Người Nhật rất thích mì! Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tiệm mì, nhà hàng mì trên khắp các con phố, nhà ga ở Nhật Bản. Cũng như Việt Nam, Nhật Bản đã hấp thu nền văn hóa mì sợi từ Trung Quốc nhưng lại rất tài tình trong việc sáng tạo và phát triển mì sợi theo đặc điểm địa lý và con người của đất nước mình. Udon dai dẻo, Soba nhiều dinh dưỡng hay Ramen khác biệt đặc trưng,... tất cả đã tạo nên một nền văn hóa mì sợi vô cùng phong phú, độc đáo và hoàn toàn thuần túy Nhật Bản. Đến nay, không chỉ người Nhật mà ngay cả bạn bè quốc tế cũng không thể thoát khỏi sức hấp dẫn của những món mì xứ Phù Tang.
Lịch sử sợi mì Nhật Bản
Trên khắp Nhật Bản cũng như thế giới có vô vàn các loại mì khác nhau nhưng nhân loại cho rằng tất cả đều khởi nguồn từ Trung Quốc. Trong khoảng thời gian từ thời đại Nara đến Heian (thế kỉ 7 - thế kỉ 9), món Karagashi - bánh nhào từ bột mì, nước và muối rồi đem nấu hoặc chiên - được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản. Đây là được xem là hình thức sơ khai của mì Udon và Somen Nhật Bản. Ban đầu món ăn này có hình dáng như bánh bao, dần dần về sau được cắt nhỏ để ăn và đến khoảng thế kỉ 14 thì có hình thức như Udon ngày nay. Phổ biến từ nửa sau thế kỉ 19, tuy muộn màng nhưng mì Ramen với những nét độc đáo riêng đã trở thành một trong những món ăn quốc hồn quốc túy của xứ Phù Tang.
Mặc dù văn hóa ẩm thực Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lúa gạo nhưng ngày xưa, kiều mạch và lúa mì được gieo trồng như loại nông sản thay thế vào những mùa không trồng lúa gạo. Vì thế, những món mì độc đáo với nguyên liệu đặc trưng của từng vùng được ra đời, phát triển và hình thành nên nền văn hóa mì sợi đa dạng của Nhật Bản ngày nay.
“Xì xụp khi ăn mì” - văn hóa đặc trưng của người Nhật
Không để phát ra âm thanh khi ăn gần như là phép tắc lịch sự thông thường phổ biến trên thế giới.Tuy nhiên, ở Nhật có một ngoại lệ, là khi thưởng thức món mì sợi, người ăn được khuyến khích phát ra âm thanh xì xụp húp mì.Món mì mà người Nhật không xì xụp khi ăn có lẽ là Pasta của phương Tây. Có nhiều giả thuyết xoay quanh lý do tại sao người Nhật lại để phát ra âm thanh khi húp mì, nhưng nghe nói nhiều nhất là hai giả thuyết sau đây. Một là, vào thời Edo, dân chúng quá bận rộn với công việc, vì phải ăn uống vội vàng nên để phát ra tiếng khi ăn. Giả thuyết khác là không khí được đưa theo mì vào miệng sẽ khiến người ăn cảm thấy thích thú hơn khi thưởng thức hương vị món ăn. Vì là thói quen có từ xa xưa nên rất nhiều người Nhật nghĩ rằng “Mì thì phải húp xì xụp mới ngon”. Mặc dù nên xì xụp khi ăn mì Nhật, nhưng hành động đó có thể gây khó chịu cho những người không phải là người Nhật. Vì vậy nếu có ý định thử ăn mì như người Nhật thì nên quan sát xung quanh trước nhé.
Đọc tiếp:
Mì Udon từng là món ăn cao cấp
Mayu Senda / kilala.vn