Top 10 vị trí tuyển dụng trong doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam
Công sở Nhật Bản
Bài: Bùi Quỳnh Trang
Ảnh: PIXTA
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam thì nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp này càng bức thiết.
Theo con số thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, 9 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Lũy kế đến hết tháng 9/2018, Nhật Bản có 3.899 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đạt 55,77 tỷ USD, tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Chính vì thế mà thị trường việc làm cho người học tiếng Nhật chưa bao giờ giảm sức nóng. Dưới đây là top các vị trí được đặt hàng tuyển dụng nhiều nhất của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tới JAC Recruitment - một trong những Tập đoàn tuyển dụng nhân sự hàng đầu tại Việt Nam.
1. Công nghệ thông tin (CNTT)
Không nằm ngoài dự đoán khi kỹ sư CNTT là vị trí tuyển dụng được các công ty Nhật yêu cầu nhiều nhất. Bởi nguồn nhân lực CNTT ở Nhật có thể nói là đang khan hiếm. Trong khi tại Việt Nam, CNTT phát triển nhanh chóng bởi tính cách đặc thù của người Việt là nhanh nhạy trong tư duy cũng như tính linh hoạt cao trong việc giải quyết tình huống, những yếu tố then chốt trong ngành CNTT.
2. Kỹ sư cầu nối (BrSE)
Tiếp theo là ngành nghề không còn xa lạ với những bạn đang tìm kiếm công việc ở các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, đó là kỹ sư cầu nối. Lý do các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có nhu cầu lớn đối với vị trí này, chỉ sau kỹ sư CNTT, đó là vì rào cản ngôn ngữ hay lớn hơn đó là rào cản văn hóa, giữa khách hàng (doanh nghiệp Nhật, sử dụng tiếng Nhật) và lập trình viên, kỹ thuật viên (không biết tiếng Nhật). Công việc này cần phải hội đủ 4 yếu tố “Kỹ thuật, ngoại ngữ, giao tiếp và quản lý”. Hiện nhu cầu tuyển dụng vị trí này của doanh nghiệp Nhật là cực kì lớn.
3.Trợ lý thư ký (tiếng Nhật)
Trợ lý thư ký tiếng Nhật là một công việc rất quan trọng đối với công ty, bởi ngoài việc xử lý giấy tờ sổ sách thì việc lên lịch hẹn cho sếp bằng tiếng Nhật cũng như liên lạc với đối tác Việt Nam cho thật chuẩn xác cũng là một yếu tố then chốt trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
4. Quản lý sản xuất (tiếng Nhật)
Quản lý sản xuất ngoài việc quản lý nhân công ở công xưởng thì còn là cầu nối giữa lãnh đạo (người Nhật) và nhân công (người Việt), truyền đạt mệnh lệnh từ lãnh đạo cũng như chuyển tải tiếng nói của nhân công tới lãnh đạo khi cần thiết.
5. Tổng vụ hành chính (tiếng Nhật)
Nhiệm vụ của Nhân viên tổng vụ thường là: Phụ trách chuẩn bị thủ tục hành chính, thủ tục xin và gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặt vé máy bay, khách sạn, làm visa... cho cán bộ nhân viên đi công tác, quản lý văn phòng phẩm, đồ dùng văn phòng, phiên dịch tài liệu Nhật - Việt, quản lý chấm công, quản lý hợp đồng...
6. Kế toán trưởng
Vị trí này không nhất thiết phải có tiếng Nhật hay tiếng Anh, tuy nhiên với một số doanh nghiệp Nhật quy mô lớn thì tiếng Anh hay tiếng Nhật là điểm cộng rất lớn khi thỏa thuận lương với doanh nghiệp.
7. Biên phiên dịch tiếng Nhật
Đặc thù của doanh nghiệp Nhật là tận dụng nguồn lực một cách tối đa nên 1 vị trí được tuyển vào công ty thường kiêm nhiệm luôn nhiều chức vụ, trong đó bao gồm cả biên phiên dịch nên rất ít doanh nghiệp cần một vị trí biên phiên dịch riêng. Trừ khi khối lượng biên phiên dịch hoặc quy mô của doanh nghiệp quá lớn nên các vị trí phải chia nhỏ ra thì mới cần vị trí này.
8. Kiến trúc sư (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật)
Một vị trí khá mới mẻ khi nhắc tới tuyển dụng trong các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, đó là vị trí kiến trúc sư. Tuy nhiên, khó khăn ở đây vẫn là ngôn ngữ nên nhân sự kiến trúc phải có hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Nhật để làm việc trong môi trường doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam.
9. Tư vấn thuế, kế toán (từ cấp cao trở lên)
Đây là vị trí rất khó tuyển nhân sự tại Việt Nam. Vì để có thể làm tư vấn thuế, kế toán thì nhân sự đó phải có kinh nghiệm dày dặn về thuế cũng như kế toán tại Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài.
10. Luật (cấp cao, tiếng Anh cao cấp)
Không chỉ đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, tiếng Anh cực giỏi mà còn phải biết rõ luật của 2 hoặc nhiều hơn 2 quốc gia để có thể đưa ra những tư vấn hay trợ giúp có lợi nhất có thể cho doanh nghiệp.
kilala.vn