Làm thế nào để phát triển công việc, sự nghiệp tại Nhật Bản?
Nghề nghiệp Nhật Bản
Bài: Rin
Nguồn: tofugu
Trở thành giáo viên dạy tiếng Anh có lẽ là công việc phổ biến nhất tại Nhật dành cho người nước ngoài. Tuy nhiên, là một người ngoại quốc ở đất nước Mặt trời mọc, bạn vẫn có thể phát triển một công việc, sự nghiệp khác bằng cách chia nhỏ mục tiêu để hành động đến khi đạt được kết quả như mong muốn.
Nhật Bản được xem là điểm đến lý tưởng để sống và làm việc với nhiều người bởi bề dày lịch sử, nền văn hoá mang nhiều nét thú vị, hấp dẫn cùng ẩm thực phong phú làm say mê cả thế giới. Mặc dù công việc dạy tiếng Anh vô cùng phổ biến và trở thành phương tiện để nhiều người nước ngoài sinh sống tại Nhật, nhưng cũng có hàng nghìn người ngoại quốc đã không chọn công việc này mà theo đuổi một ngành nghề khác phù hợp với năng lực, sở thích để khẳng định bản thân và có trải nghiệm trọn vẹn nhất tại đất nước Nhật Bản.
Để phát triển sự nghiệp tại Nhật Bản với một người nước ngoài hiển nhiên có rất nhiều chướng ngại vật, trong đó, ngôn ngữ có lẽ là rào cản đầu tiên và lớn nhất. Nhưng nếu vạch ra đường đi nước bước rõ ràng, bạn hoàn toàn có thể chinh phục được. Cùng tham khảo ngay 6 bước sau đây để có một công việc, sự nghiệp ở đất nước Mặt trời mọc nhé.
Bước 1: Xác định mục tiêu của bản thân
Điều đầu tiên cần làm khi tìm kiếm một công việc tại Nhật Bản chính là quyết định xem bạn thật sự muốn làm gì. Rõ ràng, khác với việc trở thành giáo viên ngoại ngữ, có một công việc như lập trình viên trong ngành video game tại Nhật cần nhiều nỗ lực hơn. Dù là dạy tiếng Anh hay làm công việc chuyên môn khác, điều quan trọng là quyết định, xác định rõ mục tiêu trước khi bắt đầu thực hiện.
Thêm vào đó, việc giữ cho mục tiêu đã đặt ra xuất hiện thường xuyên trước mắt bạn cũng vô cùng cần thiết. Một số cách hữu hiệu như làm một tấm poster lớn rồi viết danh sách các mục tiêu và treo nó ngay cạnh giường ngủ, hoặc hẹn báo thức hàng ngày trên điện thoại để nhắc nhở bạn không quên phải nỗ lực. Hãy làm mọi cách để giữ cho mục tiêu luôn ở trước mắt, điều này sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến công việc mơ ước.
Xác định được mục tiêu là một chuyện, nhưng cần có phương pháp phù hợp để đạt được nó. Một mục tiêu lớn trông có vẻ khá khó khăn, nhưng nếu biết cách phân chia thành những mục tiêu nhỏ, mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều, cũng giống với việc bắt đầu từng bước để nấu một công thức món ăn mới vậy.
Bước 2: Học tiếng Nhật
Nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn tìm kiếm các công việc khác ngoài dạy ngoại ngữ tại Nhật và trải nghiệm đất nước Mặt trời mọc một cách trọn vẹn nhất, khả năng tiếng Nhật bắt buộc phải được nâng cao. Hiện nay, hầu hết các công việc dành cho người nước ngoài tại Nhật đều yêu cầu trình độ tiếng Nhật JLPT N2 hoặc N1. Mặc dù vẫn có những công việc khác đòi hỏi trình độ tiếng Nhật thấp hơn như lập trình viên (IT), lao động chân tay hay làm việc xuyên đêm tại các xưởng Bento, nhưng ngay cả những công việc như vậy, nếu giao tiếp được tiếng Nhật, chúng cũng sẽ trở nên thú vị và dễ dàng hơn rất nhiều.
Học 3 bảng chữ cái tiếng Nhật
Để bắt đầu hành trình chinh phục tiếng Nhật, bạn có thể tham khảo nhanh một số mẹo giúp việc học tập trở nên hiệu quả hơn. Vì tiếng Nhật có 3 bảng chữ cái, nên để tiếp xúc với tiếng Nhật, bước đầu tiên sẽ là học bảng chữ cái Hiragana, sau đó đến bảng chữ cái Katakana và cuối cùng là Kanji. Với hai bảng chữ cái đầu tiên, cách học dễ nhớ nhất là sử dụng hình ảnh minh hoạ kèm theo từng chữ, hay còn gọi là “Mnemonic method”. Trọng tâm của phương pháp này là gắn những điều ta chưa biết với những gì đã quen thuộc như tranh ảnh, câu chuyện, bài hát... hay bất cứ thứ gì bạn có thể tưởng tượng ra.
Với Kanji, tổng cộng có khoảng 50.000 chữ, tuy nhiên, theo giáo trình ôn thi JLPT từ cấp thấp nhất là N5 đến N1 có khoảng 2.154 chữ cần phải ghi nhớ. Để việc học Kanji trở nên dễ dàng hơn, bạn nên tìm hiểu thêm 214 bộ thủ chữ Hán vì chữ Kanji trong tiếng Nhật được phát triển từ tiếng Trung. Mỗi chữ Kanji thường sẽ do nhiều bộ thủ ghép lại, nên khi có thể tách chúng thành từng phần nhỏ, bạn sẽ dễ hiểu và ghi nhớ nhanh hơn. Hiện nay, có khá nhiều trang web và ứng dụng học chữ Kanji như NHK Easy Japanese News, Jdict, WaniKani. Ngay từ lúc bắt đầu học tiếng Nhật, bạn nên chú trọng đến việc học bảng chữ này vì chữ Kanji xuất hiện khắp mọi nơi, từ các văn bản đến cuộc sống thường ngày ở Nhật. Nếu trang bị kỹ vốn Kanji, việc đọc hiểu tiếng Nhật của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Học ngữ pháp tiếng Nhật
Song song với việc học 3 bảng chữ cái trên là học ngữ pháp. Một số giáo trình ngữ pháp tiếng Nhật đang được ưa chuộng hiện nay như “日本語祖まとめ – Nihongo Soumatome”, “みんなの日本語 – Minna no Nihongo” hay “耳から覚える – Mimi kara Oboeru”.
Xem thêm: 7 giáo trình luyện tiếng Nhật bổ ích
Luyện phản xạ và giao tiếp
Luyện thi JLPT để đạt trình độ N2
Chặng cuối cùng trong việc học tiếng Nhật chính là học để luyện thi JLPT – Kỳ thi Năng lực Nhật ngữ. Mục tiêu sau cùng để có thể tìm kiếm việc làm tại Nhật là đạt trình độ N2 trong kỳ thi JLPT. Đây chính là trình độ tối thiểu để bạn có thể gia nhập vào lực lượng người lao động ở Nhật Bản. Một điều cần lưu ý trong quá trình luyện thi JLPT chính là thay vì lao vào giải nhiều đề, bạn nên chú trọng luyện kỹ từng đề để không bỏ sót kiến thức nào.
Xem thêm: Chỉ còn 4 tuần để thi N3? Đừng lo lắng, đây là bí quyết
Bước 3: Networking - xây dựng mối quan hệ
Giống với những quốc gia khác, cơ hội tìm việc tại Nhật Bản sẽ cao hơn nếu bạn hiểu biết nhiều về lĩnh vực mà mình muốn dấn thân vào, và có khá nhiều cách để thực hiện việc này. Theo chia sẻ từ John - một bình luận viên Sumo và phóng viên thể thao ở Nhật, các bước từ một giáo viên tiếng Anh trở thành một phóng viên của anh là:
- Học tiếng Nhật trong khi vẫn dạy tiếng Anh.
- Tham gia vào một câu lạc bộ Sumo địa phương.
- Chuyển đến sống tại Ryogoku, nơi được mệnh danh là Thị trấn Sumo, tại quận Sumida, Tokyo.
- Xây dựng nhiều mối quan hệ thông qua các kênh online và offline.
- Bắt đầu công việc truyền thông.
- Có được công việc tại tờ Daily Yomiuri khi một nhà báo phụ trách chuyên mục Sumo mà anh quen biết qua các mối quan hệ đã nghỉ việc và giới thiệu cho anh công việc này.
- Một lần nữa thông qua mối quan hệ trong vòng tròn kết nối của mình, anh đã nhận được công việc tại nhà đài NHK vì họ đang cần một bình luận viên mới.
Tiếp theo, Tom Shuttleworth cũng từng là một giáo viên tiếng Anh, sau đó trở thành biên tập viên cho trang tin City-Cost chia sẻ hành trình của mình:
- Học tiếng Nhật trong khi vẫn dạy tiếng Anh.
- Ứng tuyển vào bất kỳ công việc tự do (freelance) nào mà anh có thể nhận như viết bài trên Craigslist, các website của bạn bè…
- Tham gia các sự kiện xây dựng mối quan hệ tại Tokyo.
- Bắt đầu viết bài cho trang City-Cost và cuối cùng được mời đến các cuộc họp sáng tạo.
- Sau một thời gian dài làm việc với vị trí freelancer, cuối cùng anh cũng trở thành biên tập viên toàn thời gian cho City-Cost.
Như vậy, để có được những cơ hội làm việc trong tương lai tại Nhật Bản, việc xây dựng các mối quan hệ là vô cùng cần thiết. Đầu tiên, bạn có thể theo dõi mọi người ở lĩnh vực mình yêu thích thông qua mạng xã hội, bắt đầu các cuộc trò chuyện, đặt câu hỏi và làm quen với họ. Kế đó, việc tham dự các sự kiện có liên quan đến lĩnh vực mình muốn làm việc cũng quan trọng không kém. Và tại đây, bạn cần thể hiện bản thân để mọi người hiểu rõ mình như điều gì làm cho bạn khác biệt, bạn đang tìm kiếm công việc như thế nào... Trong các dịp quan trọng này, sẽ thật tuyệt nếu bạn chuẩn bị sẵn danh thiếp để giới thiệu bản thân mình hoặc một bài Jikoshoukai (自己紹介) tạo được ấn tượng với mọi người. Đặc biệt, khả năng sử dụng tiếng Nhật thương mại sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp bạn khẳng định bản thân giữa "rừng" người học tiếng Nhật đã có bằng N2, N1 của kỳ thi JLPT.
Xem thêm: Tại sao bạn cần học tiếng Nhật thương mại?
Ngoài ra, dùng nhiều cách khác nhau để người khác biết đến bạn nhiều hơn cũng rút ngắn hành trình tìm được công việc trong mơ tại Nhật. Chẳng hạn như khi mong muốn làm ở ngành du lịch, bạn có thể bắt đầu lập một website giới thiệu các địa điểm tại Nhật Bản, hay muốn trở thành người mẫu có thể bắt đầu từ việc xây dựng kênh Instagram, còn muốn trở thành nhà văn, bạn nên mở blog hoặc một kênh Youtube để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mình có. Đây có vẻ như là một cách khá hiệu quả trong thời đại 4.0 hiện nay.
Xem thêm: 10 chứng chỉ hữu ích khi xin việc tại Nhật
Bước 4: Nộp đơn xin việc vào các công ty Nhật Bản
Khi đã xác định công việc yêu thích của bản thân, bạn nên bắt đầu "lùng sục" các tin tuyển dụng trên Internet thông qua việc đăng ký nhận Newsletter hoặc bật ứng dụng Google Alert để nhận được tin tức thường xuyên từ các trang web tuyển dụng lớn của Nhật Bản như Gaijinpot, Daijob hay Jobs in Japan.
Sau quá trình chọn lọc, bạn có thể cân nhắc đi phỏng vấn thử ở một số công ty dù ít liên quan đến lĩnh vực bạn mong muốn để có thêm kinh nghiệm cũng như tạo dựng nhiều mối quan hệ mới. Ngoài ra, việc tận dụng các mối quan hệ giống như trường hợp của John và Tom bên trên cũng là cách thiết thực.
Xem thêm: Hành trình tìm việc làm của sinh viên Nhật Bản
Bước 5: Lặp lại các bước trên nhiều lần cho đến khi tìm được công việc yêu thích
Tìm được một cơ hội việc làm chuyên môn tại Nhật Bản chưa bao giờ là điều dễ dàng với người nước ngoài, có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để lặp lại từ bước 2 đến bước 4 cho đến khi cơ hội gõ cửa. Điều quan trọng là hãy luôn giữ vững tâm thế, mục tiêu đã đặt ra và không bao giờ ngừng tiến lên phía trước. Dù bạn không thể kiểm soát được việc mất bao nhiêu thời gian để có được công việc mới, nhưng bạn hoàn toàn quản lý được niềm đam mê, nhiệt huyết mình dành để theo đuổi mục tiêu. Trong một số trường hợp, bạn tìm được công việc có chuyên môn khác với ước mơ ban đầu của mình thì vẫn có thể thử sức để biến chúng thành bước đệm đầu tiên cho hành trình phát triển sự nghiệp tại Nhật Bản.
Xem thêm: Lần đầu đi làm công ty Nhật, cần lưu ý điều gì?
kilala.vn