Thỏa thuận lương thưởng - những câu chuyện nhạy cảm
Công sở Nhật Bản
Bài: Minh Nhật/ Ảnh: PIXTA
Các bạn trẻ ngày nay khi đi phỏng vấn đã trở nên tự tin hơn rất nhiều khi đã biết cách tự PR cho bản thân, biết cách trình bày một cách mạch lạc suy nghĩ của mình về kiến thức chuyên môn, các kĩ năng, định hướng công việc trong tương lai v.v... với nhà tuyển dụng. Duy chỉ có một điều cực kì quan trọng vẫn thường bị các bạn cho là vấn đề “nhạy cảm” nên ngại đề cập tới mà bỏ qua hoặc chỉ trả lời qua loa, không dám thẳng thắn trao đổi với nhà tuyển dụng. Đó là chuyện lương, thưởng và các quyền lợi khác mình sẽ được hưởng khi được nhận vào làm việc.
Rất nhiều các bạn không dám trao đổi thẳng thắn với nhà tuyển dụng mức lương mong muốn của mình khi được hỏi, lại càng không dám “trả giá” khi được đề nghị một mức lương nào đó cho dù trong lòng đã nghĩ đến một con số cụ thể hoặc nghĩ mình xứng đáng được nhiều hơn thế nữa. Các bạn nghĩ rằng mình đang đi phỏng vấn xin việc, nghĩa là mình ở “cửa dưới”, nhà tuyển dụng mới là người có quyền đề nghị các mức lương thưởng đó cho các bạn, phần thì lo sợ nếu mình quá thẳng thừng tự đề nghị mức lương mong muốn sẽ dễ bị các nhà tuyển dụng gắn cho cái mác “chảnh” mà từ chối.
Thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Để cho dễ hình dung, bạn cứ nghĩ việc bạn đi xin việc cũng giống như một cuộc thương lượng trao đổi đúng theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Bạn là người bán, nhà tuyển dụng là người mua. Có ai đi bán hàng mà không biết tự ra giá bao giờ? Vì vậy, một khi bạn tự biết giá trị của bản thân, đã có một mức lương mong muốn, thì tại sao lại không mạnh dạn “ra giá” với người mua? Mặt khác, người mua, tự bản thân họ cũng nhận biết được họ đang đi “mua” mặt hàng nào, với giá trị tương xứng là bao nhiêu. Dĩ nhiên, cũng chỉ là một thuật nhỏ trong kĩ năng thương lượng, trừ trường hợp mặt hàng là hàng hiếm hoặc cần gấp người mua sẽ đồng ý chốt giá ngay với mức người bán đưa ra, không thì người mua sẽ mặc cả với bạn. Một lần nữa, nếu bạn thực sự biết được giá trị của bản thân mình, dù người mua có mặc cả như thế nào, bạn vẫn có quyền giữ chính kiến của mình. Bán hay không, đó hoàn toàn là quyền của bạn.
Thêm nữa, bạn sợ rằng mình đề nghị giá thẳng thừng sẽ làm cho nhà tuyển dụng - người mua bỏ đi? Không hẳn! Trước hết, bạn là người bán, bạn có quyền ra giá. Không ai dám phủ nhận điều đó. Thứ hai, bạn tự đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng mà xem: Bạn muốn tuyển một nhân viên mà chính người đó cũng không biết giá trị của mình tới đâu, không tự đánh giá, không tự tin vào bản thân mình, liệu bạn có dám chắc để tuyển dụng vào những vị trí tốt? Vì vậy, việc tự đề nghị một mức lương mong muốn chính là cách bạn chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy giá trị của mình, rằng bạn có chuyên môn, có kĩ năng và có cả sự chín chắn, sự tự tin cần thiết, thuyết phục họ rằng bạn có những điều hoàn toàn xứng đáng với mức lương mà bạn đề nghị đó!
Tuy nhiên, còn một lưu ý sau cùng, đó là việc đánh giá đúng giá trị của bản thân. Một mặt hàng dù tốt đến mấy, nhưng với một cái giá cao ngất ngưỡng không tương xứng tí nào với giá trị thực của nó, thì không phải là sự tự tin nữa rồi, mà trở thành “tự đại”.
Công ty trả lương cho bạn vì những kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng, những tư chất bạn có mà họ đã nhìn thấy qua hồ sơ, qua các vòng phỏng vấn cùng với sự kì vọng vào những cống hiến của bạn trong tương lai cho công ty, chứ không phải bạn đang đi xin xỏ lòng hảo tâm của họ mà không phải mất thứ gì, nên trước hết, hãy mạnh dạn “đưa giá đúng” bạn nhé!
Minh Nhật/ kilala.vn