3 bài học quan trọng cho người mới đi làm!
Công sở Nhật Bản
Bài: Chikako Morimoto/ Biên dịch: Nguyễn Đình Phúc
Ảnh minh họa: Pixabay
“Năm đầu tiên đi làm cũng giống như 5km đầu tiên của đường chạy Marathon dài 42.195 km. Nếu bạn cố gắng hết sức trong giai đoạn này thì bạn sẽ có thể lọt vào nhóm những người dẫn đầu.” Cuốn sách “58++ bài học vỡ lòng để trở thành No.1” của tác giả Chikako Morimoto chứa đựng những bí quyết thực tế giúp bạn trở thành người dẫn đầu trong 5km đầu tiên của sự nghiệp. Chuyên mục Office xin trích giới thiệu một phần nhỏ từ cuốn cẩm nang quý giá này.
Hãy đưa ra những ý kiến mà chỉ người mới mới có
Trong một cuộc họp tại nơi bạn làm việc hay trong một hội nghị lớn, đã bao giờ bạn vô tình biến mình trở thành “vật trang trí” im lìm một góc hay chưa? Đã bao giờ bạn e dè nghĩ rằng “người mới thì không nên tự ý nói xen vào” rồi chỉ quanh quẩn với vai trò “dự thính”? Nếu bạn cứ tiếp tục duy trì tình trạng đó thì giá trị tồn tại của bạn sẽ dần dần tiêu biến.
Tôi cũng đã từng là “vật trang trí” như thế trong một khoảng thời gian. Tôi đã nghĩ điều duy nhất mà tôi có thể làm được lúc ấy là lắng nghe và học hỏi từ những cuộc trao đổi giữa cấp trên và các đàn anh đàn chị. Nhưng sếp – người quản lý tôi lúc đó – đã nói thế này: “Trong các thành viên ở đây thì cô là người duy nhất chưa có kinh nghiệm. Suy nghĩ của cô là suy nghĩ gần với quan điểm của người tiêu dùng nhất. Vậy cô hãy cho mọi người nghe ý kiến từ góc độ và quan điểm đó.”
Thật vậy, chỉ có những nhân viên mới – những người chưa bị bó buộc trong chuyện lời-lỗ của công ty – mới có cái nhìn gần nhất với quan điểm của người tiêu dùng. Bạn nhất định phải tận dụng điều đó, tận dụng những đề xuất mới mẻ mà bạn có thể nghĩ ra trong khoảng thời gian bạn vẫn còn là “người mới”. Đó là những cống hiến đặc biệt mà bạn dành cho tập thể và công ty của bạn trong thời gian này.
Bạn có thể sẽ lo lắng và nghĩ ngợi, rằng: “Tùy tiện nói ra ý kiến của bản thân có khiến mọi người cho là mình xấc xược không nhỉ?”. Điều này tùy thuộc vào cách nói của bạn. Hãy vừa thể hiện thái độ khiêm tốn đúng chất của một “lính mới” nhưng vẫn thẳng thắn nói ra ý kiến của mình, chẳng hạn “Theo em nghĩ, cái đó phải chăng là vầy vầy vầy, anh/chị thấy có phải vậy không?” hoặc “Em cảm thấy có nghi vấn ở phần này, vậy giải thích như thế nào thì được ạ?”.
Lọt vào "tốp đầu đoàn đua marathon"
Trong một cuộc đua chạy bộ đường dài chính thức với quãng đường 42.195 km thì những người không lọt vào top dẫn đầu trong cự ly 5-10 km đầu tiên thường có xác suất giành được giải vô địch rất thấp.
Tôi nghĩ, đối với một người làm kinh doanh, khoảng thời gian tương đương với mốc 5 km đầu tiên chính là ba năm đầu kể từ ngày bạn bắt đầu đi làm. “Trong khoảng thời gian này, nếu bạn không có mặt trong tốp dẫn đầu thì về sau bạn khó mà trở thành người có sức ảnh hưởng trong công ty”. Khi nghe một doanh nhân nói như thế, tôi mới ý thức và nảy sinh quyết tâm “trong vòng 3 năm tôi sẽ cố gắng hết sức và tuyệt đối không cho phép mình nản lòng”.
Vậy, trong 3 năm này, tôi phải làm gì để vượt lên và gia nhập vào tốp dẫn đầu? Bạn không nhất thiết phải tìm đủ mọi cách để nâng cao thành tích của bản thân nhằm đạt được vị trí đầu tiên. Bởi vì thành tích của nhân viên mới về cơ bản còn chịu ảnh hưởng của vận may. Điều quan trọng hơn là bạn cần ý thức trang bị cho mình những năng lực cơ bản một cách đầy đủ và chắc chắn. Chẳng hạn, bạn có thể học thêm để lấy những bằng cấp có liên quan đến công việc hoặc ngành nghề bạn đang làm việc, tham gia những buổi hội thảo học tập để có kiến thức cơ bản về marketing hoặc kinh doanh, hay bạn cũng có thể mua sách liên quan đến lĩnh vực bạn đang theo đuổi về đọc.
Những lý thuyết cơ bản bạn học được trong giai đoạn này sẽ trở thành nền tảng để bạn so sánh, kiểm chứng và dễ dàng rút kinh nghiệm hơn khi ứng dụng vào thực tế công việc, dần dần biến những thứ bạn học được thành của riêng bạn. So với những người không có nhận thức và không có sự chuẩn bị sẵn sàng, sau khoảng 3 đến 5 năm, bạn sẽ nhận ra khoảng cách giữa những người “tiến lên” và những người “tụt lại”. Khi lãnh lương, đừng phung phí tiền để vui chơi hay dành dụm mà hãy sử dụng tiền một cách thông minh để đầu tư cho tương lai, cho sự trưởng thành và cho sự nghiệp của bản thân mình.
Chuỗi hành trình "Tuân thủ - Khai phá - Tách biệt"
Tiếng Nhật có một cụm từ là “Shu-ha-ri” (Tiếng Hán là “Thủ-Phá-Ly”). Theo lời giáo huấn của ngài Zeami – người đã xác lập bộ môn nghệ thuật Kịch Nô (kịch câm Nhật Bản) – thì đây là tinh thần được truyền tụng trong khắp giới nghệ thuật truyền thống cũng như vô đạo.
Cụm từ có ý nghĩa như sau: “Shu” (Tuân thủ): là giai đoạn mà ta cần trang bị cho bản thân mình những hình mẫu/nề nếp cơ bản; “Ha” (Khai phá): là giai đoạn mà ta khai phá những hình mẫu rập khuôn đó để ứng dụng sao cho phù hợp với bản thân; “Ri” (Tách biệt): là giai đoạn mà ta tự mình thêm vào sự mày mò sáng tạo của bản thân để tạo ra sự mới mẻ mang nét độc đáo và đặc trưng của riêng mình.
Ngài Zeami muốn truyền đạt tới chúng ta rằng, dù bạn đi trên con đường nào, để có thể đi đến tận cùng thì điều quan trọng là phải bước đi tuần tự theo từng giai đoạn.
Bạn có cảm thấy “nóng vội” muốn đốt cháy giai đoạn không? Bạn có cảm thấy áp lực với những suy nghĩ như “Phải nhanh chóng đạt thành quả để được thừa nhận!” hay “Mình đã bị chậm so với các bạn cùng lứa, phải nhanh chóng bắt kịp mới được!”.
Dĩ nhiên, việc bạn có ý muốn nhanh chóng trưởng thành cũng quan trọng. Nhưng không cần thiết phải vội vàng nghĩ cách đạt được thành quả ngay lập tức.
Như đã truyền đạt ở bài trước, giai đoạn này chính là khoảng thời gian để bạn tích góp những năng lực cơ bản một cách chắc chắn. Chỉ cần không xao nhãng việc này thì trong 3 đến 5 năm, những nỗ lực của bạn nhất định sẽ đạt kết quả. Đội ngũ kinh doanh của công ty không đòi hỏi khả năng chiến đấu của “lính mới” ngay từ năm đầu tiên. Mà ngược lại, họ mong đợi bạn có thể phát triển và cống hiến lâu dài cho công ty từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 trở đi.
Sự nghiệp của bạn vẫn còn dài! Điều quan trọng là bạn cần phải tự hỏi mình: “Khi tôi bước vào độ tuổi 30-40, tôi đã tích trữ được bao nhiêu “nhựa sống” (kỹ năng, nhiệt huyết) cho bản thân? Bây giờ tôi đã ý thức được việc tự đầu tư cho bản thân chưa, đã thực sự nỗ lực hết mình cho công việc trước mắt chưa?”. Đừng nghĩ đến việc bỏ qua bước đầu để “tập đi” và “tập chạy” cho nhanh, nhằm vọt tới giai đoạn “Khai phá” và “Tách biệt”; trước hết bạn hãy “tập bò” thật vững vàng, nỗ lực vượt qua giai đoạn “Tuân thủ” đã nhé.
58++ bài học vỡ lòng để trở thành No.1
Tác giả Chikako Morimoto là một trong những saleswoman hàng đầu của Trung tâm tìm kiếm Nhân tài tại Nhật Bản. Cuốn sách "58++ bài học vỡ lòng để trở thành No.1" của cô được ví như cuốn sách “gối đầu” dành cho người mới đi làm. Mỗi bài học trong sách đều là câu chuyện thường gặp của người mới đi làm, được đúc kết từ những tình huống có thật mà người viết từng trải nghiệm. Với cách đặt vấn đề trực tiếp, thực tế và vô cùng hữu ích, cuốn sách chắc chắn sẽ là bộ tài liệu quý giá giúp bạn trở thành một trong những người dẫn đầu tại công sở.
Cuốn sách được anh Nguyễn Đình Phúc – TGĐ iGlocal Resource mang về từ Nhật sau một chuyến công tác để làm tài liệu củng cố kỹ năng cho nhân viên trong công ty. Khi nhận thấy những hiệu quả kì diệu mà cuốn sách mang lại, anh đã quyết định mua bản quyền, biên dịch và phân phối độc quyền tại Việt Nam, với niềm tin đây là một trong những tài liệu đào tạo nhân viên mới mà mỗi doanh nghiệp cần phải có.
Trích "58++ bài học vỡ lòng đề trở thành No.1"/ kilala.vn