. Nhưng với mình, như vậy là rất ổn rồi.
Thật mừng vì lúc trước không vì quá lo lắng mà từ bỏ việc trau dồi tiếng mẹ đẻ cho con, nếu lúc đó vì nôn nóng, mình chuyển qua dùng tiếng Nhật với con thì hiện tại có lẽ tiếng Nhật của con có thể bắt kịp với các bạn nhưng con sẽ không nói được tiếng Việt. Còn với hiện tại, nếu con còn học ở Nhật, cùng với thời gian bằng khả năng hấp thụ của bản thân, con sẽ dần dần hình thành được cả hai ngôn ngữ.
Bài học rút ra qua quá trình quan sát và tiếp xúc với trẻ em nước ngoài trong trường học ở Nhật
Nuôi con trong môi trường đa ngôn ngữ mà ngay từ đầu cha mẹ đi sai đường trong cách giáo dục trẻ, hậu quả có thể rất nghiêm trọng khi trẻ dần lên các lớp lớn hơn.
Trong thời gian còn làm tại lớp học Quốc Tế ở một vài trường tiểu học của Nhật, mình đã có dịp tiếp xúc với nhiều trẻ em người nước ngoài (Brazil, Philippines, Việt Nam,...). Nhiều em gặp khó khăn về ngôn ngữ và không theo được chương trình học, đâm ra chán nản, muốn nghỉ học. Có em đi học mỗi ngày trong tâm trạng lây lất “cho qua ngày”, ngồi ở lớp như vô hình. Tiếp xúc với các em giúp mình nhận ra một điều là không phải cứ trẻ con sinh ra ở Nhật, đi học trường Nhật từ bé là có thể hiểu hết được bài giảng ở trường Nhật. Nhiều em sinh ra ở Nhật, có thể giao tiếp Tiếng Nhật lưu loát nhưng nghe giảng bài thì không hiểu mấy. Có em làm toán bằng số và công thức tốt nhưng khi gặp bài toán dạng đoạn văn là các em bị khựng, đọc không hiểu đề, không làm được. Đa phần các em gặp vấn đề với các môn cần khả năng đọc hiểu. Dù có thể "tám" chuyện lưu loát nhưng không viết văn được, không phát biểu cảm tưởng được như các bạn bản xứ.
Vì sao lại như vậy?
Điểm chung của các em này là có cha/mẹ (đa phần là mẹ) hoặc cả cha mẹ là người nước ngoài. Cha/mẹ không rành tiếng Nhật nên nói chuyện với các em bằng tiếng Nhật đơn giản, từ nào không biết thì nói tiếng mẹ đẻ nên các đoạn hội ở nhà chủ yếu là những câu hỗn hợp pha lẫn cả hai thứ tiếng.
Cha mẹ nếu không sử dụng thành thạo tiếng bản xứ nhưng cố gắng giao tiếp với con bằng tiếng bản xứ, con thì không được nuôi dưỡng tình yêu với tiếng mẹ đẻ thì khi con càng lớn sẽ càng không quan tâm đến ngôn ngữ đó và dần dần có xu hướng cảm thấy xấu hổ khi nghe cha mẹ nói tiếng mẹ đẻ.
Khi trẻ ở các lớp mẫu giáo, cha mẹ thấy an tâm khi nói tiếng Nhật với con, khi con nghe hiểu kịp với các bạn. Nhưng khi lên lớp lớn hơn, cha mẹ không theo kịp tiếng Nhật của con mà vẫn giữ cách giao tiếp như vậy thì tiếng Nhật của con chỉ quanh quẩn những đoạn hội thoại bình thường như “Ăn cơm không?” hay “Đi tắm đi”.
Giữa con cái và cha mẹ không nói những việc phức tạp hơn nên khi đến lớp con cũng chỉ giao tiếp được với bạn bè ở mức cuộc hội thoại thường ngày, trong khi đó vào bài học khi cần hiểu những từ khó hơn thì con lại không hiểu được. Nhiều cha mẹ không nhận ra tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ, nghĩ rằng tiếng mẹ đẻ sẽ không giúp được nhiều trong việc học tiếng Nhật ở trường. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy, nếu trẻ thành thạo tiếng mẹ đẻ, ít nhất khi gặp những từ tiếng Nhật khó ở lớp ví dụ như “tương đồng”, “định nghĩa”,...thì nếu có ngôn ngữ nền hoặc đã từng nghe qua các khái niệm này sẽ giúp bé nắm bắt được nội dung bài giảng ở lớp nhanh hơn. Tiếng mẹ đẻ cũng sẽ giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khăng khít hơn, khi gặp khó khăn ở lớp trẻ có thể tâm sự với cha mẹ để nhờ sự giúp đỡ.
Nếu trẻ không giao tiếp được với cha mẹ nhiều hơn những câu hội thoại xoay quanh việc ăn, ngủ,... dần dần trẻ sẽ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Đồng thời trẻ cũng sẽ cảm thấy bản thân khác biệt với các bạn trong lớp. Dần dà, trẻ sẽ hoang mang không biết bản thân thuộc về nơi nào, từ đó đâm ra chán nản việc học, không muốn đến lơp, cũng như không muốn trò chuyện với cha mẹ nữa.
Để kết thúc bài viết này, mình muốn chia sẻ với bạn một trích đoạn nghiên cứu sau để bạn có thể hình dung một bức tranh rõ hơn trong việc lựachọn phương pháp nuôi con:
「複数の言語・文化で育つ子どもの言語発達について、母語の力が大切です。母語は4,5歳から8歳の間に成長し、12、13歳までに形成されます。母語と日本語の力を同時に育てるためには、保護者が自信を持って使える言葉を家庭で意図的に使用し、子どもに「話しかけ、話し合い、読み聞かせ」をすることが重要です。家庭と学校で言語を使い分けても、言語発達が遅れることはありません。」- 伊勢崎市教育研究所
Mình tạm dịch: “Đối với việc phát triển ngôn ngữ của những trẻ lớn lên trong môi trường giao thoa của nhiều thứ tiếng và văn hóa khác nhau, thì năng lực tiếng mẹ đẻ đóng một vai trò rất quan trọng. Ngôn ngữ mẹ đẻ có thể phát triển trong giai đoạn trẻ từ 4 - 5 tuổi cho đến 8 tuổi và định hình khi trẻ được 12 - 13 tuổi. Để có thể dạy trẻ đồng thời hai ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và cả tiếng Nhật, thì điều quan trọng là phụ huynh cần sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ THÀNH THẠO, TỰ TIN và một cách CÓ CHỦ ĐÍCH tại gia đình, cố gắng hỏi han, trò chuyện và đọc sách cho trẻ nghe thật nhiều. Trẻ sử dụng đồng thời cả hai thứ tiếng khác nhau tại nhà và trường sẽ không gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến chậm phát triển ngôn ngữ" - Theo “Viện Nghiên Cứu Giáo Dục TP. Isesaki.
Câu chốt của bài nghiên cứu này là trẻ sẽ “không gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến chậm phát triển ngôn ngữ” tức là muốn nói khi các ngôn ngữ đã định hình thì trẻ có khả năng sử dụng đồng thời cả 2 (thậm chí 3, 4) mà không bị loạn hay bị chậm ngôn ngữ nào. Còn thời gian đầu thì trẻ có chậm hơn các bạn xung quanh một chút cũng là bình thường.
Quan trọng là nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với các mẹ nuôi con trong môi trường đa ngôn ngữ thì tốt nhất nên chọn giao tiếp với con bằng ngôn ngữ mình thành thạo và tự tin nhất một cách có chủ đích. Để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu ngôn ngữ cho trẻ thì việc không ngừng lo lắng và hỏi “tại sao con tôi thế này” sẽ không giúp ích được nhiều, thay vào đó hãy cố gắng “hỏi han, trò chuyện và đọc sách cho trẻ nghe thật nhiều” các mẹ nhé!
Chúc các mẹ mãi luôn là người bạn tuyệt vời của con!
kilala.vn