Để có một bài thuyết trình cuốn hút
Công sở Nhật Bản
Bài: Kilala/ Hợp tác nội dung: Value Create/ Ảnh: Pixabay
Nếu bạn đã từng thuyết trình trước đám đông nhưng không được đánh giá cao, rất có thể bạn đã mắc phải những sai lầm mà đa phần người Việt hay mắc: (1) Đinh ninh là chỉ cần có chuyên môn giỏi thì sẽ trình bày tốt mà không cần chuẩn bị; (2) Luôn đứng một chỗ và mắt chỉ nhìn về hướng sếp ngồi, không bao quát cả phòng họp; (3) Thái độ thiếu tự tin, bị “khớp” khi thấy mọi con mắt đều đổ dồn vào mình; và quan trọng nhất là (4) Không nắm bắt được người nghe muốn nghe gì, mà chỉ nói điều mình muốn nói.
Để khắc phục những sai lầm đó và có được một bài thuyết trình cuốn hút, hãy cùng điểm qua những bí quyết sau đây nhé!
Ảnh: ふじよ/Pixta
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng
Hãy chắc chắn rằng bạn đã nắm được đối tượng tham dự buổi thuyết trình là ai, hiểu được họ muốn nghe những nội dung gì, mục đích của bạn khi tiếp cận họ là gì, và tìm ra phương pháp thích hợp để “chui” từ hai tai tới trái tim của họ. Nhớ chuẩn bị dàn ý thật chi tiết với phân bổ cho mở – thân – kết khoảng 10 – 80 – 10%, phần mở đầu thật ấn tượng với những con số thống kê, câu châm ngôn, hình ảnh minh họa sống động, mẩu chuyện vui, trò chơi,... và phần cuối bài cần tóm tắt, kêu gọi mạnh mẽ mọi người hành động với chủ ý xuyên suốt bài. Đặc biệt, đối với người Nhật, nếu trong phần thuyết trình có cả thông tin tốt và xấu, họ rất mong muốn bạn trình bày tin xấu trước, để có thể nhanh chóng tìm cách đối ứng và giải quyết vấn đề.
2. Tập luyện
Đừng ngại phải tập luyện trước gương hay nhờ người thân đóng vai khán giả. Chiếc điện thoại, máy nghe nhạc,... cũng có thể trở thành “trợ thủ đắc lực” giúp bạn biết chính xác điểm nào cần cải thiện. Tập luyện kỹ càng cho đến khi bạn thuộc làu bài phát biểu, biết nhấn mạnh vào những điểm quan trọng, bạn sẽ có được 80% sự tự tin khi trình bày.
3. Dáng vẻ
Thực ra không có chuẩn chung trong cách ăn mặc, tùy vào hoàn cảnh, đối tượng mà bạn nên điều chỉnh tổng hòa vẻ ngoài của mình, cốt làm sao để thể hiện sự tôn trọng đối với người tham dự. Nếu môi trường thân thiện và dễ tiếp cận: bạn không nên mặc trang phục quá trịnh trọng. Còn thuyết trình ở nơi nghiêm túc và lịch sự: hãy ăn mặc trang trọng và để ý tới cả những tiểu tiết trên trang phục.
4. Tư thế, cử chỉ, ánh mắt
Ánh mắt, giọng nói, biểu hiện trên gương mặt, dáng đứng, động tác tay,... đều có thể ảnh hưởng đến buổi thuyết trình của bạn. Cố gắng tránh nhìn chằm chằm, “so đầu rụt cổ”, tay đút túi quần, giọng nói nhỏ,... vì những điều này thể hiện bạn không tôn trọng người tham dự, và bạn chưa thật sự chuyên nghiệp. Hãy thể hiện sự cởi mở, tự tin của bạn bằng cách dùng mắt tương tác với tất cả mọi người, dừng lại ít nhất vài giây để thực sự giao tiếp bằng mắt.
5. Thái độ
Khi mọi ánh mắt đổ dồn về phía bạn, bạn sẽ dễ bị “khớp”, lóng ngóng, vụng về, thậm chí nói năng lắp bắp. Nhưng hãy luôn nhớ rằng người tham dự chắc chắn muốn nghe điều gì đó từ bài thuyết trình của bạn, vì vậy, họ luôn ủng hộ bạn. Khi bạn đã có 4 điều trên, cộng với thái độ mạnh dạn, tự tin, chắc chắn bạn sẽ có một bài thuyết trình thật tốt, đi vào lòng người, và kêu gọi mọi người hành động theo ý bạn.
kilala.vn
Hợp tác nội dung:
CÔNG TY VALUE CREATE
180 – 192 Nguyễn Công Trứ, Q.1, TPHCM
Điện thoại: (08) 3915 4236
Email: vietnam@valuecreate.net