Kilala.vn đã có diện mạo mới    Trải nghiệm ngay

Nhật kí của mẹ Aichan: Chuyện con tôi đi học lớp 1 tại Nhật

Lifestyle    • Jun 22, 2018

Bài: Mẹ Aichan/ Ảnh: PIXTA

Trường học tại Nhật Bản có 2 loại: trường công và trường tư. Trường công là của nhà nước, miễn học phí dành cho các bé học đúng tuyến. Trường tư thì phải đóng tiền, thường phải thi đầu vào và dành cho gia đình có điều kiện kinh tế. Chọn cho con theo học đúng tuyến tại ngôi trường gần nhà, hai mẹ con tôi đã vượt qua được năm học đầu đáng nhớ với con và đáng để học với một người mẹ Việt như tôi!

con tôi học lớp 1

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Bất ngờ ngay từ khâu chuẩn bị cho con!

Sau khi nhận được giấy thông báo quyết định trường học trước ngày nhập học vài tháng, tôi cùng con đến trường để trò chuyện làm quen với nhà trường và trình bày sơ về gia cảnh. Nhận được một danh sách các đồ đạc cần chuẩn bị, tôi vô cùng ngạc nhiên vì liệt kê ra cũng phải đến gần một chục chiếc túi và khăn các loại, như túi đựng đồ cá nhân, túi đựng giày đi trong nhà, túi đựng quần áo thể dục, túi đựng khăn trải cho bữa ăn trưa, túi đựng nón bảo hiểm khi động đất,... Mỗi loại còn có cả kích thước và yêu cầu đặc biệt riêng. Sau khi hỏi han các bà mẹ có con cùng lứa với con tôi, tôi hiểu ra rằng, chẳng những gia đình phải chuẩn bị các vật dụng đầy đủ cho con theo đúng quy định mà tụi nhỏ sẽ tự hào với bạn bè hơn nếu như đó là những đồ tự tay mẹ làm so với đồ may sẵn!

chuẩn bị cho con học lớp 1

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Do đó, dù có vụng về đến mấy tôi cũng đã cố gắng tự may cho con một cái túi đựng đồ với màu vải và hoa văn con yêu thích. Rất may trường công lập thì không yêu cầu đồng phục mà chỉ cần mũ và giày cùng loại, nếu không chắc phải chi một khoản không nhỏ vì đồng phục ở trường học Nhật khá đắt.

Trên đồ dùng của trẻ đều phải dán tên và phải dùng loại nhãn tên một màu, không có hình các nhân vật hoạt hình. Lí do là để trẻ tập trung trong giờ học thay vì chăm chú vào các nhân vật hoạt hình, đồng thời tránh sự phân biệt giàu nghèo không đáng có trong trường học.

chuẩn bị cho con học lớp 1

(Ảnh minh họa: PIXTA)

/banner

Những trải nghiệm mới mẻ khiến mẹ Việt nào cũng ngạc nhiên

Thường xuyên thay đổi chỗ ngồi

thường xuyên thay đổi chỗ ngồi

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Ở trường tiểu học, việc học chữ chỉ cần học đủ để nắm cơ bản, quan trọng là học rèn luyện ý thức. Trong đó, xây dựng mối quan hệ với bạn bè cũng là một trong những danh mục rèn luyện. Cứ 2 hay 3 tháng một lần, trong lớp lại thay đổi chỗ ngồi hoặc thay đổi nhóm ăn trưa. Có bạn thì dễ chơi, có bạn thì nghịch ngợm trêu ghẹo nhưng đó là một xã hội thu nhỏ mà các con cũng phải làm quen. Cũng có một số trường hợp đánh nhau hoặc phân biệt không cho chơi cùng,... Nếu có ảnh hưởng đến tâm lý của con thì phụ huynh có thể báo cho nhà trường để xử lý. Nhưng tôi thấy hầu như các gia đình đều để con mình tự xoay sở trước khi báo cho nhà trường bởi ai cũng nghĩ rằng con mình sớm làm quen với điều này sẽ có thể trở nên dạn dĩ và cứng cáp hơn.

Cô giáo đến thăm nhà

giáo viên đến thăm nhà

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Quy định bắt buộc của nhà trường là vào khoảng đầu năm học, giáo viên sẽ có một buổi đến thăm nhà học sinh (gọi là “Katei-homon” - 家庭訪問) vừa để đôi bên chào hỏi, vừa để giáo viên “mục sở thị” cuộc sống và gia cảnh của học sinh. Tuy gọi là đến nhà nhưng hầu như các thầy cô giáo, kể cả cô giáo chủ nhiệm của con tôi đều chỉ đứng ở sảnh đón khách để hỏi thăm gia đình và hỏi han những lo lắng, mong muốn của cha mẹ đối với con mình trong năm học mới. Tuy chỉ khoảng 10 - 15 phút nhưng đối với tôi thật là những giờ phút quý giá để tôi có thể trao đổi được hết những lo lắng của mình cũng như mong cô giúp đỡ và lưu ý những điểm còn yếu của con.

Hội phụ huynh

hội phụ huynh Nhật Bản

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Ở trường con tôi học, phụ huynh mỗi lớp đều phải luân phiên tham gia các hoạt động dành cho phụ huynh của trường. Có việc phải bắt buộc làm luân phiên như phất cờ giữ an toàn giao thông trên đường đi học của các con, cũng có nhiệm vụ được lựa chọn hoặc bốc thăm để làm như tuần tra quanh trường trong mỗi kỳ nghỉ dài, gom kế hoạch nhỏ, giúp đỡ nhà trường làm lễ hội, có việc cho bố, có việc cho mẹ,...

Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi học công khai cho phụ huynh dự giờ và tham quan lớp học. Thông qua hội phụ huynh, tôi không chỉ học hỏi được rất nhiều mà còn làm quen được với gia đình của những bạn mà con tôi chơi thân, từ đó tham khảo được cách dạy con của họ.

Thể dục bất kể thời tiết

thể dục bất kể thời tiết

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Thường một tuần có khoảng 2 - 3 tiết thể dục trong nhà và ngoài trời. Tuy Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt nhưng đặc biệt đồng phục thể dục chỉ có một bộ quần cộc và áo cộc duy nhất, bất kể là nắng hay mưa, nóng bức hay rét buốt. Tôi vẫn nhớ Ngày hội thể thao năm ấy rơi vào đúng ngày trời nắng gắt, vậy mà toàn trường từ lớp lớn đến lớp nhỏ đều phải tham gia các hoạt động ngay giữa trời nắng trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Một cách tập luyện mang tinh thần Samurai!

Lời phê bài của giáo viên cực kỳ ấn tượng!

Ở trường tiểu học của Nhật, tuy những bài kiểm tra nhỏ thì có chấm điểm nhưng không có thi học kỳ hay thi lên lớp. Ngay cả bài tập về nhà cũng chỉ chấm đúng - sai. Những bài văn viết cũng được cô giáo kiểm tra chính tả và đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng về cách phê bài của cô giáo.

Tất cả những cảm xúc của con tôi được cô đón nhận và tôn trọng như một cách động viên cực kỳ hiệu quả. Khi con viết về kỳ nghỉ hè được về Việt Nam chơi, cô đã viết: “Nghe con kể về Nha Trang, cô cũng rất muốn được đến đó một lần. Cát ở đó trắng và mịn nên đã từng được sử dụng cho môn bóng chuyền bãi biển ở Olympic cơ đấy”, hay: “Suy nghĩ của con thật là thú vị!”, “Hóa ra là vậy, con khám phá được điều hay thật đấy!”, “Thật là đáng nhớ nhỉ!”. Đó luôn là những lời phê tạo sự tự tin cho con tôi cho dù bài viết còn sai chính tả rất nhiều.

bảng điểm cuối kì Ayumi

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Bảng điểm cuối kỳ được gọi là Ayumi, trong đó ghi nhận sự tiến bộ của con. Bảng được chia thành 3 cột là “Hoàn thành xuất sắc” (よくできた), “Hoàn thành tốt” (できた) và “Cần cố gắng thêm” (もうすこし). Mặc dù cũng có môn học bị phê “Cần cố gắng” nhưng thay vì suy sụp hay xấu hổ hay mang đến một áp lực nào, ngược lại con tôi lại nhớ và phấn đấu để kỳ sau không còn bị phê vào đó nữa.

Tạm kết!

Trường học là một xã hội thu nhỏ, trong đó con gái tôi đang lớn lên và trưởng thành từng ngày. Tôi hoàn toàn yên tâm vì cho tới giờ con tôi thích trường, thích lớp, không ghét học và tiến bộ trong phạm vi sức lực của con. Tôi không cầu toàn con phải đứng nhất lớp vì ở trường cũng không có đánh giá này. Chỉ cần con tôi hào hứng với việc đến trường, chơi hết sức với bạn, có thể lực tốt và tâm hồn vui tươi là đủ.

Mẹ Aichan/ kilala.vn

padding
padding
padding
padding
padding
padding
KILALA vol.45

Chỉ từ 220.000 VND, bạn sẽ nhận được 4 số Kilala giao tận nhà và một trong những phần quà hấp dẫn.

KILALA vol.44

KILALA vol.44

KILALA vol.43

KILALA vol.43

KILALA vol.42

KILALA vol.42

KILALA vol.41

KILALA vol.41

KILALA vol.40

KILALA vol.40

KILALA vol.39

KILALA vol.39

KILALA vol.38

KILALA vol.38

KILALA vol.37

KILALA vol.37

KILALA vol.36

KILALA vol.36

KILALA vol.35

KILALA vol.35

Đăng ký bản tin

Đăng ký bản tin của KILALA để cập nhật những thông tin Nhật Bản mới nhất

go Top