Khi gặp những vấn đề không lối thoát trong cuộc sống, nhiều người chọn cách biến mất không để lại bất kỳ dấu vết nào. Ở Nhật Bản, nơi hiện tượng này đã trở thành một vấn nạn, nó được gọi tên là "Jouhatsu".
Nếu thuật ngữ “Kamikakushi” (vốn đã quen thuộc khi xuất hiện trong tên của bộ phim "Sen to Chihiro no Kamikakushi - Vùng đất linh hồn") chỉ hiện tượng con người biến mất do các thế lực thần linh gây ra, thì “Jouhatsu” là việc người Nhật chọn biến mất khỏi cuộc sống hiện tại để chạy trốn khỏi nỗi xấu hổ vì mất việc, ly hôn, trầm cảm, bạo lực gia đình, trốn nợ cờ bạc hay là phương cách để họ có thể bắt đầu lại cuộc sống mới. Dù xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên, do một số khác biệt trong văn hóa, xã hội của Nhật Bản mà hiện tượng “bốc hơi” khỏi cuộc sống có phần phổ biến hơn tại quốc gia này.
Nguồn gốc của Jouhatsu
Thuật ngữ Jouhatsu (蒸発) bắt đầu được sử dụng ở Nhật Bản vào thập niên 60 của thế kỷ 20, chỉ những người quyết định thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc bằng cách biến mất đột ngột thay vì phải chịu đựng các thủ tục ly hôn chính thức. Đến thập niên 90, bong bóng kinh tế vỡ khiến nhiều người làm công ăn lương tại Nhật mất việc và nợ nần chồng chất, chính vì vậy Jouhatsu cùng với vấn nạn tự vẫn gia tăng đột biến. Tương tự như chủ đề tự tử, Jouhatsu cũng là điều cấm kỵ trong các cuộc trò chuyện của người Nhật.
Thâm nhập vào thế giới Jouhatsu
Nhà báo người Pháp Léna Mauger đã dành nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng Jouhatsu ở Nhật và xuất bản cuốn “The Vanished: The "Evaporated People" of Japan in Stories and Photographs” (2016). Trong cuốn sách, bà cho biết có gần 100.000 vụ Jouhatsu diễn ra tại Nhật mỗi năm. Nhiều người Nhật đã tự “loại bỏ” bản thân ra khỏi cộng đồng của họ bởi không muốn tự vẫn vì căn bệnh trầm cảm đeo bám, không thể giải quyết hoặc thoát ra khỏi một vấn đề nan giải nào đó. Họ rũ bỏ ngôi nhà đang sống, công việc và gia đình như thể tất cả đều là trang phục họ không muốn mặc, thỉnh thoảng họ còn thay đổi tên và cả khuôn mặt.
Trong các trường hợp Jouhatsu được mô tả trong cuốn sách, ông Norihiro bị sa thải khi đang làm công việc kỹ sư nhưng lại quá xấu hổ để kể với gia đình mình. Do vậy, vào mỗi buổi sáng, ông lại mặc áo sơ mi, thắt cà vạt, chào vợ và lái xe đến công ty. Nhưng rõ ràng, ông không có nơi nào để đi nên đã ngồi cả ngày trên xe ô tô. Thỉnh thoảng, ông cũng ở lại bên ngoài rất trễ để gia đình tưởng rằng ông đang đi uống bia với đồng nghiệp. Cuối cùng, vì không có thu nhập, ông Norihiro không thể tiếp tục nói dối vợ con. Thay vì thành thật nói ra, ông đã chọn cách đột ngột biến mất và đến khu vực Sanya, nơi có nhiều Jouhatsu sinh sống. Khu vực này đã bị xóa khỏi bản đồ của Tokyo vào năm 1966 và sáp nhập với các quận lân cận.
Số vụ Jouhatsu được báo cáo ít hơn con số thực tế. Vào năm 2015, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã đăng ký 82.000 vụ mất tích, và 80.000 người trong số đó đã được tìm thấy vào cuối năm 2015. Trong số các vụ mất tích, khoảng 23.000 trường hợp mất tích với thời gian dài hơn một tuần và khoảng 4.100 người được tìm thấy đã tử vong.
Tuy nhiên, Hiệp hội hỗ trợ tìm kiếm người mất tích Nhật Bản (Missing Persons Search Support Association of Japan – MPS), một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra để hỗ trợ cho các gia đình của Jouhatsu, lập luận rằng con số chính thức trên không phản ánh chính xác và nó quá thấp so với thực tế. MPS nhận định: “Số vụ mất tích thực tế chưa được đăng ký ước tính phải gấp vài lần con số 100.000”.
Vì sao Jouhatsu trở thành vấn nạn ở Nhật?
Xã hội khắc nghiệt
Với nhiều người Nhật, mất việc, ly hôn hay thậm chí trượt kỳ thi đều là những nỗi xấu hổ không thể chấp nhận được. Thay vì sống với sự dày vò, họ có rất ít sự lựa chọn, chẳng hạn như tự kết liễu cuộc đời mình. Theo Jake Adelstein, một nhà báo kỳ cựu ở Nhật Bản chia sẻ với tờ TIME: “Đối mặt với lựa chọn tự vẫn hay làm việc đến chết, việc biến mất và bắt đầu lại cuộc sống mới có vẻ là lựa chọn tốt hơn. Thà mất tích còn hơn là phải chết”.
Xem thêm: Phân tích lí do tự tử - "quốc nạn" của văn hoá Nhật
Takehiko Kariya, Giáo sư Xã hội học của Hiệp hội Nhật Bản tại Viện Nissan, Đại học Oxford đã chia sẻ lập luận của ông về lý do Jouhatsu trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Ông cho biết, trong hơn 20 năm qua, trường học đã nỗ lực bồi dưỡng sự sáng tạo cũng như tạo điều kiện cho học sinh thể hiện cái tôi cá nhân nhiều hơn, nhưng môi trường xã hội và nơi làm việc thì không hề thay đổi. Trong một môi trường công sở phân chia cấp bậc như ở Nhật, một sinh viên mới ra trường có thể nhận ra bản thân được đối xử cũng chẳng hơn gì những người làm công ăn lương vào thập niên 80.
Quay ngược lại thập niên 80 của thế kỷ 20, tại Nhật, văn hóa làm việc tăng ca đã xuất hiện khi nhiều nhân viên văn phòng làm việc đến 2h sáng. Trong suốt thời kỳ bong bóng kinh tế, kỷ luật và tinh thần đồng đội luôn được đề cao và duy trì đến nay. Do vậy, thời gian nghỉ phép đã trở nên ngắn hơn, thời gian làm việc nhiều hơn và công ty cũng yêu cầu từng cá nhân trong tổ chức làm việc chính xác hơn.
Theo Sách trắng của Chính phủ Nhật Bản năm 2016, hơn 20% công ty Nhật Bản cho biết nhân viên của họ đã làm việc ngoài giờ quá 80 giờ/tháng. Tăng ca kéo dài gây ra hiện tượng Karoshi hay còn gọi là “chết vì làm việc quá sức”. Thống kê cho biết có khoảng 200 trường hợp Karoshi mỗi năm, nhưng theo các chuyên gia, con số thực có thể vượt quá con số 10.000.
Ông Kariya nhấn mạnh cấu trúc gia đình và gắn kết cộng đồng cũng dần tan rã ở Nhật: “Xã hội hiện nay gồm những người sống rất tách biệt, cá nhân. Việc sống một mình ngày càng trở nên phổ biến. Mọi người rất cô đơn”. Thậm chí, vì mối quan hệ với hàng xóm không còn khăng khít như xưa, nhiều người Nhật còn chọn tổ chức đám tang nhỏ tại các khách sạn tử thi thay vì nhà riêng như trước.
Xem thêm: Ohitorisama: xu hướng thích ở một mình của người Nhật
Quyền riêng tư được đặt lên hàng đầu
Chia sẻ với BBC, Hiroki Nakamori, một nhà xã hội học Nhật đã dành nhiều năm nghiên cứu về Jouhatsu cho biết: “Ở Nhật, việc biến mất dễ dàng hơn các nước khác. Cảnh sát sẽ không can thiệp trừ khi người mất tích liên quan đến tội phạm hay tai nạn. Khi có người mất tích, tất cả những gì gia đình có thể làm là chi thật nhiều cho thám tử tư để tìm kiếm. Hoặc chỉ là chờ đợi”. Một người mẹ có con là Jouhatsu 22 tuổi, bộc bạch: “Với luật hiện tại, nếu không có tiền, tất cả những gì tôi có thể làm là kiểm tra một xác chết có phải là con mình không”.
Tại Nhật, quyền riêng tư của mỗi người luôn rất được coi trọng và bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành một đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Do vậy, những người Nhật quyết định chọn Jouhatsu có thể ẩn mình mà không lo lắng về việc bị phát hiện ra. Họ cũng không cần lo việc bị ghi hình trên hệ thống camera giám sát CCTV hay bị phát hiện khi sử dụng thẻ tín dụng tại các trạm ATM, miễn là họ chuyển đi thật xa khỏi nơi từng sống. Bởi vì các thành viên trong gia đình không thể xem được các video bảo mật, cũng như các giao dịch tại ATM của họ.
Sự xuất hiện của ngành công nghiệp Jouhatsu
Với việc hiện tượng Jouhatsu lan rộng trong xã hội Nhật Bản, nhiều công ty chuyên giúp đỡ người muốn biến mất đã được thành lập, được gọi là “夜逃屋 – Yonige-ya”, tạm dịch là “cửa hàng dọn nhà trong đêm”. Những công ty này hỗ trợ các Jouhatsu lên kế hoạch biến mất và cung cấp chỗ ở tạm thời tại những địa điểm bí mật. Khác với Jouhatsu có thể rất bí ẩn, các công ty Yonige-ya lại rất dễ tìm thấy.
Miho Saita, 46 tuổi, CEO của công ty TS Corporation (TSC) đã có cuộc trao đổi với tờ TIME về Jouhatsu. Bà Miho kể lại vào sáng sớm, bà đã nhận được cuộc điện thoại từ một khách hàng. Vị khách đầy hoảng loạn hỏi bà Miho liệu mình và con trai có thể biến mất không. Chồng của người khách, đang làm việc tại một công ty dược phẩm, đã cho con trai uống thuốc an thần cực mạnh vì cậu bé không ngủ được. Cô rất lo lắng không biết con trai mình có bị hại hay bị cho uống thuốc quá liều không.
Chỉ vào vết sẹo trên má, bà Miho kể rằng mình cũng từng là một Jouhatsu. Khoảng 18 năm trước, bà từng thoát khỏi người chồng bạo lực ở tỉnh Kanagawa, nơi bà làm quản lý cho một số nhà hàng: “Vào thời điểm đó, không có luật nào bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình, cảnh sát chỉ có thể yêu cầu kẻ bạo hành dừng lại. Tôi đã lấy xe và biến mất cùng chú cún của mình”.
Bà Miho cho biết thêm, giá dịch vụ Jouhatsu của công ty là từ 50.000 yên đến 300.000 yên (khoảng 10.000.000 VND đến 60.000.000 VND) tùy thuộc vào số lượng tài sản mà họ muốn đem theo khi biến mất, quãng đường di chuyển và việc biến mất diễn ra trong đêm hay ban ngày. Nếu người bỏ trốn dẫn theo trẻ em hay trốn khỏi chủ nợ thì giá Jouhatsu có thể bị đẩy lên cao hơn. Mỗi ngày, công ty của Miho nhận được từ 5 đến 10 yêu cầu, đa phần muốn nhận được tư vấn. Và mỗi năm, bà cho biết công ty giúp khoảng 100 đến 150 người "bốc hơi".
Có rất nhiều công ty tương tự TS Corporation cũng đang hoạt động để giúp đỡ những phụ nữ gặp phải bạo lực gia đình mà cảnh sát chưa giải quyết được. Nhật Bản chỉ mới ban hành luật Bạo hành gia đình vào năm 2001. Theo thống kê chính thức năm 2015, cứ 4 phụ nữ Nhật Bản thì có một người bị chồng ngược đãi, nhưng thực tế, theo nhiều chuyên gia, con số này có thể cao hơn. Bà Miho cho biết: “Hầu hết các khách hàng nữ của tôi đều đã từng đến gặp cảnh sát và trình báo không nhận được những sự hỗ trợ thiết thực từ cảnh sát”.
Kết
Nếu so sánh với việc thoát khỏi thực tại bằng tự tử khiến cho người thân phải gánh các khoản phí dọn dẹp đắt đỏ, Jouhatsu có vẻ là giải pháp được nhiều người Nhật muốn biến mất lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cả hai vấn nạn này đều phơi bày góc tối và những khía cạnh khắc nghiệt của xã hội Nhật Bản, cho thấy tính cấp thiết của việc cần phải có những chính sách, biện pháp hiệu quả từ Chính phủ để giảm thiểu tình trạng nói trên.
kilala.vn