Kyoto thành phố cho người đi bộ
Du lịch Nhật Bản
NGUYÊN GIANG (dịch từ Japan for Sustainability). Ảnh xiangtao/PIXTA
Thành phố Kyoto với dân số hơn 1 triệu người hiện đang từng bước chuyển đổi thành một du lịch thân thiện với người đi bộ và giao thông công cộng. Theo đó, khu vực có mật độ giao thông cao nhất là đường Shijo đã được lựa chọn làm thí điểm. Dự án đã được triển khai vào ngày 17 tháng 11 năm 2014 và dự kiến hoàn thành cuối tháng 10 năm 2015.
Kyoto đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề gây ra bởi sự gia tăng số lượng người dân lệ thuộc vào xe hơi làm phương tiện đi lại. Hậu quả là giao thông tắc nghẽn, thành phố mất đi sinh khí và vẻ hấp dẫn, các tác động tiêu cực từ sự ấm lên toàn cầu ngày càng tăng, cùng với những thiệt hại về cảnh quan đô thị. Đó là lý do Kyoto đã phê duyệt dự án chỉnh trang nói trên với khẩu hiệu "Kyoto: Thành phố Đi bộ" nhằm bảo tồn và nâng cấp thành phố văn hóa lịch sử cho các thế hệ tương lai.
Đường phố Shijo được lựa chọn làm thí điểm vì có hai đặc điểm sau:
Thứ nhất, so về mật độ người qua lại thì bề ngang của vỉa hè là không tương xứng với độ rộng của các làn xe. Cụ thể, trong một giờ có đến 7.000 người qua lại trên cả hai vỉa hè với tổng chiều rộng 7 mét, trong khi đó đường phố bốn làn xe với tổng chiều rộng 15 mét lại chỉ có 2.200 người.
Nguyên do thứ hai là vì bản thân Shijo vốn có chức năng của một đầu mối giao thông nên tấp nập suốt cả ngày với số lượng lớn người dùng phương tiện giao thông công cộng. Tập trung ở đây là tuyến xe bus của các hãng như Kyoto City Bus, Kyoto Bus và Keihan Bus cùng với nhiều cổng ra vào của tàu điện ngầm và đường sắt Keihan Dentetsu và Hankyu Densha.
Dựa trên hai đặc điểm này, thành phố đã quy hoạch lại đường phố nhằm đạt được bốn mục tiêu chính.
Đầu tiên là mở rộng vỉa hè và thu hẹp các làn xe. Cụ thể, tổng chiều rộng hai bên vỉa hè 7 mét hiện nay sẽ được mở rộng đến 13 mét, trong khi đó đường phố sẽ được thu hẹp lại chỉ còn hai làn xe. Quy hoạch được thiết kế dựa trên quan điểm của khách bộ hành, nhằm tạo dựng một không gian đi bộ thoải mái và thú vị tại trung tâm thành phố.
Mục tiêu thứ hai là đưa vào sử dụng trạm dừng xe bus kiểu terrace (bục nền cao) và giảm số lượng điểm dừng xe bus nằm phân tán dọc theo đường phố. Tổng số 16 điểm dừng xe bus hiện nay sẽ được gom lại thành 4 điểm, bao gồm cả hai tuyến chạy về phía đông và phía tây. Với trạm dừng thiết kế kiểu terrace, người dùng xe bus sẽ được tách biệt và không còn gây cản trở cho sự qua lại của người đi bộ. Ngoài ra nó còn trợ giúp rất nhiều cho người ngồi xe lăn.
Mục tiêu thứ ba là quy hoạch lại không gian đậu xe. Theo đó, các loại phương tiện chỉ được phép dừng đổ trong vòng 5 phút tại một trong 15 bãi đậu xe định sẵn để đón thả khách hoặc bốc dỡ hàng. Mỗi bãi đậu xe như vậy có thể chứa đến 32 chiếc cùng lúc.
Thứ tư là chỗ đậu chờ khách của taxi. Tại các khu vực có mật độ giao thông cao chỉ còn hai chỗ đậu taxi; một nằm trước tòa nhà Daimaru (chạy về phía đông), và một ở trước tòa nhà Takashimaya (chạy về phía tây). Hành khách cũng có thể lên và xuống taxi tại 15 chỗ đậu xe nói trên.
Bằng cách giảm số lượng làn xe, Kyoto là thành phố đầu tiên ở Nhật Bản chuyển đổi con đường sầm uất nhất của mình thành một nơi chốn thân thiện với khách bộ hành và giao thông công cộng. Dự kiến với diện mạo mới mẻ này, đường Shijo sẽ mang lại sự thoải mái và thú vị cho người dân cũng như du khách, và thành phố Kyoto sẽ lấy lại một số nét duyên dáng vốn có của mình.
Source: Japan for Sustainability