Ogasawara - Màu xanh tuyệt sắc bao phủ quần đảo thần bí
Du lịch Nhật Bản
Bài: Mayu Senda / Hợp tác: ASEAN-Japan Centre
Biên dịch: Lăng Vi
Quần đảo Ogasawara nằm cách Tokyo khoảng 1.000km về phía Nam, mất khoảng 25 tiếng rưỡi nếu đi tàu từ bến Takeshiba Sanbashi (Tokyo). Với gần 30 đảo nhỏ, tổng diện tích Ogasawara là khoảng 104km2. Trải suốt lịch sử lâu dài từ khi quần đảo khai sinh, chưa bao giờ nơi đây tiếp giáp với đất liền. Các loài động thực vật đến được hòn đảo bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có loài nương theo gió và dòng hải lưu, có loài tự do bay lượn như chim muông, trải qua bao năm tháng dài đã tiến hoá và tạo nên một hệ sinh thái độc đáo. Với sự tồn tại của nhiều giống loài đặc hữu, quần đảo thần bí này còn được gọi là “Galapagos Đông Dương”. Năm 2011, nơi đây được ghi nhận là Di sản Thế giới do sở hữu môi trường tự nhiên đặc biệt độc đáo.
Hoàng hôn trên biển Sakaiura, đảo Chichi-jima. Con tàu mang tên Hamaemaru bị mắc cạn và bỏ lại trong thời chiến rất nổi tiếng (Ảnh: Ogasawara Village Tourism Bureau)
Người ta gọi màu xanh của biển trải rộng khắp quần đảo Ogasawara bằng cái tên “Bonin Blue”. Cho đến năm 1830, Ogasawara vẫn là đảo không người ở, vì vậy nó được gọi là “Buninjima” - tức “Đảo không người” – từ đó mới có biệt danh “Bonin Island”. Bonin Blue có vẻ đẹp rực rỡ đến choáng ngợp, với những rặng san hô tuyệt đẹp trải rộng, cá voi, cá heo và vô vàn những loài cá đa sắc màu sinh sống. Nơi này cũng nổi tiếng là nơi sinh sản của rùa biển, vào tầm tháng 6 - tháng 7 rùa biển mẹ sẽ đến đẻ trứng trên bãi cát.
Tháng 2 - tháng 4 là khoảng thời gian tốt nhất để quan sát cá voi lưng gù (Ảnh: Ogasawara Village Tourism Bureau)
Một số loài sò ốc sinh sống trên cạn như ốc sên, chỉ tính riêng ở Ogasawara đã vượt hơn 100 chủng loại, hầu hết là những loài đặc hữu. Sự khác nhau về màu sắc và hình dáng vỏ ốc phụ thuộc vào nơi sinh sống đồng thời là những câu chuyện kể về ý nghĩa sự tiến hoá của sinh vật. Giống loài có vú đặc hữu duy nhất ở đây là “dơi khổng lồ Ogasawara” (Pteropus pselaphon). Chúng bay lượn bằng đôi cánh khi sải rộng có thể lên đến 90cm, đảm đương vai trò vận chuyển hạt giống và phấn hoa, nên còn được gọi là “Mori-no-mamorigami”, tức “Thần bảo hộ rừng”.
Khi con người di cư đến vùng đất này, mang theo những loài động thực vật trước nay chưa từng sinh sống ở Ogasawara, hệ sinh thái nơi đây bắt đầu bị xáo trộn. Thằn lằn Carolina (Anolis carolinensis) ăn côn trùng của đảo, mèo trở nên hung hãn và tấn công chim chóc, loài cây Akagi có sức sống phi thường đang loại bỏ dần những giống cây đặc hữu khác.
Hải âu Laysan (Laysan albatross) được chỉ định là loài có nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: Ogasawara Village Tourism Bureau)
Chúng ta cần hiểu rằng, có rất nhiều động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và nếu mọi việc cứ tiếp diễn như thế sẽ đẩy hệ sinh thái Ogasawara đến bờ diệt vong. Để bảo tồn thiên nhiên xinh đẹp phong phú của Ogasawara cho hậu thế, hãy nhớ rằng chúng ta cần phải hành động để bảo vệ hệ sinh thái của quần đảo.
Mayu Senda / kilala.vn