Oya-gacha: Từ lóng phơi bày bi kịch của người trẻ Nhật Bản
Xã hội Nhật Bản
Bài: Rin
Ảnh bìa: NHK
“Oya-gacha – Cha mẹ Gacha” là một cụm từ thịnh hành trong giới trẻ Nhật Bản vào những tháng cuối năm 2021, gây ra không ít tranh cãi khi ví việc được sinh ra trong gia đình như thế nào cũng may rủi như trò chơi Gachapon.
Một số người cho rằng cách nói “Oya-gacha” là thiếu tôn trọng, phớt lờ đi công ơn dưỡng dục của cha mẹ hoặc chỉ là cái cớ mà người trẻ vin vào để không tiếp tục cố gắng. Tuy nhiên, mọi chuyện có lẽ không chỉ đơn giản như vậy. Oya-gacha còn hé lộ nhiều góc tối trong xã hội Nhật Bản, với một bộ phận người trẻ mang trong mình những thương tổn tinh thần trong quá trình trưởng thành.
Oya-gacha là gì?
Oya-gacha (親ガチャ) nghĩa đen là “cha mẹ gacha”, là một từ được lan truyền rộng rãi trong giới trẻ Nhật Bản bắt đầu từ tháng 09/2021. Nó nhanh chóng trở thành từ khóa "hot" nhất mạng xã hội với số lượt tìm kiếm tăng chóng mặt và trở thành 1 trong 30 từ, cụm từ được đề cử trong cuộc bình chọn “Buzzword of the year" 2021.
Oya-gacha chỉ việc trẻ em không được tự chọn cha mẹ sinh ra mình nên từ ngoại hình, môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, tình hình tài chính đều hoàn toàn được quyết định bởi vận may. Tính chất may rủi này giống với cơ chế hoạt động của máy bán hàng Gachapon, nơi người chơi bỏ đồng xu vào khe tiền, xoay cần gạt rồi nhận được những quả trứng nhựa Capsule Toy chứa những món đồ bất ngờ ở bên trong.
Xem thêm: Gachapon: những món quà bất ngờ trong quả bóng nhựa
Theo tờ NHK, trên mạng xã hội, từ Oya-gacha có thể được sử dụng theo kiểu “Tôi đã không chiến thắng Oya-gacha. Tôi muốn được sinh ra trong gia đình giàu có hơn. Tôi không muốn sống cuộc sống nghèo hèn như vậy”. Mặt khác, những bạn trẻ dùng từ Oya-gacha vì bị cha mẹ bạo hành, ngược đãi đưa ra các chia sẻ như: “Tôi đã trải qua việc bị lạm dụng, bỏ mặc, không nhận được sự yêu thương, quan tâm nên có thể nói là tôi đã thất bại ở Oya-gacha”.
Nếu Oya-gacha dùng theo nghĩa tiêu cực là than trách số phận, bất mãn với cha mẹ, thì các phụ huynh Nhật Bản khi than thở về con cái, họ cũng có từ đối lập là “子ガチャ - Ko-gacha”, tức cha mẹ không được chọn con cái.
Chuyên gia nói gì về Oya-gacha?
Oya-gacha kể từ khi được lan truyền rộng rãi đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận không hồi kết trên truyền hình và mạng xã hội ở Nhật Bản. Theo tờ Asahi, ông Takayoshi Doi, 61 tuổi, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Tsukuba cho biết: “Là một từ thời thượng, Oya-gacha miêu tả chuẩn xác cảm giác gần như cam chịu số phận của những người trẻ Nhật Bản ngày nay”.
Khi giáo sư Doi đăng tải bài viết về cụm từ này lên trang cá nhân, ông rất bất ngờ khi nhận được vô số phản hồi. Ban đầu, khá nhiều bình luận chỉ trích giới trẻ “hư hỏng” hoặc “cố gắng chưa đủ”, nhưng dần dần, số lượng bình luận tích cực tăng lên vì không thể phủ nhận sự bất bình đẳng kinh tế tồn tại trong xã hội Nhật Bản. Ông Doi cũng đã khảo sát những người xung quanh về từ Oya-gacha và kết quả là có khoảng 70% người chỉ trích giới trẻ, 30% còn lại thì không.
Theo ông, từ này đã phản ánh sâu sắc sự chênh lệch xã hội được tạo ra bởi thế hệ cha mẹ: “Đúng là có những người trẻ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nói từ Oya-gacha. Họ là những người lớn lên trong một gia đình không ấm êm, chẳng hạn như bị cha mẹ bạo hành, không được đến trường. Với họ, sử dụng từ Oya-gacha để nói về cuộc sống khó khăn ra sao có thể sẽ dễ dàng hơn".
Ông cũng cho biết, Oya-gacha phần nào thể hiện khoảng cách ngôn ngữ giữa thế hệ trẻ và phụ huynh. Những người trẻ ngày nay có xu hướng tránh nói điều gì đó quá nghiêm trọng vì không muốn gây ra sự căng thẳng cho người đối diện. Ví dụ, thay vì nói thẳng thừng rằng “bởi vì chúng ta nghèo”, họ sẽ sử dụng cách nói nhẹ nhàng hơn rằng “tôi đã không trúng Oya-gacha”.
Còn về phía các bậc phụ huynh ở Nhật Bản, Oya-gacha có thể khiến họ cảm thấy rằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ không được con cái công nhận. Ông Doi nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ rằng: “Điều quan trọng cần lưu ý là "thất bại trong Oya-gacha" không phải là đổ lỗi cho cha mẹ hay áp đặt trách nhiệm. Rõ ràng ngay cả với các món đồ chơi trong quả trứng Capsule Toy sau khi ra khỏi máy Gacha thì trách nhiệm cũng không thể thuộc về máy mà đó là ngẫu nhiên. Tôi muốn các bậc phụ huynh nghĩ về từ này như một cách truyền tải cảm giác rằng có một điều gì đó ở phía trước mà với khả năng hiện tại, người trẻ không thể vượt qua”.
Phơi bày mặt tối của xã hội Nhật Bản
Bất bình đẳng kinh tế
Trong cuốn “教育格差 - Kyouiku Kakusa” (tạm dịch: Sự bất bình đẳng trong giáo dục), nhà nghiên cứu giáo dục Ryoji Matsuoka cho rằng mặc dù Nhật Bản thời hậu chiến mang đến cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người thông qua giáo dục công, nhưng tùy vào tầng lớp xã hội cũng như xuất thân, vẫn có sự chênh lệch về học vấn. Ngày nay, tại Nhật Bản, sự bất bình đẳng này vẫn tồn tại. Điều này có thể thấy rõ qua mức thu nhập hằng năm cao hơn trung bình của các hộ gia đình có con học trường Đại học Tokyo.
Theo tờ Nikkan Spa, hơn 60% sinh viên Đại học Tokyo đến từ những gia đình có thu nhập trung bình trên 86.000 USD. Con số này gấp đôi mức trung bình toàn quốc là 46.372 USD. Còn theo Abema, chỉ khoảng 10% sinh viên Đại học Tokyo đến từ những gia đình có thu nhập dưới 32.000 USD. Rõ ràng với những gia đình có thu nhập cao hơn, họ dễ dàng gửi con đến các trường luyện thi tốn kém, vốn được xem là cần thiết để có thể đậu vào trường trung học và đại học hàng đầu.
Nếu một người sở hữu nền tảng gia đình mạnh về tiềm lực tài chính hoặc có "gốc gác", đây trở thành bàn đạp vững chắc cho thành công của họ. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua truyền thống chính trị cha truyền con nối rất phổ biến tại Nhật Bản khi đa số các Thủ tướng thời hậu chiến đều xuất thân từ gia đình chính trị như Cựu Thủ tướng Shinzo Abe hay Tân thủ tướng Fumio Kishida, các lĩnh vực khác như kinh tế, giải trí cũng tương tự.
Bạo hành con cái
Một nghịch lý tại đất nước được mệnh danh là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới đó là số lượng các vụ bạo hành trẻ em lại có xu hướng gia tăng. Theo tờ Asahi, trong năm tài khóa 2020, lần đầu tiên số vụ bạo hành trẻ em tại nước này chạm mốc 200.000 vụ* kể từ khi số liệu này được thống kê vào năm 1990. Điều đáng chú ý, con số này đã không ngừng tăng kể từ năm 1990. Trong số 205.029 vụ việc được báo cáo vào năm 2021, bạo hành tâm lý chiếm 121.325 trường hợp, tương đương 59,2%; bạo hành thể chất chiếm 50.033 vụ, tương đương 24,4%. Tình trạng bỏ mặc trẻ em được báo cáo trong 31.420 trường hợp, tương đương 15,3%.
Gần đây, tờ Kyodo News đưa tin về vụ việc ông bố trẻ Natsuki Nakashima, 23 tuổi đã bị bắt vì đánh vào đầu con gái một tháng tuổi tại nhà của họ ở Kanoya, tỉnh Kagoshima dẫn đến cái chết thương tâm của bé. Ông Nakashima tường trình: “Tôi cảm thấy rất căng thẳng và đã đánh con vì con không ngừng khóc”. Đây cũng không phải lần hiếm hoi một vụ việc bạo hành trẻ sơ sinh được phát hiện tại Nhật Bản.
Theo chia sẻ của luật sư Minoru Hashizume và Tiến sĩ tâm thần học Satoshi Tanaka trên tờ Koukousei Shimbun, một số nguyên nhân phổ biến cho việc bạo hành con cái được đưa ra là nghèo đói, mang thai ngoài ý muốn hoặc trẻ sinh ra gặp các khuyết tật, khó nuôi dưỡng khiến cha mẹ không xử lý được những căng thẳng phát sinh và biểu hiện thành các hành vi ngược đãi.
Những thương tật về thể chất dễ quan sát và nhận thấy nhất. Tuy nhiên, những thương tổn về mặt tinh thần và cảm xúc lại ảnh hưởng lâu dài, đi theo trẻ suốt cuộc đời. Chúng ảnh hưởng đến tính cách, thái độ sống, các mối quan hệ, khả năng học tập, làm việc sau này của mỗi người.
*Dữ liệu thống kê dựa trên các yêu cầu tư vấn về bạo hành liên quan đến trẻ em dưới 18 tuổi tại các trung tâm phúc lợi trẻ em trên toàn quốc.
Thua trong "trò chơi" Oya-gacha, người trẻ phải làm thế nào?
Nishimura cũng tin rằng "trò chơi thú vị hơn ở chế độ khó". Dù chiến thắng hay thất bại ở Oya-gacha, với người trẻ, điều quan trọng nhất có lẽ là hiểu rõ vị trí của bản thân và có kế hoạch phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình. Dù có thể xuất phát chậm hơn người khác, nhưng mỗi người luôn có cơ hội để tăng tốc và cán đích thành công.
kilala.vn